Hồi tiểu học, khi còn chưa biết đến khái niệm lập trình nhưng tiếp xúc nền tảng game online từ sớm, Phạm Phương Thúy đã khao khát tạo ra game của riêng mình cùng nhiều hiệu ứng đặc biệt, bắt mắt.
Đam mê đó thôi thúc Thúy trở thành “girl in STEM”, theo học lớp chuyên Tin trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM. Nữ sinh tham gia các cuộc thi Tin học, Khoa học kỹ thuật và sắp tới, theo học Khoa học máy tính tại trường hàng đầu thế giới về ngành này - ĐH Cornell, Mỹ.
Việc lựa chọn chuyên Tin thay vì chuyên Toán là bước ngoặt đưa Thúy đến với ước mơ theo đuổi ngành Khoa học máy tính. Ảnh: T.P. |
Theo đuổi ước mơ du học
Phương Thúy chia sẻ em học cấp 2 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nơi rất nhiều học sinh định hướng đi du học từ sớm. Nghe bạn bè kể và cho xem video về những tiết học STEM, được lập trình Robot, viết code các game cơ bản, Thúy nhen nhóm ước mơ du học.
Dù chưa xác định rõ sẽ đi đâu, Phương Thúy bắt đầu hành trình học tiếng Anh, tham gia các hoạt động ngoại khóa STEM để bước đầu xây dựng hồ sơ.
Bước ngoặt xảy ra khi Thúy lựa chọn chuyên Tin vào năm lớp 9. Thay vì chuyên Toán đã theo đuổi 4 năm, nữ sinh đổi hướng, học lại từ đầu các khái niệm lập trình cơ bản. Ở đây, em tìm được thế mạnh giúp mình bật lên so với các bạn cùng lứa về lĩnh vực lập trình, giúp em tự tin vào bản thân.
Bước ngoặt này cũng giúp Phạm Phương Thúy trở thành học trò thầy Nguyễn Thanh Hùng - nguyên Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, thầy giáo ưu tú đã đào tạo nhiều thế hệ chuyên Tin đoạt giải quốc tế và làm việc trong các tập đoàn lớn.
Phương Thúy tâm sự chính thầy Hùng đã truyền lửa chuyên Tin cho em, tạo điều kiện để nữ sinh gặp gỡ, làm quen với các anh lớn là cựu học sinh của trường, hướng em đến nước Mỹ.
Với sự chuẩn bị sớm đó, Phương Thúy cho rằng hồ sơ của em mạnh về các môn tự nhiên, đặc biệt giải thưởng, dự án liên quan trực tiếp lập trình.
Phạm Phương Thúy từng đoạt giải nhất vòng Việt Nam của International Collegiate Programming Contest (ICPC - cuộc thi lập trình quy mô quốc tế dành cho sinh viên), giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020 môn Tin học.
Phương Thúy cũng là một trong 32 học sinh dự kỳ thi chọn đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế. Em là nữ sinh duy nhất được triệu tập trong 3 năm liên tiếp.
Bên cạnh lập trình thi đấu, Thúy còn tích cực tham gia các dự án khoa học kỹ thuật, sáng chế phát minh phục vụ đời sống thường ngày như máy lọc không khí thông qua cơ chế quang hợp của vi tảo. Nữ sinh chuyên Tin còn là trợ nghiên cứu của ĐH Texas - Austin về Học máy. Cơ hội nghiên cứu này giúp Thúy học được nhiều điều, và hơn hết, làm quen được với nhiều anh chị tài năng, truyền cảm hứng.
Hành trình đó được Phương Thúy đưa vào bài luận về Underrepresented group (một phần thiểu số của cộng đồng mình tham gia hoặc hướng đến). Em viết về bản thân - một “Girl In STEM”.
Trong bài luận, Thúy chia sẻ khi đặt chân vào con đường chuyên Tin, nhiều người khuyên xem xét lại quyết định này, bởi “công nghệ thông tin không phù hợp con gái”. Em từng tự hỏi bản thân rất nhiều, rằng liệu có phù hợp không. May mắn, sở thích tạo ra game online đã tạo động lực để Thúy “thử một lần”.
“Em không dám khẳng định công nghệ thông tin là con đường cuối cùng của mình, nhưng hiện tại, em vui với nó, thế là đủ. Nếu không cho mình bất cứ cơ hội nào để thử, em nghĩ bản thân sẽ hối hận suốt đời. Và hơn hết, em còn trẻ, thời gian còn dài, ngại gì sai”, Phương Thúy chia sẻ.
Thúy dự định học Khoa học máy tính tại ĐH Cornell, gia nhập các công ty công nghệ lớn trước khi về Việt Nam khởi nghiệp. Ảnh: T.P. |
Được 10 trường cấp học bổng
Chính tinh thần “ngại gì sai” đó đã thôi thúc Thúy gửi hồ sơ ứng tuyển vào các trường ở Mỹ, trong đó có ĐH Cornell, thành viên của Ivy League, đứng thứ 5 về đào tạo Khoa học máy tính.
Hồi cấp hai, Phương Thúy rất tự ti với vốn tiếng Anh của mình. Có lần, lớp Thúy biểu diễn bài hát tiếng Anh ở trường. Việc các bạn liên tục sửa lỗi phát âm của Thúy làm em tự ti và hiếm khi dám nói tiếng Anh trong lớp.
Nhận ra điều đó, nữ sinh “cày” phát âm từ điển Cambridge, học cách phát âm đúng từng chữ cái một, nhấn nhá âm điệu như người bản xứ. Thêm vào đó, việc luyện IELTS năm lớp 9 cũng làm khả năng tiếng Anh của em tăng lên một cách đáng kể và làm tiền đề để thi SAT vào năm lớp 11.
Năm lớp 11 của Thúy khó khăn do dịch Covid-19. Em bị hủy thi 3 lần tiên tiếp. Đến tháng 9/2020, cách đợt nộp hồ sơ sớm một tháng, Thúy mới có cơ hội thi cả SAT 1 và IELTS lần đầu tiên.
Lúc đó, em gần như muốn từ bỏ cơ hội nộp điểm SAT do việc tập trung bài luận khiến không có thời gian ôn thi. Tuy nhiên, chính việc có nền tảng được bồi dưỡng xuyên suốt trong các năm đã giúp em vượt qua với điểm thi tạm ổn là IELTS 7.5, SAT I 1.460, SAT II cả 3 môn Toán level 2, Vật lý và Hóa học đều đạt 800/800.
“Điểm Tiếng Anh, SAT I và IELTS của em nằm dưới mặt bằng chung của các trường top. Em cũng lo sợ rất nhiều khi nộp vào các trường top 20 và hơn hết là các trường Ivy League. Bên cạnh đó, hồ sơ của em nghiêng hẳn về các môn tự nhiên. Nếu có cơ hội làm lại, em sẽ bổ sung khía cạnh “con người” và khả năng phát triển trong lĩnh vực xã hội của mình”, Phương Thúy thừa nhận.
Nữ sinh cũng suýt bỏ lỡ cơ hội với Cornell. Đầu năm 2021, do dịch, gia đình khuyên em học ở Việt Nam. Em trúng tuyển VinUni với học bổng toàn phần và được mời làm trợ giảng cho giáo sư. Sau 3 tháng “đấu tranh”, nữ sinh chuyên Tin phần nào chấp nhận từ bỏ giấc mơ du học Mỹ.
Đến hôm nhận kết quả, Phương Thúy còn không vội mở thư vì nghĩ mình sẽ rớt. Lá thư trúng tuyển đến với em đầy bất ngờ nhưng niềm vui pha lẫn lo lắng vì trường chưa trả kết quả học bổng. Sáng hôm sau. Cornell thông báo trao học bổng 72.500 USD/năm (tức 290.000 USD cho 4 năm học), Thúy mới quyết tâm theo học.
“Em nghĩ chính niềm đam mê mãnh liệt với Khoa học máy tính, khát khao áp dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện các vấn đề đời sống, như giáo dục và môi trường, và tinh thần vươn lên giúp đỡ các bạn ‘Girl in STEM’ khác của em đã thuyết phục ban tuyển sinh của trường”, Phương Thúy chia sẻ về hành trình đến Cornell.
Ngoài 2 trường trên, Phạm Phương Thúy còn trúng tuyển nhiều đại học trong top 50 và 100 của Mỹ như Union College (học bổng 50.000 USD/năm), Lehigh (43.000 USD/năm), Centre College (34.000 USD/năm), Viện Bách khoa Worcester (34.000 USD/năm), ĐH Minnesota-Twin Cities (25.000 USD/năm), ĐH Massachusetts - Amherst 16.000 USD/năm), ĐH Northeastern (16.000 USD/năm), ĐH Georgia (10.000 USD/năm), ĐH bang Arizona (15.000 USD/năm).
Phạm Phương Thúy dự định theo học ngành Khoa học máy tính tại ĐH Cornell, với chuyên ngành Kinh doanh, Tâm lý. Trong tương lai, em muốn dành một vài năm làm việc tại các công ty công nghệ lớn ở các chi nhánh khắp thế giới để vừa học hỏi vừa thỏa mãn đam mê khám phá đất nước và văn hóa của bản thân. Sau đó, khi đã tích góp kinh nghiệm, Thúy sẽ về Việt Nam sinh sống, khởi nghiệp.