Nhà nghèo nên không được đi thi đại học
Để đến được với trường thi đại học, cô gái người Khmer Thạch Thị Chanh Trịa (18 tuổi, H.Càng Long, Trà Vinh) phải trải qua những khó khăn từ chính gia đình của mình. Nhà Trịa nghèo. Cả ba mẹ ngoài trồng lúa, còn phải đi làm cắt cỏ, đập đất thuê, có khi đi phụ hồ. Quần quật là vậy nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám. Suốt những năm cấp 3, Trịa không biết ăn sáng là gì, chỉ uống nước để đi học.
Trịa thú thật: “Em nhịn ăn sáng riết thấy quen nên có những khi mà còn dư cơm nguội từ tối hôm quà là vui lắm, vì giúp mình có được bữa sáng”. Cái nghèo không chỉ khiến Trịa bụng đến đến lớp, mà còn ảnh hưởng đến con đường học lên cao của cô gái Khmer.
Em kể: “Hồi em học hết lớp 9, ba đã muốn cho em nghỉ để làm việc phụ gia đình. Nhưng em muốn đi học lắm, nên ba lại thôi. Lên cấp 3, cả ba và mẹ đều động viên em đừng thi đại học, vì nhà không thể lo nổi”.
Thạch Thị Chanh Trịa ôn bài tại nhà trọ miễn phí trên đường Nguyễn Cảnh Chân (Q.1). |
Nghe những lời động viên như vậy nên nhiều bận tâm sự với mẹ, Trịa đều thỏ thẻ chuyện muốn được học đại học. Những lần vậy, mẹ chỉ im lặng, thở dài. Nhưng chừng vậy, đủ để cô hiểu điều mẹ muốn truyền đạt.
“Ba mẹ nói vậy thì em buồn lắm, nhiều đêm nước mắt em giàn dụa. Nhưng em nghĩ, chỉ có học mới mong thoát nghèo. Hơn nữa, em xem ti vi thấy bao nhiêu bạn còn khó khăn hơn mình mà vẫn quyết tâm đi học. Em cũng nghe nói là con em dân tộc sẽ dược miễn giảm học phí. Những điều ấy, càng là động lực để em giữ ước mơ được đi học tiếp”, Trịa chia sẻ.
Bán chuối lấy kiếm tiền nộp lệ phí thi
Dù gia đình không cho thi, nhưng cô học trò nghèo vẫn nộp hồ sơ dự thi vào trường ĐH Sài Gòn và ĐH Trà Vinh. Cô gái 18 tuổi chọn thi ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Sài Gòn) vì “thích và nghĩ ngành này sẽ giúp em phát triển một sản phẩm nào đó”.
Nhà có mấy cây chuối nên Trịa hái quả và lá đem ra chợ bán để có đủ 210.000 đồng mua hai bộ hồ sơ và nộp lệ phí thi. Trịa kể rành mạch. “Vì ba khá nghiêm nên em phải nói dối là hái chuối bán lấy tiền đóng quỹ lớp và xài vặt. Mỗi lần bán, em được khoảng 20.000 đồng. Đợt Tết đi phụ bán hàng ở chợ được 800.000 đồng, em đưa cho mẹ và chỉ giữ lại 100.000 đồng. Rồi em bỏ heo đất được 60.000 nữa nên gom góp tất cả thì vừa đủ nộp lệ phí”.
Đến cận ngày thi, cả nhà vẫn chưa biết chuyện cô con gái cả trong gia đình hai chị em sắp đi thi đại học. Giữa tháng 6, ba Trịa còn mang vể 1 bộ hồ sơ và xin cho em đi làm công nhân. Cô gái tâm sự: “Lúc ấy em buồn lắm nhưng vẫn không dám nói với ba mẹ chuyện giấu nhà nộp hồ sơ. Mà thực sự em cũng không biết sẽ lấy đâu ra tiền lên Sài Gòn thi nên chỉ biết sẽ đi làm theo ý ba mà thôi”.
Một ngày sau đó, chú của Trịa đến chơi có hỏi đến chuyện thi cử và khuyên gia đình nên cho em đi thi. Trước đó, hàng xóm cũng nhiều lần động viên ông Thạch Tư (ba của Trịa) cho cháu được đi học tiếp. Sáng hôm sau, ông Tư mới hỏi chuyện con gái. “Ba hỏi em đã nộp hồ sơ chưa và muốn đi làm công nhân hay đi học? Em trả lời là muốn học tiếp, nên ba mới đưa lại bộ hồ sơ xin việc cho em giữ”, cô gái Khmer kể.
Trịa dự tính sẽ đi làm thêm sau khi hoàn thành xong kỳ thi đại học. |
Nói về quyết định cho con được đi thi, ông Thạch Tư chia sẻ: “Thực lòng, tôi rất buồn và tiếc khi phải khuyên cháu nghỉ học. Nhưng mà, gia đình tôi rất nghèo, cố gắng làm ăn lắm mà vẫn không đủ sống. Vừa rồi, nghe mọi người khuyên nhủ, vì thương con nên lại cho cháu được học tiếp, mong sao nhờ việc học đời con mình sẽ thoát kiếp nghèo. Sắp tới, tôi sẽ ráng đi mần hồ nhiều hơn, để có thể lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn”.
Đi làm ngay sau khi thi xong
Đến gần ngày thi, mẹ Trịa cố gắng vay mượn họ hàng mới được 600.000 đồng làm lộ phí lên Sài Gòn. Số tiền ít ỏi, chỉ đủ lo chi phí cho một mình Trịa đi thi. Ngày lên Sài Gòn, hành trang là mấy bộ quần áo, quý nhất là chiếc điện thoại cũ của ba đưa cho con gái xài.
Lần đầu tiên lên TP.HCM lại đi một mình, mọi thứ đều lạ lẫm với Trịa. “Nhưng em vui lắm vì được đi thi, nên chẳng để ý đến chuyện đi một mình sẽ bị trộm cướp, lừa đảo”, cô gái chia sẻ.
Đến thành phố, Trịa được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ hết mình. Thấy hoàn cảnh cô éo le, có người đã ủng hộ 500.000 đồng. Trong căn phòng trọ ở nhờ miễn phí trên đường Nguyễn Cảnh Chân (Q.1), Trịa tâm sự về ước mơ của mình là dù khó khăn như thế nào cũng phải vượt qua để học thật tốt.
Cô vạch kế hoạch: “Trước mắt là sẽ thi thật tốt. Nếu không đậu đại học, em sẽ học hệ cao đẳng của ĐH Sài Gòn. Em cũng có mang theo bô hồ sơ xin việc mà ba giao lại, thi xong sẽ xin đi làm ngay. Em chưa biết làm gì nhưng sẽ nhờ mấy anh chị tình nguyện giúp. Chắc chắn khi đi học, em sẽ đi làm thêm để có thể tự trang trải cho bản thân”