Theo lời mô tả của Hallisey, những phương thức xác định Ebola hiện tại rất phức tạp, đắt đỏ, trong đó mẫu thử phải được giữ lạnh liên tục và kết quả chỉ có được sau 12 giờ.
Do đó, Hallisey phát minh ra cách thức kiểm tra mới chỉ trong vòng 30 phút.
Olivia Hallisey nhận cúp cùng giải thưởng 50.000 USD từ nhà tổ chức. |
Hallisey sử dụng kháng thể và các hoá chất căn bản có thể thay đổi màu sắc nếu có sự xuất hiện của protein Ebola ở mẫu thử.
Điểm đặc biệt là Hallisey sử dụng những sợi tơ để ổn định hoá chất trên thẻ xét nghiệm, điều cho phép chúng tồn tại trong điều kiện nhiệt độ phòng lâu đến 3 tuần mà vẫn cho ra kết quả xét nghiệm chính xác.
Những sợi tơ này được tiến hành xét nghiệm trên giấy chỉ với một mẫu huyết thanh và nước.
Với phương pháp độc đáo này, Hallisey đã tăng tốc độ và hiệu quả xét nghiệm virus Ebola lên cao đáng kể. Đây là điều rất quan trọng đối với các bệnh nhân, khi việc phát hiện sớm mầm mống Ebola có thể giúp cho họ tăng khả năng sống sót.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hallisey cho biết phương pháp của cô bé còn có thể được sử dụng để xác định HIV, sốt xuất huyến, sốt vàng, bệnh Lyme và thậm chí cả mầm bệnh ung thư.
Với tính ưu việt trong sáng chế này, Olivia Hallisey - học sinh trung học tại Trường Greenwich ở Connecticut - đã giành chiến thắng thuyết phục trước 22 thí sinh khác tại Hội chợ Khoa học Google lần thứ 5 tại California.
Hội chợ này được tổ chức nhằm thách thức những thế hệ các nhà khoa học trẻ tiềm năng từ 13 đến 18 tuổi từ khắp nơi trên thế giới.
Trong năm nay, Hội chợ đã nhận được sáng chế từ hàng ngàn người dự thi ở khắp nơi trên thế giới, và chọn ra 22 cá nhân xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết.
Hội chợ năm nay cũng ghi nhận sự tham gia đặc biệt của Ahmed Mohamed, thiếu niên Hồi giáo tại Texas từng bị bắt vì mang đến lớp một chiếc đồng hồ do chính cậu bé chế tạo.