Sau khi clip quay cảnh quan hệ tình dục của đôi trẻ lan trên mạng xã hội, nạn nhân tên Hằng (15 tuổi, ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), đã dại dột tìm đến cái chết.
Liên hệ với trường nữ sinh theo học, một giáo viên xác nhận vụ việc đau lòng trên.
Theo một người bạn của Hằng, clip do chính bạn trai cô tên Lộc (sinh năm 1994, ở cùng huyện) đăng tải trên trang cá nhân ngày 17/6.
Người bạn này cho biết, Hằng vừa thi lên lớp 10, đang chờ kết quả. Nữ sinh từng chia sẻ quen bạn trai gần một năm nay. Biết chuyện, mẹ Hằng ngăn cấm yêu đương, vì muốn con gái tập trung việc học.
Trưa 17/6, Hằng gặp Lộc, nói muốn chia tay. Hai bên xảy ra cãi vã. Chiều cùng ngày, Lộc về nhà, đăng tải clip ghi cảnh quan hệ giữa hai người lên mạng.
Ngay lập tức clip được phát tán với tốc độ chóng mặt. Khi tìm được facebook của Hằng, cộng đồng mạng tiếp tục dậy sóng. Hàng nghìn lượt theo dõi, hình ảnh cá nhân bị chia sẻ cùng với những bình luận xúc phạm.
Quá sốc, Hằng đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Dù được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu, song cô qua đời tại nhà riêng lúc 2h giờ sáng 20/6.
Câu chuyện đau lòng của Hằng một lần nữa cảnh báo tình yêu học trò, nhất là khi giới trẻ sử dụng mạng xã hội như công cụ để trả thù.
Sau cái chết của cô gái trẻ, cộng đồng mạng không khỏi xót thương nữ sinh xấu số, cũng như lên án người tung clip.
Nhiều người cho rằng, cả hai còn quá trẻ để nghĩ đến chuyện yêu đương và việc làm của Lộc là không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, bạn Thanh Hằng chia sẻ trên mạng, chính những người làm lan truyền clip cùng những bình luận vô tâm, chế giễu, khiến nữ sinh có hành động dại dột. Việc làm đó, theo Thành Hằng, là vô tâm và đáng bị lên án.
Thành viên Jolie Mai bày tỏ: "Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những bạn còn đi học, đừng bao giờ yêu sớm mà vướng phải những chuyện thương tâm".
Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam - cho rằng, các bạn trẻ cần thực sự cẩn trọng với các mối quan hệ sớm. Nếu chủ quan nghĩ mình đã lớn và bản lĩnh, các em dễ rơi vào cạm bẫy.
Ông đưa ra lời khuyên, các em cần thực sự bình tĩnh và làm chủ cảm xúc bản thân, biết nói không khi cần thiết để tránh lệ thuộc hay bị khống chế.
"Khi gặp sự cố, các em nên bình tâm sẻ chia để ứng phó, thay vì hoảng hốt và im lặng để hành động sai lầm", ông Sơn nói.
TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, văn hóa mạng hiện nay đáng báo động, khi nhiều người cho mình quyền lên án, ném đá người khác theo... phong trào.
Họ chưa tìm hiểu kỹ câu chuyện, cứ thấy video, hình ảnh là vô tư dè bỉu, phê bình, chỉ trích.
Chỉ cần vài cái gõ phím, sau vài giây, họ đã làm cho người khác "lên bờ xuống ruộng". Đau lòng hơn, nhiều em dại dột tìm đến cái chết, như trường hợp của nữ sinh Hằng.
Kết cục đau lòng của vụ việc trên một lần nữa đặt ra vấn đề: Chúng ta có nên vô tư chia sẻ tràn làn trên mạng những video, hình ảnh, bài viết khiến người khác đau lòng hay không?
* Tên nạn nhân đã thay đổi.