Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh viết đơn 'ly dị' Ngữ văn là điều dễ hiểu

Theo thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, việc dạy và học Ngữ văn hiện nay mang tính hàn lâm, học sinh ít có cơ hội thể hiện bản thân.

Sau bốn năm du học ở Hà Lan, Lê Uyên Phương (cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận thấy nhiều khiếm khuyết của việc dạy và học môn Văn trong trường phổ thông ở Việt Nam.

Nữ sinh này viết bức thư "ly dị" Ngữ văn với các lý do: Tính gia trưởng; hay mơ mộng; không chịu tiếp thu cái mới.

Nữ sinh gửi mong muốn Ngữ văn hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị "ly dị" sau 12 năm gắn bó.

Chia sẻ về bức thư trên, thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, có bài viết bày tỏ suy nghĩ về cách dạy và học Ngữ văn hiện nay.

Thi cử xong, không biết học Ngữ văn để làm gì

Dạy và học Ngữ văn hiện nay còn mang nặng tính hàn lâm, tập trung khám phá thế giới nghệ thuật của các tác phẩm văn chương, phương pháp. Học sinh còn ít cơ hội tự do khám phá, tự suy nghĩ và nói lên cái riêng của chính mình.

ly di mon van anh 1
Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên Ngữ văn - cho rằng cách dạy và học văn hiện nay còn mang nhiều tính hàn lâm, lý thuyết. Ảnh: NVCC.

Phần lớn học sinh học vì mục đích thi cử, thi xong không biết vận dụng điều mình học vào cuộc sống như thế nào nên khó chung sống. Việc "ly dị" môn này là điều dễ hiểu sau 12 năm gắn bó.

Với giáo viên, việc dạy học theo hướng đổi mới mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Rèn kỹ năng cho học sinh sẽ vất vả hơn nghĩ hộ, đọc hộ.

Người học và dạy sẽ nhàn khi đưa ra đáp án có sẵn, một bài văn mẫu, các em chỉ cần học theo, thi dễ được điểm tốt. Tính khuôn mẫu cao, phần sáng tạo đương nhiên bị hạn chế.

Vì phải miêu tả theo cách của thầy, kể lại câu chuyện của cô, hay nói lên suy nghĩ của học sinh theo cách của giáo viên nên các em cảm thấy đó chưa thực sự là cuộc sống, chưa thực sự là chính mình.

Người xưa từng nói rằng: "Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, chỉ thấy được một phần của vấn đề vì thiếu trải nghiệm, chưa có góc nhìn sâu sắc".

Nguyễn Du phải trải qua biết bao biến cố của thời đại, hơn 10 năm lưu lạc, mới có thể đồng cảm và rơi nước mắt trước số phận nàng Tiểu Thanh.

Xuân Quỳnh viết Sóng khi đã trải qua nhiều đổ vỡ mới thấy được cái mong manh của tình yêu và có được niềm tin, khát vọng về tình yêu vĩnh cửu...

Trước sự ngắn ngủi của cuộc đời, Hàn Mặc Tử mới có sự khát khao gắn bó để rồi tuyệt vọng khổ đau...

Nếu bắt học sinh phải có đôi mắt của những người “ngắm trăng ngoài sân”, đó vẫn là cái nhìn máy móc, áp đặt, suy diễn.

Dạy và học môn Văn thiếu thiết thực, nữ sinh viết đơn xin 'ly dị'

Theo Lê Uyên Phương - người 4 năm du học ở Hà Lan - việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông của Việt Nam đang có nhiều khiếm khuyết.

Để học sinh không phải 'ly dị' Ngữ văn

Chúng ta cần phân tách mục tiêu của môn học này: Học Ngữ văn như một công cụ hay một môn nghệ thuật.

Là công cụ, Ngữ văn cần hướng tới các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết như việc khai thác tìm kiếm một thông tin, phản hồi thông tin, đánh giá thông tin, trình bày thuyết phục người khác, lập kế hoạch, hoàn thiện một bản báo cáo, viết một lá đơn hay đơn giản là gửi một tin nhắn...

Với mục tiêu này, Ngữ văn hướng tới các văn bản thông tin như văn bản hành chính, báo chí, khoa học hay chính luận mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Môn Văn phải có sự cập nhật thông tin mới mẻ, đa dạng hình thức biểu hiện như kênh hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, video.

Điều này giúp Ngữ văn thực tế hơn, có thể vận dụng ngay vào đời sống, giúp ích rất nhiều cho các em nếu như sau này trở thành nhà báo, nhà chiến lược, marketing bán hàng, lãnh đạo... Đây là những kỹ năng cần gắn bó song hành và phải rèn luyện cả đời, có muốn "ly dị" cũng khó.

Mục tiêu cao hơn là phát triển năng lực thẩm mỹ của người học thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật có sự chọn lọc, gọt giũa, mặc dù cũng là sự phản ánh hiện thực nhưng vẫn còn khoảng cách với hiện tại, nhiều học sinh còn xa lạ vì phông văn hóa.

Học sinh trung bình có thể dừng lại ở việc tái hiện hình tượng, học sinh khá giỏi sẽ liên tưởng và cảm thụ, học sinh xuất sắc phải có những nhận định đánh giá về tác phẩm được học.

Với mục tiêu này, Ngữ văn sẽ giúp người học có đời sống tinh thần phong phú, những cảm xúc lành mạnh, hình thành nên con người nhân cách, biết đề cao cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật.

Đến nay, mục tiêu thứ hai được tập trung hơn, mục tiêu thứ nhất bị xem nhẹ nên việc học văn chưa thiết thực. Mục tiêu thứ nhất luôn hướng tới số đông - học để sống, làm việc. Mục tiêu thứ hai hướng tới những học sinh thực sự có năng khiếu, đam mê - học để sống có nghệ thuật, làm việc có nghệ thuật.

Trong xu hướng đổi mới giáo dục hướng đến phát triển năng lực người học -học để biết làm từ những điều đã biết - Ngữ văn là môn đi đầu trong việc thay đổi mình. Cụ thể, việc các đề thi cập nhật đa dạng văn bản mới để phù hợp giới trẻ. Nhiều văn bản đọc hiểu gây được sự chú ý và hứng thú của học sinh, giáo viên, khuyến khích các em bày tỏ quan điểm về các vấn đề văn học và đời sống.

Ngữ văn đang trở thành môn học thiết thực nhất vì đã có những bước chân đầu tiên ra ngoài sách giáo khoa.

Nói “ly dị” Ngữ văn có nghĩa học sinh đó từng yêu, từng gắn bó với văn học và ngôn ngữ trong thời gian dài của tuổi thanh xuân và nếu có “ly dị” cũng chỉ là sự giận hờn vô cớ mà thôi.

Chẳng phải các cô gái vẫn thích yêu những chàng trai mơ mộng, lời nói ngọt ngào, hành động thấu hiểu phụ nữ. Đến khi muốn lập gia đình, họ lại thích những chàng trai biết lắng nghe lời nói của mình, nhạy bén quyết đoán trước thời cuộc, hành động thiết thực.

Một người khó có thể đáp ứng cả 2 tiêu chí đó, quan trọng là biết chủ động lựa chọn chứ không phải bị động chấp nhận. Trước sự đổ vỡ của một mối quan hệ nào đó, nguyên nhân phải chăng vẫn thường xuất phát từ 2 phía. 

Bài văn bà ngoại đi xe máy và chuyện giáo dục khuôn mẫu

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, cho rằng chúng ta cần những "bà ngoại" trong cuộc sống hơn là trong sách vở.

"Em mong môn Ngữ văn...

Hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc.

Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo về ý kiến của mình.

Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty.

Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm.

Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng.

Kết: Hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị ly dị sau 12 năm gắn bó”.

Trích đơn xin "ly dị" môn Ngữ văn của Lê Uyên Phương, cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM, đang du học ở Hà Lan. 

Bài văn ứng xử trước nỗi đau khiến giáo viên phải học hỏi

"Như một con sâu gây hại gặm nhấm dần những xúc cảm tốt đẹp, nỗi đau ru con người vào cõi quên lãng, vào cảm giác mệt mỏi, chán chường", nữ sinh lớp 11 viết.


Trịnh Quỳnh

Giáo viên Ngữ văn THPT Lương Thế Vinh, Nam Định

Bạn có thể quan tâm