Gần một năm sau ngày nhận học bổng toàn phần trị giá 900 triệu đồng của Chính phủ Trung Quốc, tháng 5/2022, Đoàn Hương Thảo (24 tuổi, từ Hải Phòng) tiếp tục nhận tin vui. Cô là một trong 5 học viên của ĐH Chiết Giang (thường gọi là Chiết Đại) tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại ESCP Business School, Pháp, trong 4 tháng.
“Mọi việc đến với mình thật bất ngờ. Một tuần trước khi có kết quả, mình còn dự định vào TP.HCM làm việc. Vậy mà tháng 9 tới, mình sẽ đặt chân tới Paris”, Hương Thảo hào hứng chia sẻ với Zing.
Đoàn Hương Thảo hiện theo học thạc sĩ ngành Tài chính, ĐH Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: NVCC. |
Trải nghiệm một năm du học tại nhà
Tháng 8/2021, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid-19 và đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài. Mặc dù nhận học bổng toàn phần hệ thạc sĩ ngành Tài chính tại ĐH Chiết Giang, Thảo xác định việc học online có thể kéo dài ít nhất một năm.
“Mang tiếng du học tại Trung Quốc nhưng một năm nay, mình vẫn ở nhà cùng bố mẹ”, Thảo nói.
Thời gian đầu, song song với việc học, Thảo vẫn tiếp tục làm công việc quản lý chuỗi cửa hàng mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, một tháng sau đó, Thảo xin nghỉ làm, hoàn toàn tập trung vào việc học do chương trình học khá nặng.
“Tất cả môn học trên lớp đều được dồn vào năm đầu tiên, nhất là hai kỳ đầu (một năm học tại đây có 4 kỳ). Mình cần tiếp thu khối lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn, vì vậy, không có khoảng trống để dành cho việc khác”, nữ sinh chia sẻ.
Gặp không ít khó khăn, nhiều lần, Thảo chán nản với việc học online. Nữ sinh cho hay việc du học tại nhà khiến cô hạn chế trải nghiệm, không được tham gia trực tiếp các hoạt động ngoại khóa của trường.
Rất nhiều chương trình như hội thao, leo núi, đi thực tế, hội thảo liên kết chuyên gia… cô đều không được tham dự. Ngoài ra, cô còn khó tìm kiếm cơ hội thực tập tại nước bạn.
Chưa kể, một năm ở nhà, nhìn bạn bè cùng trang lứa đều đã đi làm, có sự thăng tiến nhất định trong công việc, Thảo rơi vào tình trạng áp lực đồng trang lứa.
“Nhiều lần mệt mỏi, mình tự vấn liệu lựa chọn của bản thân đúng hay không”, Thảo tâm sự.
Những lúc áp lực nhất, Hương Thảo dành thời gian đọc sách, thiền và thử làm những điều mới mẻ. Dần dần, cô học cách chấp nhận việc mỗi người đều có con đường khác nhau, cô cần tập trung phát triển bản thân thay vì tự so sánh với người khác.
Thảo cũng nhận ra việc học online ở nhà không hề kém thú vị so với việc học trực tiếp. Cô vẫn nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ giảng viên. Việc tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, trao đổi học tập vẫn diễn ra online với bạn học. Chưa kể, ở nhà giúp Thảo có nhiều thời gian tìm hiểu bản thân hơn, biết rõ điều mình muốn và cần làm gì.
Sang đến 2 kỳ sau, việc học phần nào bớt áp lực, có nhiều thời gian rảnh hơn, Thảo nhận làm freelance cho một số công ty, vị trí nghiên cứu phát triển sản phẩm. Đồng thời, cô cũng thử sức với công việc sáng tạo nội dung.
“Mình đã trải qua một năm du học như vậy, không nợ môn và điểm số khá cao. Trải nghiệm học ở Chiết Đại có thể khác với tưởng tượng của mình một chút nhưng mình vẫn thấy nó đáng giá”, Thảo chia sẻ.
Dù Thảo theo học thạc sĩ ngành Tài chính nhưng cô có hứng thú với việc làm kinh doanh. Ảnh: FBNV. |
Chi 100 triệu đồng cho 4 tháng học
Bước sang năm học thứ hai, chương trình học tập trung vào việc đi thực tập và làm luận văn. Thời gian học online không nhiều, Thảo dự định vào TP.HCM, ứng tuyển và làm việc tại các công ty tài chính.
Tuy nhiên, tháng 5, ĐH Chiết Giang thông báo qua email về chương trình trao đổi sinh viên với ESCP Business School, Pháp. Đến ngày cuối cùng nộp hồ sơ, Thảo mới đọc được thông báo này.
Nhanh chóng tìm hiểu thông tin, Thảo biết ESCP Business School là trường đào tạo ngành kinh doanh lâu đời, chương trình trao đổi sẽ học thạc sĩ ngành Quản lý.
Lập tức, nữ sinh email hỏi trợ giảng, xem xét hồ sơ của cô có đủ điều kiện ứng tuyển hay không. Được xác nhận đủ điều kiện, Thảo nhanh chóng tập hợp giấy tờ và gửi đi trong vòng 3 tiếng.
“May mắn, mình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng từ lâu. Lúc này, mình chỉ cần chỉnh sửa lại một chút, đính kèm bảng điểm là có thể gửi đi”, Thảo cho hay.
Vượt qua vòng tuyển chọn hồ sơ, Thảo bước vào vòng phỏng vấn với hội đồng trường gồm 3 thầy cô. Đồng thời, cô phải gửi thêm kế hoạch học tập, cam kết phải hoàn thành song song hai chương trình. Một tuần sau phỏng vấn, Hương Thảo nhận được kết quả.
“Mọi chuyện diễn ra nhanh quá khiến mình cảm giác hơi khó tin, hạnh phúc trong hoang mang vì mình không có dự định từ trước”, nữ sinh nhớ lại.
Chia sẻ thêm, Thảo cho biết mặc dù đang học thạc sĩ ngành Tài chính, cô lại có hứng thú với việc làm kinh doanh. Nữ sinh cũng đã có dự định học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh nếu có cơ hội.
Tìm hiểu chương trình trao đổi, Hương Thảo nhận thấy 4 tháng học chương trình thạc sĩ ngành Quản lý tại Pháp sẽ tương đương với một kỳ học chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Cô sẽ lựa chọn những môn học thấy hứng thú và có ích với bản thân trong 4 tháng này.
Theo Thảo, kết thúc trao đổi, cô sẽ được cấp chứng chỉ, có thêm trải nghiệm và kiến thức, cô không cần thiết phải học thêm thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh như ý định ban đầu. Trong tương lai, khi bắt tay vào làm công việc thực tế, nếu gặp khúc mắc, cô sẽ cân nhắc việc đi học sau.
Chia sẻ với Zing, Thảo cho biết do đã nhận học bổng của Chính phủ Trung Quốc, vì vậy, toàn bộ học phí cho chương trình trao đổi sẽ được nhà trường chi trả. Tuy nhiên, nữ sinh phải tự lo liệu vé máy bay và sinh hoạt phí.
Thảo dự kiến 4 tháng học tập tại Paris, toàn bộ chi phí khoảng 100 triệu đồng. Số tiền không nhỏ nhưng theo Thảo, đây là chi phí hợp lý, cô sẵn sàng chi trả cho cơ hội này. Ngoài khoản tiền tiết kiệm của bản thân, Thảo cũng nhận được thêm sự hỗ trợ từ gia đình.
“Nếu so sánh với một trường quốc tế ở Việt Nam, mức học phí và tiền chi cho sinh hoạt là tương đương. Chưa kể, nếu học thêm thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, mình sẽ tốn nhiều hơn 100 triệu đồng”, Thảo phân tích.
Đầu tháng 9, Hương Thảo sẽ tới Pháp, cô dự định tận dụng thời gian rảnh du lịch châu Âu. Sau khi hoàn thành chương trình học, cô sẵn sàng với nhiều cơ hội và lựa chọn.
“Mình có thể bay về Chiết Đại nếu Trung Quốc mở cửa. Cũng có thể, mình sẽ tìm việc và xin thực tập ở các nước châu Âu, hoặc về Việt Nam đều được”, Thảo nói.
Tháng 8/2021, Đoàn Hương Thảo giành được học bổng toàn phần hệ thạc sĩ của Chính phủ Trung Quốc, trị giá khoảng 900 triệu cho hai năm học tại ĐH Chiết Giang. Đây là loại học bổng danh giá nhất, được cung cấp bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc để hỗ trợ sinh viên quốc tế.
Với học bổng này, sinh viên sẽ được hỗ trợ và nhận nhiều đãi ngộ xuyên suốt quá trình học tập. Bao gồm: Miễn 100% học phí trong suốt thời gian học tập tại Trung Quốc, miễn 100% chi phí kí túc xá, miễn 100% phí bảo hiểm hàng năm, Ngoài ra, người theo học hệ thạc sĩ được nhận một khoản trợ cấp sinh hoạt phí suốt 12 tháng trong năm (các loại học bổng khác thường chỉ trợ cấp 10 tháng/năm).
Tuy nhiên, do Trung Quốc chưa mở cửa đón du học sinh, việc học online tại Việt Nam khiến Thảo chỉ được hỗ trợ miễn hoàn toàn học phí. Các khoản hỗ trợ khác chỉ được áp dụng khi sinh viên học trực tiếp tại trường.
Tháng 9 tới, Hương Thảo tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa ĐH Chiết Giang và ESCP Business School (Pháp). Đây là cơ sở đào tạo lĩnh vực kinh doanh hàng đầu châu Âu.