Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh 'xử nhau', thầy cô đau đáu

Chuyện nhức nhối nữ sinh bạo lực vì ghen tuông; Nữ sinh đánh bạn vì bạn xinh hơn, giỏi hơn...lần lượt được "tái hiện" qua góc nhìn của thầy cô tại hội thảo "trường học thân thiện và an toàn cho học sinh nữ" do Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan, đơn vị tổ chức sáng 11/6.

Nữ sinh 'xử nhau', thầy cô đau đáu

Chuyện nhức nhối nữ sinh bạo lực vì ghen tuông; Nữ sinh đánh bạn vì bạn xinh hơn, giỏi hơn...lần lượt được "tái hiện" qua góc nhìn của thầy cô tại hội thảo "trường học thân thiện và an toàn cho học sinh nữ" do Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan, đơn vị tổ chức sáng 11/6.

 Vấn nạn đau lòng

Đại diện Trường THCS Dương Quang, huyện Gia Lâm (Hà Nội) kể lại chuyện xảy ra tại trường cách đây 2 năm khi học sinh nữ lớp 9 đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh.

Nguyên nhân do nữ sinh lớp 9 hiểu nhầm nữ sinh lớp 7 cướp người yêu của mình. Em này đã rủ thêm một người bạn thân khác đánh trò lớp 7 trong nhà vệ sinh rồi dọa nạt và ép uống thuốc ngủ. Sự việc được nhà trường phát hiện và kịp thời giải quyết.

 

Nữ sinh đánh bạn rồi tung clip bêu xấu lên Facebook

Nối tiếp những ví dụ buồn - đại diện Trường THPT Kim Anh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dẫn dụ - năm 2007 có 2 tốp nữ sinh hẹn nhau ra một điểm cách xa trường để đánh nhau tập thể như những nam sinh. Rất may, vị trí nhóm đánh nhau cạnh tiểu đoàn bộ đội nên sự việc được ngăn chặn kịp thời.

Nguyên nhân sau đó được xác định xuất phát từ 2 học sinh nữ do ghen tuông. Cũng tại ngôi trường này, năm 2011 một nữ sinh vì thất tình mang rượu và dao vào trường uống sau nhà thể chất.

Năm 2010, nhà trường có một học sinh nữ theo đám bạn xấu bỏ đi 5 ngày. Trường kết hợp với gia đình, chính quyền tìm được về.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) - Nguyễn Thị Bạch Loan không khỏi buồn lòng trước thực tế khó khăn trong giáo dục đạo đức cho học sinh khi nạn bạo lực học đường còn diễn ra mà nạn nhân thường là các em nữ xuất phát từ mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ.

"Còn có trường hợp học sinh nam bày tỏ với học sinh nữ - nhưng không được đồng ý - thì học sinh nam mượn trang Facebook để nói xấu và làm mất danh dự; Thậm chí dùng tin nhắn điện thoại khống chế, dọa nạt, khủng bố tinh thần học sinh nữ”- đại diện Trường THPT Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội) bổ sung.

Tăng chỉ số giáo dục cảm xúc cho học sinh?

Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà từng cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đã có những sáng kiến, giải pháp nhằm xây dựng trường học thân thiện và an toàn với các em gái.

Để ngăn chăn và giải quyết chuyện ghen tuông trong các nữ sinh cuối cấp, giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình (Hà Nội) thường tổ chức những buổi sinh hoạt theo chủ đề “tình yêu, tình bạn tuổi mới lớn”.

Trường cũng tổ chức các câu lạc bộ như thêu chữ thập, thời trang tuổi học đường, nấu ăn, cắm hoa, trang điểm tuổi teen hay hip-hop nhằm thu hút các trò vào hoạt động lành mạnh.

 

Hội thảo tìm hướng giảm nhiệt. (Ảnh: Văn Chung)

Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Oai, huyện Quảng Oai (Hà Nội) Vũ Thị Minh Hiển mong muốn sự chung tay của xã hội và đặc biệt là cha mẹ học sinh để không còn chuyện “trăm sự nhờ thầy cô”, chỉ khi sự việc xảy ra mới để ý quan tâm con. Bên cạnh đó, trường còn lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết kịp thời sự việc khi còn manh nha.

Còn bà Nguyễn Thị Bạch Loan hi vọng mỗi trường xây dựng được văn phòng tư vấn tâm lý, xây dựng góc truyền thông về bạo lực học đường, tăng cường an toàn trong trường học như dạy tự về, xây dựng đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp.

Trong nhiều khuyến nghị của mình, bà Loan cho rằng cần “giảm tải chương trình học, thay đổi yêu cầu đối với người học để tăng giáo dục chỉ số cảm xúc, thay đổi văn hóa và nhận thức. Điều quan trọng nhất là phải giáo dục học sinh có lòng nhân ái, ý thức tự giác học tập rèn luyện phấn đấu vươn lên”.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục thủ đô đã triển khai nhiều chương trình giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay trẻ em gái vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ, bạo lực rất đa dạng, vẫn bị xâm hại thân thể, bạo hành giữa học sinh với học sinh, bắt nạt em gái. Nhiều năm hiện tượng này đã gây bức xúc cho xã hội.

Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 155.000/322.000 học sinh nữ tuổi từ 11-15 (chiếm 48,32%). Với con số nêu trên cho thấy một nửa học sinh nữ trong độ tuổi cần được sự quan tâm của xã hội. Sở GD-ĐT Hà Nội hi vọng sẽ sớm tiến hành thí điểm mô hình trường học thân thiện với trẻ em gái...

Theo Vietnamnet

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm