Cô gái trẻ có nghệ danh là Buu Bu. Cô hiện làm việc tại cửa hàng xăm nghệ thuật của chính mình ở Phú Nhuận, TP.HCM. Cô đã có cuộc trò chuyện nhỏ về niềm đam mê khá độc của mình.
Nữ thợ xăm Buu Bu. |
- Được biết bạn tốt nghiệp khoa thiết kế nội thất của trường đại học Kiến trúc. Tại sao bạn không theo nghề đã học mà lại chọn nghề xăm?
- Một lần tình cờ mình nhìn thấy anh bạn làm nghề xăm đang làm việc và mình bị cuốn hút bởi hình ảnh đó. Thế là quyết định theo nghề.
- Hẳn là bạn đã gặp phải khá nhiều rào cản khi chọn nghề xăm?
- Tất nhiên rồi. Ba mẹ mình không muốn mình đi trên con đường khó khăn, nhà bạn trai cũ cũng cấm cản. Rồi lúc mới đầu, do thể loại này lạ quá, rất ít người chịu xăm. Nhiều thứ lắm. Mình cũng khóc nhiều lần rồi. Đó là cái giá phải trả cho sự tự do. Tự do để mình được theo đuổi đam mê.
Tác phẩm của Buu Bu. |
- Xăm màu nước là một loại hình còn rất mới ở Việt Nam. Bạn đã học như thế nào?
- Mình tự tìm tòi rồi tự học. Trước đây khi còn là sinh viên, vẽ màu nước là món mình thích nhất mà.
- Dưới cái nhìn của một thợ xăm, bạn có thấy xăm màu khó hơn xăm thường không?
- Mình nghĩ là không. Chỉ khác ở ý tưởng. Bạn phải có chút kiến thức cơ bản về hội họa, đường nét và màu sắc kết hợp. Mỗi dạng đường nét và màu sắc đều chứa những thông điệp riêng của nó. Hình ảnh tuy đơn giản nhưng lại chứa nhiều ý nghĩa mà chỉ riêng chủ nhân và thợ xăm hiểu. Nếu xăm theo kiểu rập khuôn mà không có ý tưởng và sáng tạo, bạn sẽ rối và chìm dần trong mớ màu sắc hỗn độn đó.
- Một số khách hàng của bạn bảo rằng bạn hơi chảnh và quái dị. Vì bạn thường không chịu xăm những mẫu có sẵn. Bạn chỉ xăm những mẫu do bạn hoặc do khách thiết kế thôi?
- Họ nói đúng. Sao cũng được, nhưng mình muốn tác phẩm của mình phải có sự đầu tư, độc và lạ. Mình rất hứng thú với những bạn có ý tưởng riêng, thợ xăm và khách cùng nhau sáng tạo tác phẩm mà. Đó cũng là nguyên tắc giúp mình giữ được tình yêu với công việc.
Buu Bu là một số ít người thử sức với kiểu xăm màu nước tại Việt Nam. |
- Theo Buu Bu, một người thợ xăm làm thế nào để có thể ở lâu với nghề?
- Đó là cái tâm dành cho khách hàng. Bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh của người xăm đó, xem họ có thật sự muốn hay chưa. Và khi thực hiện hình xăm, bạn phải tập trung cao nhất ở mức có thể cho hình xăm đó.