Truyền thống gia đình: Phụ nữ theo ngành khí tượng
Nhiều người vẫn nghĩ rằng con gái, cứ học Sư phạm, các ngành xã hội cho nhẹ nhàng. Thời đại của hội nhập, nhiều người lựa chọn thêm các ngành kinh tế, chính trị. Nhưng con gái mà quyết tâm bằng được để theo đuổi ngành khí tượng thủy văn như Phạm Thanh Hà có lẽ cũng là “của hiếm”.
Bởi có theo học mới biết được sự vất vả, khó khăn mà phải yêu nghề lắm mới “bám trụ” được. Đây một ngành học khó, cần những sinh viên giỏi về Toán và Vật lý. Có những kì học, Hà cùng bạn bè phải học 3 môn Toán và 2 môn Lý liền lúc. Bên cạnh đó, sinh viên cũng đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng về Công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho công việc.
Phạm Thanh Hà. |
Đến khi đi làm, do đặc thù của ngành, việc thức khuya dậy sớm là chuyện rất bình thường, nhất là đối với các Dự báo viên và Quan trắc viên khí tượng. Họ phải theo dõi thường xuyên và cập nhật tình hình thời tiết liên tục để có những biện pháp xử lý kịp thời khi có trường hợp thời tiết xấu xảy ra.
Tuy làm nghề "đo mây, đếm gió", nhưng tính chất công việc lại đòi hỏi họ luôn cẩn thận, tỉ mỉ bởi những con số, tình trạng thời tiết luôn đòi hỏi chính xác, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Những điều này, khiến những cô gái trẻ khó lòng “ đắm đuối” theo nghề.
Nhưng Hà may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống “phụ nữ theo ngành khí tượng” khi mẹ và cô từng là cán bộ của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (HN). Dì ruột của Hà là trạm trưởng trạm Thủy văn ở Thái Bình.
Không ít lần, Hà nhận thấy sự vất vả của mẹ khi áp lực công việc luôn đặt lên vai, và những hi sinh của cô khi phải sắp xếp việc cơ quan sớm tối với việc gia đình,...
Với truyền thống gia đình, dù dã biết trước những vất vả, khó khăn, trách nhiệm, cả những hi sinh nhưng Hà vẫn quyết tâm theo đuổi.
Cũng vì những động lực và đam mê ấy, cô sinh viên khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học, đã vượt lên trên tất cả để còn lại là sự tự hào, vinh dự cho cả gia đình khi trở thành thủ khoa xuất sắc.
Hà chia sẻ: Từ khi đặt chân vào trường đại học, em luôn tự nhủ với bản thân mình phải học tập sao cho thật tốt vì một thông tin thời tiết sai hay đến chậm cũng ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế mà con cả tính mạng của người dân. Đặc biệt, Việt Nam là một nước nông nghiệp.
Những diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu, đặc biệt trong chế độ mưa, có thể dẫn đến mất mùa, thất thu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến anh ninh lương thực, an sinh xã hội.
Để có được thành tích học tập 3.75/4.0 trong suốt khóa học, vinh dự hơn là được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn rất trẻ, đó không chỉ là sự nỗ lực phấn đấu của Hà, mà đó còn là sự ủng hộ về tinh thần vững chãi của gia đình, thầy cô và bạn bè.
Học ở bất cứ nơi đâu có thể!
Suốt 4 năm theo học tại trường ĐHKHTN, Hà vẫn luôn cố gắng hết sức để học tập một cách nghiêm túc nhất, nhưng việc bản thân trở thành thủ khoa là một bất ngờ lớn đối với cô. Đây cũng chính là động lực để Hà tiếp tục phấn đấu.
Về kinh nghiệm học tập, Hà chia sẻ: Trong quá trình học tập ở trường, chuyên ngành khí tượng học khá nặng các kiến thức liên quan đến vật lý, toán và tin học.
Do đó, để có kết quả học tập tốt, em thường chủ động cùng một số bạn trong lớp tổ chức học nhóm, cũng như tổ chức những buổi trao đổi sermina nhỏ liên quan tới những kiến thức đã học trên lớp.
Đồng thời, chúng em thường xuyên tìm kiếmthông tin, khai thác rồi bàn luận với nhau: Từ thư viện, những lớp học trống cho tới vườn hoa, hành lang, cầu thang… Bất cứ nơi nào có thể và bất cứ thời gian nào rảnh rỗi.
Mới ra trường, Hà được nhận vào làm việc tại nhóm nghiên cứu Remoclic, thuộc bộ môn Khí tượng, khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học của trường.
Đây là nhóm nghiên cứu gồm nhiều cán bộ khoa học trẻ dưới sự lãnh đạo của PGS.TS. Phan Văn Tân, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực /Mô hình hóa khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, Hà vẫn dự định sẽ học chuyển tiếp lên Nghiên cứu sinh tại trường trong năm nay. Sau khi hoàn thành khóa học, cô gái trẻ sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên môn, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển ngành Khí tượng, Khí hậu của Việt Nam.
- Điểm học tập toàn khóa: 3,75; Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc
- Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm học 2013-2014
- Học bổng khuyến khích trong các kỳ học của khóa học
- Học bổng Mitsubishi năm học 2013-2014
- Học bổng Pony Chung năm học 2014-2015
- Giải thường dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc chuyên ngành Khí tượng năm học 2014-2015
- Giải Ba cuộc thi hùng biện cấp khoa năm học 2011-2012