Chị Diệu Thường là người nhận bằng tiến sĩ y khoa ở tuổi 33 và được bà Bay tin tưởng, giới thiệu đứng vào hàng ngũ Đảng năm 2012.
Học cả trong lúc chấm thi
Tự nhận bản thân ban đầu đi theo con đường y học cổ truyền do duyên số run rủi vì “thời điểm làm hồ sơ tuyển sinh, tôi nghe mọi người nói ngành này mới mở, dễ kiếm việc nên nộp đơn”. Diệu Thường (năm nay 35 tuổi) chẳng ngờ sự tình cờ đó dẫn chị đến một niềm đam mê lớn sau này với đông y, càng học càng hứng thú.
TS.BS Diệu Thường trong một chuyến khám bệnh từ thiện hè 2015. |
“Những năm đầu dạy lớp tôi chẳng biết gì về sinh viên này, chỉ đến năm tư thì tôi thường nghe các cán bộ lớp nói “để hỏi Diệu Thường” mỗi khi lớp gặp vấn đề lớn nhỏ nên mới thắc mắc. Tìm hiểu kỹ mới biết đây là một gương mặt chịu khó học và được bạn bè hết mực tin cậy” - PGS.TS.BS Bay nhớ lại.
Đứng đầu khi tốt nghiệp khóa 2005 nhưng Diệu Thường lại khiêm tốn cho rằng kết quả đó là “trái ngọt” từ sự vun xới, đầu tư của cả một tập thể. “Một điều tôi trân quý ở môi trường y dược là không chỉ các thầy cô mà những anh chị đi trước luôn rất tâm huyết, hết mực chỉ dẫn cho đàn em. Không có những sự hỗ trợ đó thì khó thể có tôi của ngày hôm nay” - Diệu Thường nói.
Thời điểm ra trường, dẫu bận rộn với lịch học lên cao và khám bệnh, Diệu Thường vẫn tranh thủ tận dụng khoảng thời gian trống hiếm hoi để trau dồi hai ngoại ngữ Anh và Hoa, ứng tuyển và giành được nhiều học bổng du học chuyên ngành (học bổng 322 bậc tiến sĩ, học bổng của Đài Loan, học bổng được cấp bởi giáo sư nước ngoài...).
Diệu Thường đồng thời nhận được các suất học bổng đi đào tạo về kỹ năng lãnh đạo tại Anh, Úc... “Diệu Thường học mọi lúc mọi nơi. Ngay cả khi đã ngồi vào hội đồng chấm thi thì Diệu Thường vẫn chú tâm lắng nghe, ghi chú và học từ đồng nghiệp lẫn sinh viên của mình” - PGS.TS.BS Bay nói.
"Đó là một cán bộ trẻ có kiến thức rất vững, năng lực cao, năng động và nhiệt tình. Thời điểm năm 2008, do ngành y học cổ truyền phía Nam “khát” nhân lực nên tôi gợi ý các sinh viên ngành này học lên tiến sĩ và chỉ có duy nhất Diệu Thường gật đầu. Đáng nói lúc đó Diệu Thường đang mang thai đứa con đầu lòng nên thử thách đủ bề" - GS.TS Phan Quan Chí Hiếu (giám đốc Trung tâm giáo dục y học - ĐH Y dược TP.HCM)
Có quyết tâm, việc gì cũng làm được
Hiện tại Diệu Thường vừa là phó khoa y học cổ truyền (ĐH Y dược TP.HCM), lãnh đạo cơ sở 3 (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), đảng ủy viên ĐH Y dược, phó bí thư Đảng bộ khoa y học cổ truyền.
Quay cuồng với lịch giảng dạy, quản lý, khám bệnh... Diệu Thường vẫn thường xuyên dành thời gian tham gia các chuyến khám bệnh từ thiện cũng như đầu tư nghiên cứu khoa học.
“Trong chuyến khám bệnh cùng chiến dịch Mùa hè xanh 2015 tại tỉnh Champasak (Lào) vừa qua, tôi thấy người dân địa phương có thu nhập thấp nhưng thuốc men ở đó lại đắt khủng khiếp nên người dân mắc rất nhiều bệnh, điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều và biết rằng mình cần phải đi và cho nhiều hơn nữa” - chị nói.
Diệu Thường đang cùng tiến sĩ Bùi Chí Bảo và một số đồng nghiệp tiến hành hai đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học - công nghệ (trong đó có một đề tài nhận được kinh phí hỗ trợ 2,1 tỉ đồng từ Nhà nước).
“Tôi quyết tâm tìm kiếm và kéo về thành công những đề tài này để thực hiện cùng đàn em. Cách này vừa đóng góp cho xã hội những nghiên cứu có ích, vừa giúp các em tiết kiệm kinh phí (do nghiên cứu bên lĩnh vực y khoa thường rất tốn kém) đồng thời giúp các em vừa học vừa có cơ hội cọ xát kiến thức thực tế. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc truyền đạt khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên ở bậc đại học” - Diệu Thường bộc bạch. Và Diệu Thường nhiệt tình hướng dẫn đàn em từng bước một như trình bày, biện luận vấn đề, tổ chức như thế nào là phù hợp...
“Khi khám bệnh, chị thường dặn dò bệnh nhân thân tình như người nhà. Khi đứng trên bục giảng, chị chẳng bao giờ giấu nghề. Với vai trò lãnh đạo, chị yêu cầu rất cao và buộc cấp dưới phải nỗ lực hết mình. Chị đôi khi thậm chí quên mình vì công việc. Nhớ có lần người nhà nằm cấp cứu nhưng chị vẫn đi làm vì ở cơ quan có quá nhiều việc cần chị giải quyết. Lúc đó nhìn chị bơ phờ, tóc tai rối bù, quần áo xốc xếch... mà vẫn tập trung làm việc, tôi thấy thương và ngưỡng mộ chị” - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn (giảng viên ĐH Y dược TP HCM) chia sẻ.
Tự tay quán xuyến việc nhà
“Nhà có hai con nhỏ nên công việc quay cuồng, nhưng tôi và chồng thống nhất sẽ không mướn người làm mà tự chở con đi học, dạy con học bài, ai về sớm thì nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa... Tôi nghĩ chỉ cần cố gắng sắp xếp mọi thứ một cách hợp lý thì mọi việc đều giải quyết được” - Diệu Thường nói.
Nói về nguyện vọng đường dài, Diệu Thường cho biết sẽ nỗ lực lèo lái tốt cơ sở 3 (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM), nơi chị vừa được tin cậy trao quyền quản lý. “Tôi mong góp phần chuẩn hóa thành công y học cổ truyền để tạo tiếng nói chung trong khu vực” - Diệu Thường khẳng định.