Đêm 30/8, Nguyễn Thị Thu Hằng mới có chút thì giờ để nghỉ ngơi sau một ngày dài làm tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E., nơi chăm sóc những trẻ sơ sinh có mẹ là F0 đã qua đời hoặc đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
Nữ tiếp viên hàng không 26 tuổi chưa làm mẹ, cũng chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ. Trở thành bảo mẫu chăm lo cho hàng chục trẻ F1 là nhiệm vụ không hề dễ dàng với cô.
"Nhiều bé vừa ra đời đã không có mẹ, thiệt thòi quá lớn. Tôi nhìn các con được bế từ bệnh viện sang, quần áo còn chưa kịp thay, da còn đang tróc mà thương các con rất nhiều. Tôi lặng người khi bế các con vào phòng, không thể nói gì", Thu Hằng tâm sự cùng Zing.
Hằng là tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E. |
Nữ tiếp viên trở thành bảo mẫu
Từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát căng thẳng tại TP.HCM, Hằng cũng như nhiều tiếp viên hàng không khác phải tạm dừng công việc. Thông qua mạng xã hội, Hằng đọc được thông tin Trung tâm H.O.P.E. cần tình nguyện viên để chăm sóc những trẻ nhỏ chưa thể về với gia đình, cô lập tức đăng ký.
"Tôi chỉ nghĩ rằng cháu mình ở nhà có người chăm sóc, thế mà những em bé ở H.O.P.E. vừa sinh ra đã không biết mẹ là ai, không có sữa và hơi ấm của mẹ. Tôi muốn giúp đỡ và chăm sóc cho các con. May mắn rằng tôi được gia đình rất ủng hộ", Hằng chia sẻ.
Thu Hằng là tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines. |
Trung tâm H.O.P.E. có khoảng 25 tình nguyện viên như Hằng, đều là những cô gái trẻ, đa phần chưa lập gia đình nên chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em.
Những ngày đầu tại H.O.P.E., các tình nguyện viên được y bác sĩ tập huấn, hướng dẫn kỹ về cách chăm trẻ sơ sinh, nhận biết khi nào thì bé khát sữa, những biểu hiện bất thường cũng như cách kiểm tra bé thở.
Mỗi thắc mắc hoặc tình huống khó xử xảy ra, tình nguyện viên đều được y bác sĩ hỗ trợ xử lý.
"Được tập huấn rất kỹ, nhưng những ngày đầu chăm trẻ sơ sinh, tôi khá lúng túng. Tôi bối rối khi bồng và cho các con uống sữa, chỉ cần các con ho nhẹ hay hắt xì đã rất lo lắng rồi. Tôi cố gắng làm từng việc cẩn trọng nhất có thể bởi trẻ sơ sinh rất mong manh, thế rồi dần dần cũng quen việc hơn", Hằng chia sẻ.
Tại trung tâm, các tình nguyện viên được chia ca làm việc sáng, chiều và đêm. Thế nhưng dù không phải ca trực của mình, chỉ cần nghe tiếng trẻ khóc, Hằng và các chị em đều chạy đến để kiểm tra, phụ giúp.
Trực ca đêm khiến Hằng lo lắng nhất. Cô cho biết em bé lớn nhất ở trung tâm mới chỉ hơn một tháng tuổi, đa phần là trẻ chỉ vừa mới sinh vài ngày. Có bé sinh non chỉ nặng 1,2-1,3 kg khiến các tình nguyện viên càng thương và lo lắng hơn khi chăm sóc.
"Đêm đến, chúng tôi trải chiếu nằm bên các con nhưng không dám chợp mắt, cứ lâu lâu lại quan sát rồi sờ thử xem các con có sốt và thở bình thường hay không.
Mỗi 3 tiếng, chúng tôi cho cho các con bú sữa một cữ, sau đó lại thay tã, thay áo rồi lại pha sữa. Cứ như vậy suốt cả đêm", Hằng kể lại.
Tất cả tình thương yêu
Khi được hỏi có lo lắng về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi tham gia tình nguyện hay không, Hằng thừa nhận có. Tuy nhiên cô chia sẻ rằng mọi lo nghĩ đều biến mất khi các tình nguyện viên nhìn thấy những em bé sơ sinh được đưa từ bệnh viện đến trung tâm. Khuôn mặt trẻ thơ cùng tình cảnh đáng thương của các con khi mọi người giành nhau để ôm con vào lòng.
"Tôi biết rằng việc làm bảo mẫu tại trung tâm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vì cho dù các con đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR nhưng vẫn không loại trừ được khả năng ủ bệnh. Trong nhóm tôi, người nào cũng từng nghĩ đến và lo sợ điều này.
Nhưng ngay từ ngày đầu tiên đón các con từ Bệnh viện Hùng Vương chuyển qua, chúng tôi đã rất thương yêu nên chẳng còn nghĩ hay lo sợ điều gì. Cứ nhìn thấy gương mặt đáng yêu của các con là chúng tôi lại cố gắng chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương", Hằng nói.
Nữ tiếp viên hàng không mong chờ dịch bệnh kết thúc để những em nhỏ được trở về với gia đình. |
Cô chỉ mong rằng dịch bệnh sớm kết thúc để những em bé sớm được về trong vòng tay mẹ hoặc gia đình. Cho đến lúc đó, Hằng và các tình nguyện viên vẫn sẽ thay người thân cố hết sức để chăm nom các bé sơ sinh.
Cô chia sẻ rằng được làm bảo mẫu cho các con chính là điều ý nghĩa nhất cô có thể làm trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
"Tôi vẫn tin rằng cuộc đời này sẽ không lấy hết của ai điều gì. Các con ở đây ngày hôm nay thiệt thòi, mất mát nhưng mai sau lớn lên sẽ càng mạnh mẽ và bản lĩnh. Tôi mong các con sẽ cảm nhận được tình cảm của các cô và bớt tủi thân hơn vì được chăm chút, yêu thương mỗi ngày", Hằng tâm sự.
Trung tâm H.O.P.E. (Have Only Positive Expectation) có địa chỉ tại Trường mầm non Họa Mi 2 (đường Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.HCM), chính thức được đưa vào hoạt động từ sáng 25/8. Trung tâm hiện chăm sóc gần 200 trẻ có mẹ là F0.
Bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiền, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết hiện Trung tâm rất cần các đồ dùng thiết yếu cho trẻ nhỏ như áo quần, bình sữa, máy hâm nóng sữa...
"Trung tâm mới được thành lập, hiện chỉ có 25 tình nguyện viên chăm sóc trẻ hàng ngày. Chúng tôi đang thiếu đồ dùng cho các bé, đặc biệt khi trong thời gian tới, Trung tâm có thể tiếp nhận và chăm sóc thêm cho nhiều trẻ nhỏ", chị Hiền cho hay.