Trái với vẻ ngoài dịu hiền e ấp, Phạm Ngọc Linh (số báo danh 569, sinh năm 1995) lại rất thân thiện và hào hứng khi nói về những chủ đề cô quan tâm. Cô cũng thừa nhận, cá tính mạnh cũng như khả năng ăn nói là điểm nổi bật nhưng cũng có thể là bất lợi của cô tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018.
Nữ tiếp viên Vietnam Airlines kiêm cựu sinh viên Đại học Ngoại thương được chú ý ngay từ đầu vì có gương mặt khả ái và nụ cười rạng rỡ. Cô cao 1,68 m, với các số đo 82-59-91.
Zing.vn trò chuyện với Ngọc Linh nhân dịp cô đang cùng các thí sinh trải qua các phần thi phụ trong khuôn khổ vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018.
Tính cách tôi chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nhật Bản
- Điều gì khiến chị tự tin và thiếu tự tin nhất khi đến với cuộc thi?
- Hơi ngược đời một chút là tôi tự ti về khả năng ăn nói. Lúc trước, tôi không phải là người nói nhiều mà rất nhát. Mọi người thường nhận xét tôi rụt rè, ít nói. Nhưng sau đó, tôi bước chân vào ngành tiếp viên hàng không để có cơ hội tiếp cận và nói chuyện với nhiều người hơn, nhờ đó trau dồi khả năng ăn nói.
Khi tham gia Hoa hậu Việt Nam, trải qua các vòng sơ khảo rồi chung khảo và tập luyện catwalk, trình diễn, dần dần sự tự ti của tôi đã giảm bớt. Để trả lời câu hỏi, tôi cho rằng thứ khiến tôi tự tin nhất cũng chính là thứ khiến tôi từng tự ti nhất: khả năng ăn nói.
Phạm Ngọc Linh đánh trống trong phần thi Người đẹp tài năng vòng sơ khảo. Ảnh: BTC. |
- Còn câu hỏi tương tự về nhan sắc?
- Tôi thích nhất là gương mặt tròn của mình. Nhiều người nói rằng bây giờ V-line hay mặt nhỏ mới là mốt, nhưng tôi luôn tự tin với gương mặt tròn của mình. Đó là vẻ đẹp mà người ta vẫn hay mô tả là "khuôn trăng đầy đặn". Tôi chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, mặt tròn khi cười sẽ tươi tắn, thân thiện hơn và dễ gây thiện cảm của người khác hơn.
Còn về điểm không tự tin thì hầu như không có, vì tôi không còn xấu hổ hay yêu cầu bản thân phải quá hoàn hảo. Chẳng hạn, trước đây tôi rất xấu hổ vì đôi vai ngang. Tôi luôn cố mặc đồ để che vai vì mặc cảm. Nhưng trong thời gian tham gia cuộc thi, tôi cũng thử nhiều kiểu đầm hở vai hay áo yếm và thấy rất đẹp. Bờ vai là một trong những điểm gợi cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ nên dù là ngang, xuôi hay tròn thì mình cũng nên tự tin về nó.
- Ở tuổi 23, chị cũng thể hiện sự hiểu biết và trải nghiệm sống nhiều hơn các thí sinh khác. Điều đó có khiến chị mất vẻ tươi mới mà Hoa hậu Việt Nam thường ưa chuộng?
Phạm Ngọc Linh trong tà áo dài theo lối cổ. Cô có quan niệm sống hiện đại. Ảnh: FBNV. |
- Mọi người thường nói là Hoa hậu Việt Nam thích tìm những cô gái như những bông hoa chúm chím, sắp nở. Còn tôi thì là một bông hoa đã nở tương đối rồi (cười). Nhưng tôi nghĩ, dần dần, hình tượng về người phụ nữ sẽ thay đổi.
Trước đây, thơ Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du cũng ca ngợi những mẫu phụ nữ truân chuyên, có nhiều kinh nghiệm sống thay vì các cô gái êm đềm, không có trải nghiệm gì. Bản thân kinh nghiệm cũng là điểm sáng. Tôi cũng tự tin vào điều đó để thể hiện mình, không chỉ ở trong nước mà còn sau này khi gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế.
Không thể lúc nào mình cũng có thể tỏ ra ngây thơ, trong sáng, không có kiến thức gì về cuộc sống. Khi ra ngoài quốc tế thì thứ trang sức đẹp nhất chính là tri thức.
- Để mô tả nhanh về bản thân mình, chị sẽ dùng những từ gì?
- Bên cạnh lời nhận xét nhút nhát, ít nói như trên thì tôi cũng được nhận xét là ngăn nắp, nguyên tắc, rất tuân thủ kỷ luật. Đó là do ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản mà tôi rất yêu mến. Chính vì sự yêu mến đó nên tôi mới chọn học khoa tiếng Nhật tại Đại học Ngoại thương.
Sự ngăn nắp của người Nhật không có nghĩa là khô cứng hay rập khuôn mà là khả năng quản lý cuộc sống của mỗi người. Mọi thứ đều có thứ tự, và khi mình biết sắp xếp chúng vào đúng thứ tự thì cuộc đời sẽ dễ dàng, thông suốt hơn.
Nữ tiếp viên hàng không khi nhận danh hiệu Đại sứ du lịch tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) tại Việt Nam. Ảnh: FBNV. |
- Chị cũng là Đại sứ Du lịch tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) tại Việt Nam. Chị có thể nói thêm về vai trò này?
- "Đại sứ du lịch" là cách gọi của Việt Nam cho dễ hiểu. Còn ở Nhật, tôi được gọi là "Công chúa Hồ nước". Danh hiệu công chúa này có được sau một cuộc thi ở Nhật để tìm ra cô gái xinh đẹp và có tri thức phù hợp nhất.
Qua nhiều vòng chọn lọc hồ sơ ở Việt Nam, họ muốn tìm ra một cô gái Việt Nam có hiểu biết về du lịch, văn hóa và khả năng truyền tải thông tin giữa 2 nền văn hóa, du lịch của Việt Nam - Nhật Bản. Tôi may mắn được chọn. Trong lễ trao tặng danh hiệu công chúa, tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với đại diện chính quyền tỉnh Yamanashi cũng như đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Kết hợp giữa cá tính và yểu điệu
- Chị có thể nói thêm về cá tính của bản thân?
- Tôi nghĩ tính cách của mình là sự kết hợp giữa cá tính và yểu điệu. Khi trưởng thành hơn một chút, mọi nét tính cách của mỗi người pha lẫn vào nhau và tạo nên con người của mình.
Có rất nhiều nét có thể coi là cá tính ở tôi như thích đi xuyên Việt, thích du lịch bụi, thích tiên phong trong các phong trào văn hóa. Tôi từng cùng bạn bè đi xe máy xuyên Việt. Mỗi xe hai người, tôi và một người bạn nữa thay nhau cầm lái khi người kia mệt.
Nhưng tôi cũng có những nét yểu điệu như đam mê tìm hiểu về lịch sử. Tôi có thể ngồi hàng giờ để đọc sách về lịch sử cũng như giao lưu, lắng nghe các nhà sử học nói chuyện. Tham gia cuộc thi này, tôi cũng háo hức được gặp bác Dương Trung Quốc, một nhà sử học mà tôi rất hâm mộ nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc bao giờ.
- Việc yêu thích lịch sử và văn hóa có ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp là tiếp viên hàng không của chị?
- Ở Đại học Ngoại thương, những người bạn của tôi đều có công việc tay trái. Khi còn là sinh viên, tôi cũng tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau để thử sức xem mình phù hợp với ngành nghề nào.
Cuối cùng, tôi quyết định chọn nghề tiếp viên hàng không để được đến với nhiều vùng đất, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ hơn. Tôi cũng muốn gặp nhiều người để hiểu thêm về văn hóa và tâm lý của con người, từ đó hình thành tính cách của bản thân.
Tôi quan niệm tính cách của mình càng hoàn thiện thì sẽ càng chọn được nghề nghiệp phù hợp nhất. Tôi không mong chờ công việc đầu tiên sẽ là công việc mình làm cả đời. Sự phù hợp chỉ có trong từng giai đoạn cụ thể. Khi tôi mới ra trường, tôi nghĩ rằng điều mình còn thiếu nhất là kinh nghiệm sống và cách đối nhân xử thế.
Nghề tiếp viên hàng không dạy tôi điều đó, ngoài ra còn dạy tôi khả năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội. Khi đã đi cùng chuyến bay thì đoàn tiếp viên đều là đồng đội, cùng chinh chiến với nhau để bảo vệ an toàn cho hành khách và phi hành đoàn. Bởi vậy, điều cần thiết là giao tiếp thông suốt và tránh xích mích để hoàn thành tốt công việc.
Ngọc Linh rất yêu Hà Nội và có nhiều bộ ảnh theo phong cách thiếu nữ Hà Nội. Ảnh: Giang Trịnh. |
- Là tiếp viên hàng không, một công việc nhiều áp lực, đã bao giờ chị gặp mâu thuẫn với đồng nghiệp hay hành khách?
- Khi bước chân vào nghề thì khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm với hành khách, đồng nghiệp hay cấp trên của mình, tức là tiếp viên trưởng. Nhưng nếu cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác thì mình có thể thông cảm cho những bực dọc, mâu thuẫn và tìm cách để giải quyết.
Ví dụ, trong các chuyến bay, hành khách thường bực dọc vì rất nhiều lý do: trễ chuyến, không được mang hành lý lên... Những vấn đề đó hoàn toàn không liên quan đến tiếp viên, nhưng hành khách vẫn mắng tiếp viên để trút cơn giận. Trong hoàn cảnh đó, nhiều tiếp viên sẽ tỏ thái độ ra mặt.
Nhưng tôi cố gắng nghĩ theo hướng là: nếu hành khách đó cũng là cha mẹ mình, cũng bị trễ chuyến phải ngồi chờ la liệt ở sân bay, hoặc có một thứ hành lý quan trọng nhưng không được mang lên máy bay, nếu vậy thì chính mình cũng không tránh khỏi bực dọc. Nghĩ cho hành khách như vậy, tôi cũng bớt được những mâu thuẫn và nhẹ nhàng giải thích cho hành khách hiểu.
Hoa hậu và tiếp viên hàng không: Không trái ngược như mọi người nghĩ
- Các cô gái sau khi đoạt vương miện hoa hậu thường được phục vụ như VIP, còn tiếp viên hàng không là nghề nghiệp phục vụ người khác. Nếu trở thành hoa hậu, chị có thay đổi công việc của mình?
- Bất cứ nghề nào cũng thế, còn đam mê thì còn làm. Tôi mới chính thức vào nghề và có chuyến bay đầu tiên từ đợt Tết năm nay, nên vẫn còn rất nhiều điều để tôi trải nghiệm. Tôi cũng biết ơn công ty của mình khi đã tạo điều kiện để tôi đi thi hoa hậu, nên nếu đạt thành công thì tôi muốn đền đáp bằng cách dùng danh hiệu của mình để đóng góp cho công ty.
Hình ảnh hiếm hoi theo phong cách đời thường của Ngọc Linh. Ảnh: FBNV. |
Tôi cũng không thấy có mâu thuẫn gì giữa việc là hoa hậu và làm nghề nghiệp phục vụ người khác. Trong chính công ty của tôi, có chị Vi Thị Đông là Á hậu Việt Nam 1992, năm mà chị Hà Kiều Anh đăng quang Hoa hậu. Sau khi thành Á hậu cho đến tận bây giờ, chị Đông vẫn đi bay bình thường. Danh hiệu chỉ là danh hiệu thôi, còn đam mê thì mình vẫn làm công việc của mình.
Hơn nữa, hoa hậu và tiếp viên hàng không cũng không hẳn là trái ngược như mọi người vẫn nghĩ. Mỗi chúng tôi khi trở thành tiếp viên hàng không thì đều có ý thức mình là đại sứ du lịch trên bầu trời, nhất là khi khoác lên mình tà áo dài. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hành khách, một điều rất cao quý.
Tuy nhiên, nếu có danh hiệu, tôi muốn tham gia nhiều hoạt động mặt đất của công ty như kết nối giữa hàng không Việt Nam và quốc tế, mở thêm đường bay mới, làm MC các sự kiện... Dù ở vị trí nào, tôi cũng muốn đóng góp nhiều hơn cho ngành nghề của mình.