Trong cái nắng nhẹ và tiết trời se lạnh lúc giao mùa, nhịp sống Hà Nội như chầm chậm với Hạnh sau những giờ bay. Hạnh ngồi nhâm nhi ly nước, tí tách mấy hạt hướng dương.
Mơ ước từ tuổi học trò
Khác với những gì người ta thường tưởng tượng về một phi công dẻo dai, vạm vỡ, Hạnh nhỏ nhắn, nhẹ nhàng. Hạnh kể: “Học xong cấp 3, tình cờ em đọc được mẩu tin trên báo, đăng tuyển tiếp viên hàng không. Ông nội vốn biết em thích nghề tiếp viên hàng không nên khuyến khích đi thi”. Võ Hồng Hạnh trẻ trung, xinh xắn sau những giờ bay. Ảnh: Nam Trần |
Ước mơ làm tiếp viên hàng không có từ lúc Hạnh 8 tuổi. Sau một lần bố mẹ cho đi TP.HCM bằng máy bay, hình ảnh chiếc máy bay hiện đại, lịch sự, sang trọng, các chị tiếp viên xinh đẹp, dịu dàng đã hằn sâu trong ký ức Hạnh.
Năm lớp 10, Hạnh được xem bộ phim Nữ tiếp viên hàng không của Nhật Bản, một lần nữa ước mơ lại thôi thúc. Khi kỳ thi tuyển tiếp viên hàng không vào năm 2004 gần như là một mối duyên, và Hạnh không bỏ qua cơ hội đó.
Bầu trời là cả niềm đam mê
Được khoác lên mình bộ đồng phục tiếp viên hàng không, đi lại trên độ cao trung bình 10.000-11.000 m khiến Hạnh cảm thấy vui và hạnh phúc. Các đường bay ngắn, trung và dài, Hạnh đều trải qua. Sau 3-4 năm làm tiếp viên, Hạnh lập gia đình.
“Nghỉ sinh cháu xong, em đi làm lại, chuyển xuống bộ phận mặt đất. Công việc ca kíp rất vất vả. Nếu chiều nay đi làm thì chiều mai mới về, ăn ngủ ở sân bay, suốt ngày chạy đôn chạy đáo”, Hạnh nói.
Hết một năm làm dưới mặt đất, Hạnh xin sang làm hành chính ở một cơ quan khác để phù hợp với gia đình. Uớc mơ làm tiếp viên tưởng như đang khép lại.
Bẵng đi 3-4 năm, năm 2011, Hạnh quyết định quay lại nghề, gắn bó với hãng hàng không Vietjet. Bằng đam mê và nhiệt huyết, Hạnh đã trở thành tiếp viên trưởng. Mỗi ngày được làm việc ở trên cao, được nhìn thấy những đám mấy trắng bồng bềnh qua ô cửa nhỏ, được giúp đỡ hành khách, Hạnh tưởng tượng mình như cô bé Chiaki bé nhỏ, đảm bảo an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến bay, vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui trong cô.
Gắn bó với Vietjet dài lâu
Nắm lại ước mơ lần thứ hai, Hạnh mong muốn giấc mơ bay phải đi theo mình đến hết cuộc đời. Sau 4 năm làm tiếp viên và tiếp viên trưởng của Vietjet, khi thu nhập kha khá, các con bớt thơ dại, Hạnh ngừng công việc, quyết định “mơ lớn”, đi học phi công tại Mỹ, bắt đầu hiện thực hóa ước mơ gắn bó với Vietjet dài lâu.
Hạnh sang Mỹ học nghề phi công 2 năm. Cô phải học tất cả 5 loại bằng theo chương trình và giáo án của Cục hàng không Mỹ. Với cô, 2 năm đó là quãng thời gian rất đáng nhớ. Trở về với Vietjet, Hạnh tiếp tục đi học tại Singapore 2 tháng. Tháng 4/2019, Hạnh trở thành cơ phó của Vietjet.
Từ khi làm cơ phó, mỗi tháng Hạnh bay 3 tuần, được nghỉ một tuần. |
Mỗi ngày cô bay 4 chặng, cơ trưởng và cơ phó thay nhau cầm lái. Hạnh phải đi từ nhà trước chuyến bay hơn 2 tiếng.
Những kiến thức và kỹ năng được trang bị từ Mỹ giúp Hạnh tự tin, xóa nhòa khoảng cách ngành nghề giữa nam và nữ. Hạnh bảo, khi cầm lái thì không có sự phân biệt nam hay nữ, mỗi người phải làm tốt phần việc của mình, đem lại sự an toàn, sự hài lòng cho hành khách trên mỗi chuyến bay.
Ngoài sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo và đồng nghiệp ở Vietjet, Hạnh tự hào có hậu phương vững chắc để cô đam mê sống với tình yêu công việc, yêu các con. Hết nhiệm vụ ở công ty, trở về với gia đình nhỏ, may mắn thay, mẹ luôn là người thay cô chăm sóc các con khi vắng nhà.
Tuần nào rảnh, cô mang bài vở tiếng Anh ra kèm thêm các con. Các con vắng mẹ thường xuyên trở nên tự lập, cứng cỏi. Cô tin, nghị lực sống và sống hết mình với ước mơ sẽ lan tỏa niềm cảm hứng cho các con sau này, giúp các con nuôi dưỡng những ước mơ.
Bình luận