"Tiếp viên hàng không là ước mơ của nhiều cô gái trẻ, song nghề này đầy rẫy những thử thách, hiểm nguy", Nguyễn Hải Yến (28 tuổi), làm việc tại Hãng hàng không Asiana Air, Hàn Quốc cho biết.
Bất ngờ trước diễn biến xấu của chuyến bay
5 năm gắn liền bầu trời để lại trong lòng nữ tiếp viên quê Thái Nguyên nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cũng không ít lần cô và đồng nghiệp rơi vào tình huống khó xử, nguy hiểm từ nghề.
Yến kể, một lần, trong chuyến bay từ Hàn Quốc tới Phnompenh (Campuchia), sau khi phục vụ đồ ăn cho hành khách, cô cùng đồng nghiệp tiếp tục chuẩn bị cà phê và trà nóng cho những ai có nhu cầu.
"Trong khi cả nhóm đang lúi húi với công việc, máy bay đột ngột qua vùng có thời tiết rất xấu. Cơ trưởng chưa kịp thông báo, máy bay chao đảo và bất ngờ hất mạnh lên trời", nữ tiếp viên nhớ lại.
Theo đó, toàn bộ khay ăn của hành khách bắn lên trần, bát đĩa rơi loảng xoảng, nước uống, đồ ăn vung vãi khắp nơi. Quang cảnh máy bay trở thành một đống đổ nát chỉ sau một cú hất. Hành khách la ó vì hoảng sợ... là những gì nữ tiếp viên trẻ tuổi chứng kiến trong khoảnh khắc tức thời.
"Sau cú hất của máy bay, cơ thể mình khụy xuống vì mất thăng bằng, kèm theo đó là cà phê đổ tràn lên chân cùng tiếng hét của mọi người khiến bản thân khá hoảng loạn. Lúc ấy có 2 vợ chồng người Hàn Quốc vội bước qua đống đồ ăn, liên tục lấy khăn lau và hỏi mình có ổn không", cô kể.
Nói thêm về cảm xúc khi xảy ra sự cố, Yến cho biết: "Lúc ấy bản thân không có cảm giác gì, mình chỉ muốn biết máy bay đã ổn định chưa, bay qua vùng thời tiết xấu hay chưa...".
"Lúc ấy dù nghe được tín hiệu khẩn cấp quay về chỗ ngồi và thắt dây an toàn nhưng do máy bay quá rung lắc, mình không thể di chuyển đến ghế ngồi gần nhất, đành phải ngồi thụp xuống giữa lối đi, tay bám chặt vào thành ghế 2 bên. Một lúc sau, mọi thứ an toàn trở lại và mình tiếp tục công việc của", cô nhớ lại.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ chính hành khách, Hải Yến vội cảm ơn và trở lại chỗ ngồi, tiếp tục công việc chăm sóc khách hàng của mình. Tuy nhiên, chưa kịp ứng biến, cô tiếp tục trải qua 2 lần hất mạnh của máy bay.
Nguy hiểm cận kề, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, thế nhưng, với Hải Yến, chỉ cần đặt chân lên máy bay là phải làm việc hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô luôn quan niệm, nếu một ngày phải đối mặt hiểm nguy, tiếp viên luôn phải là người đưa ra các biện pháp khẩn cấp để xử lý tình huống. Họ sẽ là người cuối cùng được phép rời khỏi máy bay khi gặp nạn.
Hải Yến quan niệm, tiếp viên hàng không luôn là người phải làm chủ các tình huống xấu xảy ra trên máy bay. |
Không đơn giản để trở thành tiếp viên nước ngoài
Trở thành nhân viên của Asiana Airlines, một trong 2 hãng hàng không lớn tại Hàn Quốc, với Hải Yến, công việc này như một cơ duyên trong đời.
Trước khi trúng tuyển vào hãng, Yến từng làm nhân viên Marketing tại một công ty tư nhân. Sau khi nhận được gợi ý và sự động viên từ một người dì, Yến quyết định thử thách bản thân với công việc mới và may mắn được lựa chọn.
Nhớ lại quãng thời gian ứng tuyển, học tập và ôn luyện để đến với công việc này, điều đầu tiên hiện lên trong cô gái quê Thái Nguyên là sự gian nan, khắc nghiệt.
Yến cho biết, hầu hết các hãng hàng không đều có những hình thức thi tuyển giống nhau. Trước khi đến với 2 tháng rèn luyện tại Hàn Quốc, cô cũng như bao đồng nghiệp đều phải trải qua quá trình phỏng vấn, thể hiện Tiếng Anh, Hàn và khả năng giao tiếp trước nhà tuyển dụng.
Sau khi trúng tuyển, họ tiếp tục trải qua vòng khám sức khoẻ gắt gao để chuẩn bị cho khóa học cơ bản tại trung tâm huấn luyện an toàn bay Asiana, Hàn Quốc.
Tại đây, Yến cùng bạn bè trải qua những ngày tháng đầy áp lực với học tập, thi cử, thậm chí việc làm đẹp cũng là một trong những tiêu chí đòi hỏi gắt gao đối với các tiếp viên tương lai.
Ngoài học lý thuyết, các cô gái cũng được thực hành trên mô hình máy bay thật. Dù công việc là chăm sóc khách hàng, nhưng họ cũng đều phải trải qua các lớp học căn bản về giọng nói, xử lý bình chữa cháy, các tình huống khẩn cấp theo yêu cầu của giáo viên...
Để trở thành tiếp viên hàng không, các cô gái phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ. |
Cô cho biết, việc học tập, kỷ luật, thưởng, phạt của người Hàn Quốc rất nghiêm khắc. Ai học tập tốt sẽ được tuyên dương, nhận bằng khen. Người điểm thấp sẽ bị phạt trước lớp.
Một ngày của Hải Yến luôn diễn ra trái ngược sinh hoạt của những công việc khác.
Thường đảm nhiệm công việc trong những chuyến bay đêm, thời gian ngủ của cô gái này chỉ bắt đầu khi Thường đi ngủ lúc 4-5h sáng và thức dậy vào buổi trưa. Sau đó, Hải Yến dành một tiếng cho tập gym, ăn uống.
Mỗi lúc rảnh rỗi, cô gái này thường dành thời gian mua sắm. Yến tự nhận mình là người “nghiện” shopping khi có thể dành nguyên một ngày để thỏa mãn đam mê.
Kể về kỷ niệm trong 2 tháng học tập, nữ tiếp viên sinh năm 1988 cho biết, từng phải hít đất chịu phạt đến khi chân tay rã rời, khó thở trước sự chứng kiến của thầy cô, bạn bè.
Ngoài ra, các tiếp viên hàng không cũng cần tuân thủ mọi quy định về vẻ ngoài như đồng phục phải tuyệt đối phẳng phiu, tóc búi gọn gàng.
“Chỉ cần bất cứ thầy cô nào trong trung tâm đi ngang qua nhìn thấy tóc không gọn, đồng phục bị nhăn là chúng mình phải viết bản kiểm điểm”, Hải Yến nói.
Tới giờ, khi nhắc lại, cô vẫn không khỏi ngạc nhiên với bản thân mình đã trải qua thời gian khắc nghiệt ấy.
Tính đến nay, Hải Yến đã có cơ hội đặt chân tới 22 quốc gia trên toàn thế giới. Trong số đó, Pháp là một trong những nơi chiếm nhiều tình cảm với nữ tiếp viên 28 tuổi. Bởi vơi cô. đây là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp trong tình cảm cùng chồng kể từ khi bắt đầu yêu cho tới lúc kết hôn.
Chia sẻ về cuộc sống, Yến cho biết, hiện cô đã có chồng và một con nhỏ 2 tuổi. Do yếu tố đặc biệt của nghề nghiệp, việc chăm sóc gia đình của mình.
Một tháng, cô có 8 ngày nghỉ tại Việt Nam, chia thành 3 lần về mỗi tháng. Khoảng thời gian ít ỏi ấy cô luôn dành cho gia đình và bạn bè thân thiết.
"Không phủ nhận, nghề tiếp viên hàng không phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Ai làm mẹ cũng sẽ hiểu được cảm giác nhớ con mà không được gặp khó khăn thế nào. Mình vẫn thường xuyên mang theo trong những chuyến bay dài những đồ vật cá nhân hay quần áo của con, để cảm giác em bé luôn bên cạnh cho đỡ nhớ”, bà mẹ trẻ tâm sự.
Theo đó, phần lớn quãng thời gian không ở nhà, cô đều nhờ đến sự giúp đỡ, chăm con từ chồng và mẹ.
"Dù bận rộn và phải sống xa nhà. Nhưng mình vẫn luôn dành mọi thời gian có thể để cân bằng mọi thứ. Đối với mình, điều may mắn nhất bây giờ là mọi người trong nhà đều ủng hộ công việc. Mình luôn trân trọng điều đó và cố gắng vì mọi người", Hải Yến chia sẻ.