Bao nhiêu năm rồi, bà lủi thủi ăn một mình, làm một mình và đánh bạc một mình. Nhìn bà, khó ai hình dung 30-40 năm về trước từng là nữ tướng cầm đầu băng cướp táo tợn, hai tay ôm hai súng, manh động và liều lĩnh, thoắt ẩn thoắt hiện như con sóc dọc tuyến đường thủy từ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Lúc cao điểm, băng cướp có hàng chục thành viên cộm cán, mã tấu và lựu đạn luôn giắt bên hông và sẵn sàng "xả" khi bị truy đuổi. Hơn 30 năm lộng hành, băng cướp do Tám Lũy quy tụ thêm nhiều con cháu, lớn lên nối nghiệp mẹ và cha chú.
Nữ tướng cướp hoàn lương. |
Thời điểm giải phóng đất nước, tàn quân hỗn loạn vứt vũ khí bỏ chạy, mấy đứa con tuổi niên thiếu của Tám Lũy gom nhặt súng đạn cất giấu để sau này thực hiện những phi vụ phạm pháp. Vùng Nhơn Trạch thời đó còn hoang vu, kênh rạch chằng chịt, là địa thế thuận lợi cho băng cướp Tám Lũy hoạt động.
Những tàu bè lưu thông chở hàng hóa bằng đường sông từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu và ngược lại, qua "đại bản doanh" của Tám Lũy đều phải chọn hai đáp án "mì nước hay lựu đạn". Nhiều năm trời, vùng Nhơn Trạch luôn là nỗi khiếp đảm kinh hoàng của những thương lái.
Bố bà sinh thời là võ sĩ có tiếng, nhờ miếng võ danh bất hư truyền cộng với thói lấy của người giàu làm của mình đã biến ông thành kẻ cướp có tiếng. Máu nghề, máu liều Tám Lũy nối nghiệp cha.
Tám Lũy ma ranh đến nỗi mỗi lần đi trộm thường mang ủng đàn ông, mặc áo choàng đàn ông trùm kín mặt. Sau hàng chục vụ mất trộm, Tám Lũy bị phát hiện trong lần trộm con heo nặng khoảng 50 kg.
Bị truy đuổi, bà ta bế xốc con heo lên vai, chạy băng qua bờ ao bờ ruộng tẩu thoát. Tuy nhiên, lần đó, tấm khăn choàng bị tuột, trong ánh trăng mờ ảo, người ta phát hiện ra mái tóc tên trộm rũ xuống gót chân.
Tám Lũy tên thật là Trần Thị Tép, Tép ngày trẻ thuộc hàng có hương có sắc nên được anh chàng Tám Lũy (tức Nguyễn Thanh Liêm) đem lòng yêu (từ đó người ta gọi bà là Tám Lũy, thay tên chồng). Từ khi lấy chồng, ngoài việc đẻ sòn sòn 13 đứa con thì Tám Lũy nghiện cờ bạc không dứt ra được. Ông chồng tích góp được đồng nào, giấu xuống tận đất mà bà vẫn moi lên được. Mỗi lần đi đánh bạc, bà lại kéo một vài đứa con trên dưới 10 tuổi theo ngồi chầu sòng.
Tám Lũy bị bắt khi đang tổ chức cho người vượt biên vào cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, và bị thụ án 14 tháng. Đó là lần bị bắt cuối cùng sau nhiều lần bị lực lượng "sờ gáy". Đàn con dưới sự huấn luyện của Tám Lũy đều trở thành Tùng "Sát Thủ", Hoàng "Phổi", Thâu "Ròm"…Hoàng "Phổi" là niềm hy vọng cuối cùng của bà, bà nuôi heo hết lứa này đến lứa khác để dành tiền chờ nó đi tù 20 năm về sẽ cưới cho cô vợ để chí thú làm ăn. Và ngày Hoàng về cũng đến, năm 2006. Người con hoàn lương về sống với mẹ thời gian đầu vô cùng chăm chỉ, suốt ngày thui thủi làm lụng, phụ mẹ chăn nuôi.
Hoàng đưa được cô gái miền Tây về sống thử cho bà Tám Lũy duyệt. Bà ưng liền, lễ cưới chuẩn bị thì nhận được tin Hoàng bị bắt vì liên quan vụ cướp của giết người. Bao nhiêu hy vọng đổ vỡ, bà hụt hẫng, chán nản. Thế nhưng tội ác của Hoàng "Phổi" vẫn chưa sánh kịp với người anh mang biệt danh Tùng "Sát Thủ".
Tùng sinh năm 1962, thời thơ ấu từng bấu vạt áo mẹ tới các sòng bài. Lúc đầu, Tùng học hỏi được từ mẹ mánh khóe thực hiện những vụ trộm cắp lặt vặt. Bước sang năm 1980, những người em của Tùng là Hoàng, Sanh, Thâu vừa đủ lớn, băng cướp gia đình phát triển mạnh về quân số. "Đại bản doanh" đóng ở khu vực sông Cầu Cháy (xã Phú Đông), vùng kênh rạch hoang vu, không có một mái nhà, không một bóng người.
Trong hai năm 1981-1982, băng cướp do Tám Lũy hậu thuẫn, Tùng "Sát Thủ" chỉ huy đã gây ra hàng loạt vụ án khắp các xã Đại Phước, Phú Hữu, Phước Khánh thuộc huyện Long Thành lúc bấy giờ. Người dân sợ hãi, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, truy quét, nhưng Tùng "Sát Thủ" chẳng những không sợ mà còn hung hăng, liều lĩnh hơn.Ngày 15/2/1982, Tùng và đàn em đột nhập tiệm may Tiến Thịnh tại xã Đại Phước. Gia chủ đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con trai nên phải có lượng vàng bạc, tiền của dự trữ sẵn. Tùng cầm AK, em ruột hắn là Sanh ôm khẩu M16, xông thẳng vào nhà uy hiếp gia chủ đòi giao nộp tài sản.
Để dằn mặt, Tùng nã một phát đạn vào tay chú rể, mọi người cập rập nghe theo lệnh của hắn. Tuy nhiên, tiếng súng nổ đã đánh động đến lực lượng công an và du kích đang làm nhiệm vụ giữ trật tự gần đó. Sanh nhanh chóng nhận thấy bị bao vây, liền thúc anh trai chuồn ra phía sau, tẩu thoát bằng con thuyền chờ sẵn.
Ngày 5/8/1982, Tùng chỉ huy đàn em tổ chức cướp tàu ở bến đò Phú Hữu. Tùng và Hoàng trang bị sẵn hai khẩu tiểu liên đầy ắp đạn, bên ngoài mặc áo mưa. Chúng ung dung tiến lại phía anh Sài Công an xã, và anh Quân du kích đang coi giữ để hỏi đường. Lợi dụng có thế, Tùng, Hoàng tung áo mưa rút súng ra bắn liên tiếp vào người anh Sài và anh Quân làm anh Sài chết tại chỗ, anh Quân rớt xuống sông bị trọng thương. Nghe tiếng súng nổ, lực lượng công an, du kích xã đã có mặt ngay tại hiện trường, hai tên tội phạm lẩn vào bụi cây ven đường tẩu thoát.
Sự bành trướng và hung ác của những đứa con Tám Lũy gây nhức nhối xã hội. Cuộc vây bắt hai tên tội phạm Tùng, Hoàng nhanh chóng được triển khai. Cuối năm 1982, Tùng, Hoàng đã sa lưới ngay trên "lãnh địa" hoạt động của chúng. Nhưng chỉ sau 24 giờ, chúng đã tẩu thoát khỏi trại giam Công an huyện Long Thành.
Sang năm 1983, Tùng "Sát Thủ" bắn chết anh Phạm Văn Tiếp là Phó công an xã Đại Phước vì anh Tiếp tham gia, chỉ đạo bắt đàn em của hắn. Trong cuộc đánh án trường kỳ với một gia đình tội phạm, máu của chiến sĩ công an đã đổ. Nguyễn Văn Tùng (Tùng "Sát Thủ") dùng súng tự sát ngay khi hắn bị bắt. Vòng đời tội phạm của gia đình Tám Lũy tưởng sẽ kết thúc khi kẻ chết, kẻ vào tù thì "án kim cô" sẽ được cởi.
Năm 2006, làng quê Phú Đông lại dậy sóng bởi vụ cướp giết chủ tiệm vàng Kim Hồng (xã Đại Phước) mà hung thủ lại chính là hai anh em ruột Hoàng và Thâu. Ngày tòa xử án, người ta thấy bà Tám Lũy chống gậy đứng nép phía hàng người xem, khi nghe bản án tử hình với Hoàng, Thâu, Tám Lũy gào khan trong cổ, chân run run khụyu xuống.
Theo trung tá Nguyễn Chính Tần (Đồn phó Đồn Công an khu công nghiệp Ông Kèo, Nhơn Trạch, Đồng Nai), gia đình nhà Tám Lũy cho đến thời điểm này là 4 thế hệ dính vòng lao lý. Ngoài những tội phạm liều lĩnh như Tùng, Sanh, Hoàng, Thâu đã bị pháp luật trừng phạt, còn lại đều có máu đỏ đen.
"Ông Tám Lũy (Nguyễn Thanh Liêm) sống rất hiền hòa với bà con lối xóm, con đường phạm pháp của những đứa con, có lẽ ông cũng rất trăn trở, đau đớn lắm mà không thể làm gì được. Bà Tám Lũy đã hoàn lương mấy chục năm nay và sống bằng nghề chăn nuôi, một vài người con của bà có cuộc sống kinh tế khá giả", ông Tần cho hay.