Lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta từng xuất hiện những nữ anh hùng tài sắc, văn võ song toàn. Bùi Thị Xuân chính là một trong số những nữ anh hùng kiệt xuất nhất, với những chiến công hiển hách như chém tướng giặc Xiêm năm 1785, đánh tan quân Thanh năm 1789.
Nữ tướng tài sắc vẹn toàn
Bùi Thị Xuân vốn người làng Xuân Hòa (Bình Định ngày nay), là con gái của Bùi Đắc Chí. Đương thời, bà vừa nổi tiếng về nhan sắc, sức mạnh, viết chữ đẹp.
Theo một số sách, “bà thích làm con trai, múa kiếm đi quyền, chỉ thích nghe những câu chuyện như Bà Trưng đuổi giặc, Bà Triệu đi quyền, không mấy hứng thú với những chuyện của nữ nhi đời thường”.
Tương truyền, lúc đi học, bà thường mặc áo con trai, lớn lên lại tự chế các kiểu áo võ hiệp vẽ trong tranh để mặc. Năm 12 tuổi, bà đến trường học chữ. Một hôm, bạn học cố ý giễu cợt, ra câu đối: “Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn”, có người đối lại “Đứng xuân ngồi thung, lá vông lá chóc”.
Cả lớp cười ầm lên, Bùi Thị Xuân hổ thẹn, vung quyền đánh hai người sinh sự rồi trở về nhà. Từ đấy, bà bỏ học chữ, ở nhà chuyên tâm học võ.
Sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao chép rằng: “Đêm đêm có một bà lão đến dạy võ cho Bùi Thị Xuân. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần một thì bà lão ra về. Suốt 3 năm trời, trừ những hôm gió mưa, đêm nào bà lão cũng tới dạy võ cho bà”. Đến năm 15 tuổi, Bùi Thị Xuân đã nổi tiếng trong vùng.
Ngoài tài năng về võ nghệ, Bùi Thị Xuân còn đặc biệt có duyên với voi. Theo sách Võ Nhân Bình Định, “một hôm, lên chợ Phú Phong, Bùi Thị Xuân thấy hai thớt voi đứng ăn cây chuối. Bà đến gần, voi bỗng lấy vòi cạ lên lưng, chân tỏ vẻ trìu mến. Khi ra hiệu xin cưỡi thử, voi co một chân lên cho bà leo lên cổ, rồi theo sự điều khiển của bà".
Bìa sách của NXB Kim Đồng về nữ tướng Bùi Thị Xuân. |
Giết hổ cứu chồng
Bùi Thị Xuân càng lớn càng xinh đẹp. Thanh niên quyền quý tứ phương tìm đến nhưng phần đông trông thấy mặt bà thì “run như thần tử thấy long nhan”, vì trong vẻ đẹp kiều diễm luôn chứa đựng vẻ uy nghi, làm nhiều người khiếp sợ.
Những chàng trai nhát gan “vừa đến sân đã lùi khỏi ngõ, người có ít nhiều bản lĩnh thường bị bà hỏi vài câu về văn, võ thì lưỡi tự nhiên cứng lại”. Vậy nên, đến năm 20 tuổi, bà vẫn chưa tìm được ý trung nhân cho mình.
Sách Nhà Tây Sơn chép rằng một hôm, Bùi Thị Xuân cùng một số chị em đi săn ở núi Thuận Ninh (Tây Sơn, Bình Định), gặp một tráng sĩ đang đánh nhau với con mãnh hổ.
Người này đầy máu, sức đã sắp đuối, trong khi hổ hung hăng tấn công ráo riết. Không cần suy nghĩ, Bùi Thị Xuân hét lên một tiếng rồi rút song kiếm xông vào đánh hổ cứu người. Sau một hồi quần thảo, bị bà chém trúng, con hổ chạy trốn vào rừng sâu.
Sau khi đánh đuổi được hổ dữ, bà quay lại băng cứu vết thương cho tráng sĩ. Hỏi tên thì biết đó là Trần Quang Diệu, người huyện Hoài Ân, vốn là đệ tử của võ sư Diệp Đình Tòng. Trần Quang Diệu trên đường tìm đến nghĩa quân của Nguyễn Nhạc, không may gặp hổ dữ. Nếu không gặp Bùi Thị Xuân, ông có thể đã bỏ mạng.
Cảm phục ý chí của chàng trai trẻ, Bùi Thị Xuân đưa Trần Quang Diệu đến gia nhập nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Nhạc. Sau này, cũng chính nhờ sự mai mối của Nguyễn Nhạc, hai người đã nên duyên, trở thành vợ chồng.
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là cặp vợ chồng võ tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử nước ta. Cả hai là trụ cột, khai quốc công thần của nhà Tây Sơn. Sau này, Bùi Thị Xuân được phong làm đô đốc, chỉ huy đội tượng binh, còn Trần Quang Diệu làm đến chức thái phó.
Cả 2 vợ chồng bà đã góp công lớn, giúp vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm (năm 1785) và quân Thanh (năm 1789).
Về sau, khi vua Quang Trung qua đời, bà và chồng tiếp tục phò tá vua Cảnh Thịnh cho đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, cả gia đình bà đều hy sinh.