Hiện cô có 2 cơ sở sản xuất, một trụ sở chính tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và một cơ sở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi năm, cô thu 12 tỷ đồng từ sản xuất đông trùng hạ thảo, đồng thời cung cấp nguồn thuốc quý cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Kỳ công chinh phục
Năm 2003, Hồng tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Lúc này, cô đi làm công cho một người chuyên nghiên cứu về các loại nấm.
Từ đây, cô bắt đầu đọc những tài liệu về nấm linh chi. “Một lần tôi vô tình tìm được một bài báo bằng tiếng Anh, liên quan đến đông trùng hạ thảo, loại cordyceps militaris. Tôi cảm thấy đề tài này quá hay. Khi đó ở Việt Nam chưa ai làm thành công nên đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo” - Hồng tâm sự.
“Theo nghiên cứu và thẩm định, lượng cordyceps militaris (chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo) trong đông trùng hạ thảo của chị Hồng chiếm 70% so với lượng cordyceps militaris nguồn Tây Tạng. Nhưng lại cao hơn rất nhiều so với loại của nước khác, như tỷ lệ lượng cordyceps militaris trong đông trùng hạ thảo của Trung Quốc nói chung là 1,8 và Thái Lan là 2,1, sản phẩm của Hồng là 6,7”.
GS.TS Phạm Văn Ky, nguyên Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội
Từ lọ giống này, cô nghiên cứu, tạo ra hợp chất có cấu tạo giống hệt loài nhộng tằm mà đông trùng hạ thảo thường ký sinh ngoài tự nhiên.
Nguyễn Thị Hồng, người bỏ ra gần 10 năm nghiên cứu và trở thành người đầu tiên tại Việt Nam nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo cordyceps militaris. |
Hồng kể, để có không gian nuôi cấy đông trùng hạ thảo, cô phải bán mảnh đất mặt đường để vào trong làng mở xưởng. “Mọi người bảo tôi là đầu óc có vấn đề. Người ta muốn ra mặt đường ở, còn mình lại chui vào trong làng” - Hồng nói.
Sau 3 năm nghiên cứu nguồn giống, năm 2012, Hồng bắt đầu nuôi cấy với quy môn lớn nhưng liên tiếp gặp phải rủi ro. Khi đông trùng hạ thảo mọc ra được 1 cm thì bị một loại côn trùng khác ký sinh trong lọ cắn chết chỉ sau một, hai đêm.
5.000 lọ đông trùng hạ thảo mất trắng, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Cuối 2012, cô tiếp tục nuôi hơn một vạn lọ, nhưng vẫn thất bại, thiệt hại hơn 600 triệu đồng.
Hồng nhớ lại: “Hơn một vạn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng và cả căn phòng bốc mùi khủng khiếp không ai muốn vào dọn. Lúc ấy, tôi phải dùng tới 7 khẩu trang, quần áo bảo hộ cẩn thận để vào dọn dẹp”.
Không buông xuôi, Hồng không nuôi cấy nữa mà tập trung nghiên cứu nguyên nhân. “Tôi bắt đầu nghiên cứu từ nguồn giống, kiểm tra nguyên liệu (nguồn gạo, nước). Khi đó, anh Tuấn Anh (đồng nghiệp cùng nghiên cứu) phải sang Trung Quốc, Hàn Quốc để nhờ các chuyên gia phân tích nguyên nhân. Mỗi lần đi như vậy mất khá nhiều tiền” - Hồng cho biết.
Không nản chí, Hồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư nghiên cứu và đi học lớp bồi dưỡng kiến thức. “Năm 2013, tôi tính bài toán mở rộng, tiếp tục làm thử 20 lọ chẳng sao nhưng khi làm càng nhiều lại càng hỏng” - cô nói.
Sau nghiên cứu, cô phát hiện giống đông trùng hạ thảo mua từ Tây Tạng đã bị thoái hóa. Từ nguồn giống 5 triệu, cô đánh liều chuyển sang nguồn giống 50 triệu. Cùng với việc tạo ra một môi trường nhân tạo như ánh sáng phải điều chỉnh từ đèn điện, dùng máy phun nước để tạo độ ẩm, dùng điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ. Ngay sau đó, mẻ đông trùng hạ thảo đầu tiên đã thành công.
“Niềm vui vỡ òa như đón một đứa con đầu lòng ra đời” - Hồng chia sẻ.
Dù nuôi cấy thành công, nhưng không một ai tin sản phẩm của cô là đông trùng hạ thảo thật. Hồng phải mang sản phẩm cho một số đối tượng uống hoàn toàn miễn phí trong 2 năm.
Trở thành tỷ phú
Sau mỗi mẻ thu hoạch, Hồng đều phải mang sản phẩm đến Viện Thực phẩm chức năng để thẩm định chất lượng. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của cô xuất xưởng đông trùng hạ thảo 1 tấn loại tươi, 2 tạ dạng khô và 1,5 tấn dạng bột sinh khối. Sản phẩm còn được gửi sang các nước Nhật Bản, Singapore, Đức.
Từ năm 2014, cơ sở của cô bắt đầu bán giống đông trùng hạ thảo cho những người có ý định nuôi cấy. Hiện cô bảo tồn, lưu giữ được nguồn gen giống gốc đông trùng hạ thảo cordyceps militaris như chủng cordyceps sinensis; chủng cordyceps militaris loại Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.
Đến nay, dự án đang được chuyển giao mở rộng việc nhân nuôi sản phẩm này trên một số tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Mộc Châu (Sơn La). Riêng Đà Lạt, Hồng chọn là nơi sản xuất đại trà quy mô công nghiệp.
“Đông trùng hạ thảo là loại nấm dược liệu quý hiếm nhất, có hơn 600 loài khác nhau, trong đó có hai loài chứa các hoạt chất sinh học quý là cordyceps sinensis và cordyceps militaris. Nếu như đông trùng hạ thảo hàng chính hãng 100% của Tây Tạng bán với giá 1,8 tỷ đồng mỗi kg thì đông trùng hạ thảo loại cordyceps militaris của chị Hồng bán với giá bằng 1/10, tức là 180 triệu đồng một kg” - anh Phạm Tuấn Anh, người đồng hành cùng Hồng cho biết.
Do nhu cầu cao nên loài này bị khai thác gần như cạn kiệt. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới nỗ lực tìm cách nuôi nhân tạo loại này nhưng đến nay chưa có công bố nào nhân nuôi thành công.