Ishita Malaviya (29 tuổi, đến từ Mumbai) bất chấp sự phản đối của cha mẹ và những người xung quanh để trở thành nữ VĐV lướt sóng đầu tiên ở Ấn Độ.
Hiện cô đang điều hành câu lạc bộ lướt sóng Shaka Surf và một khu trại có tên Namaloha ở ven biển Karnataka, Ấn Độ. Ngoài ra, cô còn là đại sứ hình ảnh cho thương hiệu thời trang lướt sóng Roxy.
Ishita Malaviya trở thành cảm hứng cho nhiều phụ nữ Ấn Độ. |
Trước nạn phân biệt giới tính ở Ấn Độ, các cô gái không có quá nhiều đặc quyền cho mình cũng như không được bảo vệ một cách chính thống. Việc một cô gái mặc bikini và lướt sóng giữa biển là hình ảnh kỳ quặc, xa lạ với người dân Ấn Độ.
Hành trình của Malaviya đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ ở Ấn Độ - những người đang là nạn nhân của sự phân biệt giới tính - dám đấu tranh và thực hiện ước mơ của mình.
Từ sinh viên báo chí đến VĐV lướt sóng
Ishita Malaviya bắt đầu niềm đam mê lướt sóng từ năm 2007 khi được truyền cảm hứng từ một sinh viên trao đổi người Đức. Khi đó cô là sinh viên ngành báo chí tại trường đại học Manipal.
Năm 2011, khi nhận ra bộ môn thể thao này được quá ít người biết đến ở Ấn Độ nên Malaviya đã cùng bạn trai của mình thành lập một CLB lướt sóng có tên Shaka Surf.
Tại thời điểm đó, CLB của cô là một trong những tổ chức đầu tiên về lướt sóng ở Ấn Độ.
CLB Shaka Surf hoạt động chủ yếu làng Kodi Bengre - bên bờ biển Konkan - nơi sinh sống của nhiều người ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản.
9X thành lập CLB lướt sóng để chia sẻ niềm đam mê về bộ môn này. |
Dù là một làng chài nhưng nhiều ngư dân và trẻ em đều không biết bơi. Vì thế, Malaviya đã mang bộ môn lướt sóng đến Kodi Bengre với mong muốn giúp trẻ em và người dân ở đây nâng cao kỹ năng sinh tồn khi sống gần biển.
Ban đầu, nhiều người dân e ngại việc cho con em mình tiếp xúc với một bộ môn thể thao mới lạ và có chút nguy hiểm. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực vận động, một số phụ huynh cũng đồng ý cho con cái theo Malaviya học bơi lội và lướt sóng.
Tuy khác biệt về ngôn ngữ do người dân ở dây nói tiếng Kannada nhưng Malaviya và bọn trẻ đều cố gắng hiểu nhau bằng tiếng Anh kết hợp với ngôn ngữ hình thể.
Bên cạnh sự khó khăn trong việc truyền tải bộ môn lướt sóng đến người dân, Malaviya cũng gặp nhiều hạn chế như nguồn lực kinh tế ít ỏi, sự phản đối của gia đình và người thân.
Cô phải bán lại máy may vá và máy tập thể dục của mình để đủ tiền mua lại những tấm ván đã qua sử dụng. Sau đó, cô cùng bạn trai kinh doanh giày thể thao để có thêm chi phí.
Trải qua nhiều năm thành lập, Shaka Surf đã tạo ra một cộng đồng để chia sẻ niềm đam mê lướt sóng và gắn kết với nhau thông qua bộ môn này.
Ngoài lướt sóng, những người tham gia còn được trải nghiệm các bộ môn khác như breakdancing, trượt ván, yoga và môn võ thuật Capoeira. Malaviya cũng thường tổ chức các buổi workshop về thể thao, kỹ năng sinh tồn tại trường địa phương.
“Khi chúng tôi mới bắt đầu, mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi bị mất trí và đang lãng phí thời gian của mình trong sự say mê bãi biển”, Malaviya chia sẻ.
Giúp đỡ trẻ em nghèo và thay đổi cái nhìn tiêu cực phụ nữ lướt sóng
Vì hạn chế về cơ sở vật chất, những trẻ em ở vùng ven thường ít được tiếp cận với giáo dục và được dạy những kiến thức sinh tồn cho bản thân. Điều đó dẫn đến những đứa trẻ ở đây thường mang tâm lý tự ti so với bạn bè đồng trang lứa được sống ở thành phố.
“Bọn trẻ có một chút mặc cảm, tự ti và nghĩ rằng chúng đã bị nguyền rủa khi được sinh ra ở gần biển thay vì một thành phố lớn. Nhưng tôi muốn bọn trẻ biết rằng nơi chúng sinh ra nguyên sơ và xinh đẹp như thế nào.
Bên cạnh đó, bọn trẻ cũng phải biết tôn trọng nơi mình sinh ra và tự hào về nó. Tôi muốn cùng bọn trẻ vượt qua bất kỳ sự phân chia giai cấp nào đang diễn ra và biến ngôi làng của chúng thành nơi tuyệt vời nhất”, 9X bày tỏ.
Ngoài những giờ luyện tập, cô cùng các học trò của mình hỗ trợ chính quyền địa phương dọn dẹp rác trên bãi biển, xây dựng nhà vệ sinh, kêu gọi các tình nguyện viên cùng sơn sửa trường học và giúp nhà trường thoát khỏi cảnh bị đóng cửa do tỷ lệ nhập học thấp.
CLB của cô cũng gây quỹ để giúp đỡ một số trẻ em gặp khó khăn về tài chính có thể đến trường.
Ishita Malaviya biến lướt sóng thành nơi kết nối những người yêu thể thao với nhau. Ảnh: Lomography. |
“Trước đây, có nhiều đoàn sinh viên thành phố về đây cắm trại, sau khi rời đi thì họ để lại rác của mình. Những đứa trẻ trong làng lúc đó không đủ tự tin để yêu cầu họ dọn dẹp. Sự thay đổi lớn nhất tôi kể từ khi tôi dạy những đứa trẻ này là giờ chúng đã có đủ tự tin để yêu cầu những người này phải dọn dẹp rác của mình trước khi rời đi”, 9X kể.
Bên cạnh đó, cô còn mong muốn quảng bá bãi biển Konkan trở thành địa điểm lướt sóng nổi tiếng trên thế giới. “Chúng tôi chào đón mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và bất kỳ quốc gia nào đến với chúng tôi”, nữ VĐV lướt sóng cho biết.
Năm 2014, một bộ phim tài liệu về lướt sóng có tên “Beyond The Surface” được thực hiện dựa trên cuộc đời của Malaviya và những nữ vận động viên lướt sóng khác. Bộ phim này đã góp phần kêu gọi sự bình đẳng nam nữ ở Ấn Độ.
Malaviya kêu gọi bình đẳng cho nữ giới thông qua lướt sóng. |
Nhờ những đóng góp của cô trong việc thay đổi cái nhìn tiêu cực về bộ môn lướt sóng, Malaviya trở thành một trong những phụ nữ Ấn Độ được vinh danh trong 30 Under 30 châu Á năm 2019 ở hạng mục giải trí và thể thao.
“Lướt sóng là một điều tích cực, nó vượt qua mọi giai cấp và giới tính. Ngay cả những đứa trẻ của khác tôn giáo chưa bao giờ chơi cùng nhau, bây giờ đã có một sân chơi chung. Nó khiến nhiều người kết nối với thiên nhiên và tôi đánh giá cao điều đó”, cô gái Ấn Độ chia sẻ.