Nửa đêm, hàng trăm người xếp hàng đưa con đi xét nghiệm sán lợn
Thứ ba, 19/3/2019 07:04 (GMT+7)
07:04 19/3/2019
Hàng trăm phụ huynh đưa con em đi xét nghiệm sán lợn từ 1-2h tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) sáng 19/3.
Người dân từ các xã thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) thuê ôtô đi từ nhà lúc 1h sáng để đến viện xếp hàng lấy số khám bệnh cho con với mức phí từ 400.000 đồng đến một triệu đồng.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) đã chuẩn bị hội trường khám bệnh phục vụ nhu cầu khám bệnh của hàng trăm người ngay trong đêm.
Phụ huynh xếp hàng chờ đến lượt lấy số thứ tự.
Thời tiết Hà Nội sáng sớm ngày 19/3 có mưa phùn, nhiệt độ khoảng 18 độ C.
Những gia đình khác chỉ có bố hoặc mẹ đưa con đi, trẻ em phải đứng đợi cùng.
Một người có nhiệm vụ lấy thông tin cho nhiều trẻ khác để giảm thiểu việc phải xếp hàng đợi.
Ông Nguyễn Hợp Hòa (bảo vệ) cho biết: "Chưa bao giờ ở viện xảy ra tình trạng như thế này, mọi người đến từ 2h, chúng tôi phải viết số rồi hướng dẫn vào nơi khám bệnh. Trời mưa như thế này chỉ khổ các cháu".
Trẻ em mệt mỏi khi phải dậy sớm chờ đợi cùng bố mẹ.
Anh Vũ Khắc Quý (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) may mắn lấy được số 1: "Tôi có người nhà nằm viện này nên 9h tối hôm qua đã nhờ đi lấy số rồi".
Các gia đình mang đầy đủ đồ dùng cá nhân để chăm sóc con cái.
Đến 4h30, trước cửa phòng khám chật kín người, số trẻ đã lên đến 200 cháu.
Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Á Nữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành) cho biết: "Ở làng tôi ai cũng lo lắng, sốt sắng cho cháu đi khám bệnh. Tôi cũng đọc đủ thông tin trên mạng, báo chí và tham khảo nhiều người nên hôm nay quyết định đưa cháu đi".
"Hôm nay cũng có đoàn về chỗ tôi khám bệnh nhưng quả thực chúng tôi mất lòng tin rồi, giờ không biết tin vào ai nữa, không biết họ về khám có trả đúng kết quả không", chị Hoa chia sẻ.
Do vợ say xe nên một mình anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) đưa con đi làm xét nghiệm. "Cũng có tuyên truyền rằng bệnh này không nguy hiểm nhưng thực sự tôi không biết cháu đang mắc bệnh ở mức độ như thế nào để có hướng điều trị", anh chia sẻ.
"Nhà tôi hiếm muộn mãi mới có cháu, con nhà hàng xóm đi khám sán, hôm nay phải nhập viện. Tôi lo lắm", chị Hà Thị Phương (xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành) thở dài.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết kết quả dương tính chỉ cho thấy trẻ từng nhiễm sán lợn, đang có kháng thể để chống lại ký sinh trùng chứ không khẳng định trẻ đang có sán lợn trong người.
Các phụ huynh có mặt tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đều không khỏi lo lắng, điều họ muốn biết nhất là con mình có mắc bệnh hay không và ở mức độ nào để có hướng giải quyết, điều trị.
Trường hợp dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm để xác định nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.
Đối với người nhiễm sán trưởng thành, việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán.
Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở não, cơ. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày.
Chính quyền huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, ra quyết định đình chỉ một số cán bộ của trường mầm non Thanh Khương, liên quan vụ nhiều trẻ em bị nhiễm sán lợn.
Chuyện gì đã xảy ra trong một tháng sau khi hình ảnh đầu tiên về bữa ăn với món thịt "đầy những đốm trắng" của học sinh mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được phát hiện?
Hàng trăm trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, bị nhiễm sán lợn. Tuy nhiên, công ty Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho hơn 20 trường - vẫn khẳng định thịt đảm bảo an toàn vệ sinh.