Tín là học sinh Trường THPT Trần Văn Dư, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
“Đã lâu rồi trường quê mới có học trò đạt điểm cao như thế. Người quê ai cũng nức lòng cả” - thầy Võ Quang Tư, giáo viên chủ nhiệm của Tín, sung sướng nói về cậu học trò cưng của mình. Số điểm Tín đạt được là môn Toán 8,75 điểm; Lý và Hóa đều 9,5 điểm.
Nguyễn Trọng Tín. |
Lưng cha là bệ phóng
Gia đình Tín ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, trong nhà chỉ có hai mẹ con. Tại công trường cách nhà không xa, ông Nguyễn Hoàng (cha Tín) đang hì hục xúc từng xẻng ximăng đắp nền cho khu tái định cư đường cao tốc. “Con điểm cao cha mẹ nào không vui nhưng lo lắm, bao nhiêu là thứ tiền” - ông Hoàng nói rồi đưa tay quệt mồ hôi giữa cái nắng oi bức.
Tin Tín được điểm cao “chót vót” khiến nhiều người bất ngờ. 13 năm Tín đến trường trên lưng cha là 13 năm vai ông Hoàng như còng đi chút đỉnh vì ham công tiếc việc, là đôi mắt bà Võ Thị Thìn như mờ hơn vì thổi củi lò tráng bánh.
“Sinh ra sáu tháng thì phát hiện con bệnh, vợ chồng tôi chết điếng mang con đi chạy chữa khắp nơi, cả Hàn Quốc cũng tới rồi. Đến tuổi đi học cũng không dám cho đi nhưng vì cháu ham học quá mình thấy tội. Ai ngờ năm nào cũng mang về giấy khen, họp phụ huynh cũng mát lòng. Mới rứa mà đã 13 năm rồi” - bà Thìn kể.
Căn bệnh xương thủy tinh đã không cho Tín thời gian yên ổn để học tập. Ngày còn nhỏ xương Tín gãy liên tục. Cứ mỗi lần như thế hai cha con phải bỏ huyện ra phố để bó bột.
“Gia đình tôi làm nông đầu tắt mặt tối nhưng cũng không dám để con bỏ học buổi nào. Nhưng mà bệnh này nó khó, cứ đụng là gãy. Cứ gãy đâu bó đó chứ chẳng ai dám nắn lại vì sợ... gãy thêm. Hè tới, bạn học nghỉ ngơi thì cháu phải đi viện điều trị. Những lúc cháu đau đớn lòng tôi cũng đau như cắt nhưng không dám khóc vì sợ cháu bỏ cuộc” - ông Hoàng chỉ vào những vết mổ trên chân Tín kể.
Vào năm lớp 8, một tổ chức quốc tế đã đưa Tín đi Hàn Quốc chữa trị và nẹp xương hơn ba tháng, từ đó đến nay căn bệnh mới tạm yên để cậu học hành.
Để con đủ sức bước vào “ngưỡng cửa cuộc đời”, ông Nguyễn Hoàng lo từng giọt sữa, từng cái khăn lạnh để con yên tâm ôn thi. “Mười mấy năm ni có mưa gió kiểu chi ông cũng cõng con đi học. Hễ trường cho nghỉ ông mới nghỉ chứ trường còn cho học là lớp học không vắng bước chân ông” - một người hàng xóm kể.
“Chọn trường phù hợp chứ không phải vì tiếng”
19 tuổi, cậu học sinh này chỉ nặng chưa đầy 30 kg, đôi chân khẳng khiu chi chít vết mổ nhưng luôn nở nụ cười tươi. Tín bảo đã có những lúc thật sự khó khăn muốn bỏ học vì không chịu nổi bệnh tật. Những lần như thế giọt mồ hôi của cha như nhắc nhở em không được gục ngã.
Trong căn nhà cấp bốn, phòng sạch sẽ nhất được bố trí cho Tín để tiện việc học hành. Vợ chồng ông Hoàng, bà Thìn ngăn gian phòng rộng chừng 6 m2 gần nhà bếp đủ đặt một chiếc giường làm nơi ngủ nghỉ cho mình.
“Nhiều khi mình ngồi trong mát nhưng cha mẹ phải đội nắng đi làm em thấy mình thật vô dụng và bất lực. Em chỉ còn cách học. Lao vào học, phải học tiếp để những buổi đội mưa đưa em đến trường của ba không vô nghĩa” - Tín tâm sự.
Tín luôn duy trì thành tích học lực khá, giỏi suốt 12 năm học, đặc biệt học lực các môn tự nhiên của Tín luôn ở mức trên 8. Đạt được số điểm cao có thể vào bất cứ ngôi trường nào mơ ước, nhưng Tín bảo không chọn vì danh tiếng của trường mà chọn vì phù hợp với bản thân. Tín chọn đăng ký vào ĐH Công nghệ thông tin TP HCM.
“Nhiều người cũng nói điểm cao sao em không nộp vào trường nổi tiếng như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên. Em nghiên cứu rồi, điểm của em vào Trường ĐH Công nghệ thông tin sẽ được vô thẳng lớp tài năng, ngoài ra còn có một số chế độ miễn giảm học phí nữa. Hơn nữa có nhiều chuyên ngành phù hợp với thể chất em hơn” - Tín cho biết lý do.
Để chuẩn bị hành trang cho con vào ĐH, vợ chồng ông Hoàng, bà Thìn đã tính toán một người ở quê, một người vào TP HCM vừa làm vừa nuôi con.
Trường quê vui như hội
Thầy Võ Quang Tư, giáo viên chủ nhiệm của Tín, cho biết với thành tích này Tín là thủ khoa trường, cũng là người có số điểm khối A cao nhất toàn trường từ trước đến nay.
“Kết quả của Tín là minh chứng cho ý chí bởi hoàn cảnh của em không thể đi học thêm mà chủ yếu là tự mày mò. Không để bệnh tật hạn chế mình, Tín không những tự học cho bản thân mà còn lên mạng tìm những kiểu bài tập mới để bày vẽ cho bạn. Thành tích này đã phản ánh xứng đáng nỗ lực của em” - thầy Tư nói.