Tan tành giấc mơ hạnh phúc
Phạm nhân Phạm Thị Cường (52 tuổi, ở Lục Nam, Bắc Giang) bắt đầu câu chuyện với những tiếng nấc nghẹn ngào.
Thụ án tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) được hơn một năm, ngần ấy thời gian phạm nhân này phải sống trong day dứt, ân hận. "Tôi sợ mình hóa điên mất", nữ phạm nhân chia sẻ.
Cách đây hơn một năm, khi ấy, bà Cường đang có cuộc sống êm ấm với người chồng đã gắn bó hơn 30 năm. Theo lời kể của bà Cường, chồng vốn là người có học, ăn nói dễ nghe, hiền lành tốt bụng. Cái chết đột ngột của chồng bà khiến người thân, làng xóm ai cũng tiếc thương.
Phạm nhân Phạm Thị Cường. |
Chôn cất chồng xong xuôi, bà Cường gọi 4 người con lại để cho các con biết sự thật về cái chết của bố. 4 người con (trong đó 2 người đã lập gia đình) không thể tin nổi chính mẹ là người sát hại cha.
Sau khi thú nhận tội lỗi với các con, bà Cường ra công an đầu thú.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, tối ngày 18/3/2013, vợ chồng bà Cường bàn bạc thống nhất hôm sau sẽ cùng đi dự họp hội đồng niên.
5h sáng hôm sau, ông Đặng Bá Tơ (57 tuổi) thức dậy nói với vợ: "Mẹ mày cứ xuống trước đi, tao nấu xong rượu thì đi". Nghe chồng nói vậy, bà Cường đáp: "Bây giờ muộn rồi, nếu nấu rượu thì phải mất mấy tiếng mới xong, để chiều về em nấu".
Ông Tơ không đồng ý, nhất mực đòi ở nhà nấu nốt nồi rượu. Lời ra tiếng vào, hai vợ chồng bà Cường bắt đầu không kiềm chế được lời nói.
Trong lúc bà Cường dụi thanh củi cháy dở để tắt bếp, ông Tơ cố nhét thanh củi vào bếp để tiếp tục nấu rượu. Sau một hồi giằng như vậy, bà Cường "nổi điên" rút thanh củi đánh vào đầu chồng.
Bị vợ đánh, ông Tơ ngã dúi xuống đất. Ông nói: "Con mẹ này mày đánh tao à?". Khi ông Tơ đang loạng choạng đứng dậy thì bị vợ tiếp tục cầm đoạn củi đập vào đầu, khiến ông ngã nghiêng vào bếp lò.
Ngã xuống đất, ông Tơ gọi con: "Trung ơi cứu bố với". Nghe tiếng bố kêu cứu, con trai ông Tơ chạy xuống đưa bố đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết sau đó. Chồng tử vong, bà Cường nói dối mọi người ông Tơ bị ngã.
Đưa ma chồng, bà Cường khóc như mưa. Sau khi gọi các con đến nói cho biết sự thật, 11h30 cùng ngày, bà đi đầu thú và bị công an tạm giữ ngay sau đó.
Sau song sắt nhà tạm giam, bà Cường không thể ngủ được. Những giấc ngủ chập chờn, bà mơ thấy chồng. Trong giấc mơ, 2 vợ chồng bà lại tình cảm như xưa. Tỉnh giấc, xung quanh chỉ có 4 bức tường phòng giam lạnh ngắt, bà gào khóc gọi tên chồng, xin ông tha thứ.
Trong nước mắt, bà Cường tâm sự: "Tôi đau lòng lắm, ân hận không hết. Các con không một lời trách móc gì lại càng khiến tôi day dứt nhiều hơn. Giờ đây, nhiều lúc tôi vẫn tự cấu chân tay mình, để xem đây có phải là sự thật. Vợ chồng đang đầm ấm như thế, bỗng chốc giấc mơ hạnh phúc vụt tắt...".
Nước mắt khổ đau
Mỗi lần được gọi điện về nhà hỏi thăm gia đình, bà Cường chỉ ôm điện thoại, mọi lời nói ứ nghẹn nơi cổ họng, nước mắt chan chứa. Bà không thể thốt nên lời nào, dù có muôn vàn lời muốn nói với các con.
Được cán bộ trại giam Ngọc Lý động viên, bà Cường viết thư xin lỗi gửi về cho anh trai chồng.
Trong thư, nữ phạm nhân này viết: "... Đêm nay, tất cả mọi người lại chìm trong giấc ngủ ngon lành, chỉ còn lại một mình em lẻ loi phiêu hồn sau song sắt, nỗi nhớ nhà lại tràn ngập trong tim em.
Em không cách nào ngăn nổi dòng nước mắt. Vì tất cả tội lỗi mà em gây ra để lại vô vàn nỗi đau cho anh chị và các con tội nghiệp của em.
... Mỗi khi em thấy các cháu lên thăm gặp, em rất mừng vì được gặp con, ngắm những đứa con đang khao khát tình thương người mẹ- người đã để lại nỗi đau cho chúng, mà rằng con em không hề một lời trách móc, em càng ân hận mà trách bản thân mình hơn.
Nếu như mình là một người mẹ tốt, biết nhẫn nhịn, biết kiềm chế thì con mình đâu phải chịu khổ...
Chính bản thân em đã gây nên cái chết cho chồng em, người đã từng má ấp, môi kề, dẫn đến cảnh gia đình anh mất em, con mất bố, mà vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được...".