Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắt đêm giao thừa sau song sắt và ước nguyện đầu năm

Trong những ngày tết, hình ảnh thường xuyên bắt gặp nhất ở trung tâm là các học viên ngồi sau song sắt cửa sổ và ngóng trông về một nơi xa xăm, hoài niệm những kỷ niệm xưa cũ.

Xuân về, từ khắp mọi miền đất nước, người người nô nức về thăm quê, thăm gia đình. Thế nhưng, đó cũng chính là khoảng thời gian khắc khoải, đau đớn nhất trong năm của những học viên cai nghiện. Không chỉ nỗi đau thể xác khi cơn khát thuốc hành hạ, nỗi nhớ nhà và niềm day dứt về quá khứ lầm đường lỡ bước đã khiến họ đau đáu khôn nguôi.

Ăn tết sau song sắt

Chiều xuân, từng cơn gió miên man thổi qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Hòa cùng trong không khí sôi động của ngày tết, chúng tôi đến thăm trung tâm Chữa bệnh – giáo dục – lao động – xã hội tỉnh Bình Phước (gọi tắt là trung tâm).

Khác với mọi ngày, toàn thể học viên và cán bộ nơi đây đang sôi nổi chuẩn bị chào đón năm mới với nhưng chương trình văn nghệ, cuộc thi nấu bánh chưng, bánh tét, với sự giúp sức của sinh viên tình nguyện. 

Các học viên trung tâm sôi nổi chuẩn bị chào đón năm mới với nhưng chương trình văn nghệ, cuộc thi nấu bánh chưng, bánh tét

Ông Nguyễn Văn Nhãn (Giám đốc Trung tâm) chia sẻ: “Từ năm 2008 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 613 học viên và có 350 trường hợp được tái hòa nhập cộng đồng. Để làm vơi đi nỗi nhớ nhà và sự buồn chán vì bị cách ly với xã hội của học vên, ban giám đốc trung tâm đã tập trung tổ chức các chương trình văn nghệ, giải trí và nhiều hoạt động ngoại khóa khác nhau. Đồng thời, các cán bộ của trung tâm đã phải thường trực tại trung tâm 24/24h để đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp lễ tết”.

Theo thông lệ, những ngày cuối năm, các học viên cai nghiện được phép gặp gỡ người thân, bạn bè đến thăm. Những món quà nho nhỏ, những lời an ủi động viên chính là liều thuốc tinh thần vô giá của họ trong dịp Tết đến xuân về.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được gia đình quan tâm, thương nhớ. Bởi lẽ, những lần tái nghiện tường xuyên như cơm bữa của những con nghiện lâu năm nơi đây đã mài mòn tình cảm, sự bao dung nơi họ.

Anh Nguyễn Văn H. (53 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), người lớn tuổi nhất và cũng có số lần tái nghiện nhiều nhất trung tâm tâm sự: “Gần 20 năm nay, tôi đã phí hoài tuổi trẻ của mình trong những chuỗi ngày cai nghiện và tái nghiện. Những lần đầu, vợ con và gia đình luôn an ủi, động viên tôi cố gắng từ bỏ ma túy. Nhưng, mọi người đều mất niềm tin và thất vọng về tôi. Giờ đây, ngay chính bản thân tôi cũng cảm thấy chán ghét và mệt mỏi với chính mình. Tết đến, tôi luôn bị dằn vặt bởi sự cô đơn, nỗi nhớ nhà và sự chán chường vô tận”.

Thấu hiểu nỗi lòng cay đắng và cảnh ngộ của những học viên cai nghiện, trung tâm đã cố gắng đem lại không khí tết bằng nhiều hoạt động khác nhau như tổ chức thi đua, giao lưu văn nghệ với các bạn sinh viên tình nguyện.

Bên cạnh đó, sinh viên tình nguyện còn tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, viết câu đối, hái lộc đầu năm... Tuy vậy, mọi hoạt động vui chơi đều phải chấm dứt trước đêm giao thừa để các bạn sinh viên về sum vầy bên gia đình, chào mừng một năm mới đến.

Trong những ngày tết, hình ảnh thường xuyên bắt gặp nhất ở trung tâm là các học viên ngồi sau song sắt cửa sổ và ngóng trông về một nơi xa xăm, hoài niệm những kỷ niệm xưa cũ. Đặc biệt, mỗi khi đêm về, sự hối hận, day dứt luôn dày vò tâm trí họ.

Đêm giao thừa, tất cả học viên ngồi tập trung trong phòng sinh hoạt chung xem chương trình bắn pháo hoa phát ra từ chiếc ti vi cũ kỹ. Tuy chỉ là những hình ảnh và âm thanh quen thuộc nhưng hầu hết học viên đều ngồi xem rất im lặng, trật tự. Không ai bảo ai, những giọt nước mặt nghẹn ngào lăn dài trên khuôn mặt họ.

Em Nguyễn Thị Minh T. (16 tuổi, ngụ tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), học viên nhỏ tuổi nhất trung tâm cho biết: “Trong đêm giao thừa, đa số mọi người đều khóc. Khóc mệt, mọi người ôm nhau để kể về gia đình, bạn bè và những kỷ niệm vui để quên đi nỗi buồn hiện tại. Những lúc như vậy, em thấy ăn năn và hối tiếc rất nhiều. Hy vọng rằng, em còn cơ hội để làm lại từ đầu khi tái hòa nhập”.

Với các học viên cai nghiện, những buổi chiều xuân là thời điểm khó khăn nhất trong ngày. Chiều đến, rất nhiều học viên đứng bám song sắt cửa sổ ngóng trông về phía cổng luôn đóng im ỉm của trung tâm. Bên ngoài cánh cổng đó là cuộc sống tốt đẹp đã bị chính họ hủy hoạt.

Chị P.T.T.H (33 tuổi, công nhân cạo mủ cao su, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) nghẹn ngào nhớ lại: “Ngày chưa vướng vào ma túy, tôi cùng thường cùng chồng và hai con đi xem bắn pháo bông, mua hoa, mua bánh kẹo tết. Giờ tôi vào đây, mấy bố con ở nhà không có người nấu nướng, dọn dẹp thì làm sáo có nổi một cái tết...”.

Xa xăm ngày về

Cùng bị hành hạ bởi trót lỡ dính “nàng tiên nâu”, anh Bùi Khanh T. (34 tuổi, tài xế xe tải, ngụ huyện Bến Cái, tỉnh Bình Dương) cho hay: “Tôi nghiện ma túy đã đến hơn bốn năm rồi, cũng nhiều lần quyết tâm từ bỏ ma túy nhưng không thành. Lần này, tôi tự nguyện đăng ký vào trung tâm, hy vọng sẽ không tái nghiện nữa. Lại một năm nữa ăn tết trong trung tâm, tôi nhớ vợ con da diết. Mong rằng, tết sang năm, tôi được sum họp bên gia đình, người thân”.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân của tình trạng tái nghiện ngày càng nghiêm trọng, chị Trương Thị Nhằn (cán bộ giáo dục tuyên truyền của trung tâm) cho biết: “Người nghiện ma túy, nếu đã quen dùng rất khó ngưng thuốc. Về tâm lý, người nghiện luôn có sự ham muốn, thèm khát sử dụng ma túy.

Còn về thể chất, nếu quen dùng mà ngưng lại, không sử dụng tiếp, sẽ bị các rối loạn, gây ra cơn vật vã dữ dội như bị tiêu chảy, ói mửa, đau nhức cơ xương, tim đập hỗn loạn... làm người nghiện đau đớn, khổ sở. Do vậy, việc học viên tái nghiện là chuyện vẫn thường gặp”.

Sau gần bảy năm công tác tại trung tâm, ông Nguyễn Văn Nhãn nhận định: “Muốn cai nghiện thành công, cần hội tụ đầy đủ nhiều điều kiện quan trọng như: Sự quyế tâm của bản thân người nghiện, sự quan tâm của gia đình, sự bao dung của xã hội, sự giáo dục tốt của trung tâm cai nghiện...

Trong các yếu tố đó, ý thức người nghiện là yếu tố quan trọng nhất. Theo quan sát của tôi, chỉ những học viên nào có quyết tâm, ý chí kiên định mới cai nghiện thành công. Do đó, gia đình người nghiện cần giúp họ có được quyết tâm, ý chí để từ bỏ mà túy”.

Bi đát hơn cả chính là trường hợp của những con nghiện đã bị nhiễm “H”. Đến khi phải đối mặt với tử thần ho mắc phai căn bệnh HIV/AIDS, họ mới tỉnh ngộ nhận ra những lầm lỗi của mình. Sự ra đi của họ chính là bài học cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn lưu luyến với “hạnh phúc ảo” do ma túy đem lại.

Anh N.V.L (35 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) trăng trối với những học viên cùng phòng trong nước mắt: “Nếu được làm lại từ đầu, tôi thà chết chứ không dám đụng đến ma túy. Giờ nếu tôi ra đi, để lại mẹ già và con nhỏ, không biết sau này họ sẽ sống ra sao. Có lẽ, đây là cái tết cuối cùng của một kẻ nhiều lầm lỗi như tôi. Hy vọng người thân của tôi có một năm mới an bình, hạnh phúc”.

Cùng hoàn cảnh như anh L., chị N.T.V (29 tuổi, ngụ huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) tâm sự: “Vẫn biết ma túy mang lại những hiểm họa khôn lường, nhưng tôi không thể làm chủ bản thân mỗi khi lên cơn nghiện.

Sau nhiều năm bị hành hạ thể xác bởi những cơn đau đớn do HIV/AIDS, tôi đã sẵn sàng chờ đợi... giải thoát. Tôi mong mọi người ở lại sang năm sẽ không ngồi đây ăn tết nữa, mà được về cùng gia đình, thân nhân để chào đón một năm mới an lành”.

http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/nuoc-mat-dem-giao-thua-sau-song-sat-va-uoc-nguyen-dau-nam-a19904.html#.UuusjPKPuKE

Theo Đời sống pháp luật

Bạn có thể quan tâm