Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắt mẹ và động lực gia đình của thủ khoa nổi tiếng

Khi căn bệnh ung thư cướp mất chồng và con trai cả, bà Thu đã phải làm đủ nghề để nuôi cậu con thứ Lê Đức Duẩn cho đến ngày đỗ thủ khoa đại học.

Kể nhiều về thành tích của con trai, bà Thu (mẹ thủ khoa Lê Đức Duẩn, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hiếm khi nhắc đến những tháng ngày vất vả nuôi con ăn học. Nhưng trong mắt của nam thủ khoa Đại học Dược Hà Nội nổi tiếng năm 2012, những giọt nước mắt đau khổ của mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã thôi thức Duẩn vươn lên chính mình.

Hôm nay, dù không thi nhưng vẫn đỗ Học viện Quân Y, do được Bộ trưởng Quốc phòng đặc cách, những hình ảnh về gia đình - động lực lớn nhất cuộc đời chàng trai nghèo ấy - lại ùa về. 

Thủ khoa không thi vẫn đỗ Học viện Quân y giờ ra sao?

Đỗ thủ khoa Đại học Dược, Lê Đức Duẩn được Bộ trưởng Quốc phòng đặc cách vào Học viện Quân y. Cậu học trò nghèo đã bước vào môi trường quân ngũ với ước mơ chữa bệnh cứu người.

Duẩn bảo, đã không thể trở thành thủ khoa nếu không có những giọt nước mắt của mẹ trong căn nhà xiêu vẹo thôi thúc. "Tôi hạnh phúc vì đã có gia đình là bệ phóng cho lòng quyết tâm trong học tập", nam sinh Học viện Quân Y nói.

Mẹ cũng là cha, là gia đình giúp chàng trai nghèo Lê Đức Duẩn đỗ thủ khoa đại học. Ảnh: Ngọc Tân.

Cũng giống nhiều hộ dân khác ở xã nghèo Phú Long, mẹ con Lê Đức Duẩn chỉ có căn nhà cấp 4 và vài sào ruộng. Ngày cha Duẩn mất vì bệnh ung thư, mọi gánh nặng trong gia đình đè cả lên đôi vai người mẹ. 

Người phụ nữ ấy dường như không còn nước mắt để khóc, khi những nỗi đau cứ nối nhau ập xuống nhà bà. Chưa thể tĩnh tâm trước sự ra đi của con trai cả, bà lại suy sụp khi chồng qua đời vì bệnh ung thư. Đau lắm, nhưng bà phải nén nó lại. Bởi, gia đình vốn đã nghèo sẽ ra sao, hai đứa con còn lại sẽ ra sao nếu bà buông xuôi, đầu hàng số phận.

Không có tiền mua thuốc chữa đau dạ dày, mỗi sáng, bà Thu giã một bát nghệ, chắt nước uống và ăn cả bã. Cơn đau tạm lắng xuống, bà lại đi cấy lúa ngoài đồng. Các con bà, gia đình bà trông mong cả vào người phụ nữ tần tảo.

Rồi cũng tiện lúc cấy lúa, bà bắt những con ốc bươu vàng ngoài đồng về làm thức ăn. Số tiền kiếm được đã bù hết vào học phí, nên bữa cơm của gia đình thường đơn sơ hết mức. Đó cũng là điều khiến bà Thu luôn day dứt. Đến khi đỗ thủ khoa đại học, Duẩn mới chỉ nặng 38kg.

Bên cạnh công việc đồng áng, bà Thu cũng chủ động tìm việc để kiếm thêm thu nhập. Cứ mỗi ngày bà về nhà, con trai lại hỏi mẹ đã kiếm được việc chưa. Sau nhiều cái lắc đầu với con, bà cũng tìm được việc làm tăm hương ở một xưởng sản xuất cách nhà 10 cây số. 

Hồi ấy là mùa đông, bà Thu dậy từ sáng sớm, đạp xe 10 cây số trong cái rét căm căm để đến chỗ làm. Người mẹ trở về nhà khi trời đã tối mịt. Mỗi ngày thu nhập 100.000 đồng, công việc vất vả, sau một thời gian ngắn, bà phải nghỉ việc vì không có tay nghề.

Nỗi lo lại hằn thêm trên những nếp nhăn của người mẹ nghèo khó...

Niềm động viên tinh thần lớn nhất với gia đình bà Thu có lẽ là những tấm bằng khen mà Duẩn mang về. Là học sinh vượt khó, giỏi toàn diện, mỗi năm học, Duần thường nhận được 4, 5 loại giấy khen khác nhau. Hai mẹ con một người miệt mài học, một người tần tảo làm, cả hai đều không có lấy một phút giây rảnh rỗi. Tất cả vì hai tiếng gia đình.

Tuy gia cảnh nghèo nhất làng, nhưng Duẩn lại là đứa con trai duy nhất trong làng học tiếp cấp 3 trong năm đó. Với chiếc xe đạp cà tàng đã rách lốp, bục yên, Duẩn cứ hàng ngày lóc cóc vượt 7 cây số đến trường. 

Luôn tin rằng học tập là con đường thoát nghèo bền vững nhất, mẹ Duẩn tiếp tục kiếm việc làm thêm để lo học phí cho con. Bà tìm được một công ty sản xuất hàng mây tre đan và quyết định nhận nguyên liệu của công ty về làm tại nhà. Bà thường xuyên phải xin ứng lương để kịp có tiền đóng học phí cho con. Sau đó, người mẹ tần tảo lại thức trắng đêm để làm kịp tiến độ đơn hàng.

Ngày học hết cấp 3, Duẩn ôn thi đại học trong tâm trạng "sợ đỗ", bởi biết gia đình không đủ tiền cho cậu học tiếp. Duẩn chỉ dám chia sẻ tâm tư này với người cô ruột. Khi câu chuyện đến tai mẹ, bà trực tiếp gặp con để động viên: "Nếu con thật sự quyết tâm, mẹ sẽ tìm mọi cách vay mượn cho con đi học".

Nhận những lời động viên của mẹ, Duẩn tự tin bước vào kỳ thi đại học với lượng kiến thực được tích lũy từ những cuốn sách giáo khoa cũ mèn. Cậu đã xuất sắc đỗ thủ khoa đầu vào Đại học Dược Hà Nội với 29 điểm, sau đó được đặc cách vào Học viện Quân y.

Kết thúc năm nhất đại học, Duẩn tiết kiệm được chút tiền mang về biếu mẹ. Chàng sinh viên biết nghĩ, tâm sự, "cuộc đời này, tôi phải sống tốt hơn để không phụ những giọt nước mắt của mẹ. Mẹ cũng là cha, là gia đình, là động lực cho tôi có được hôm nay".

Bùi Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm