Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước mắt nàng dâu xin lỗi mẹ chồng từ trại giam

Giọng buồn rầu, phạm nhân mang án chung thân chia sẻ mẹ chồng là bị hại đặc biệt nhất đối với chị ta. Bởi lẽ không chỉ mất tiền, bà còn phải mang điều tiếng vì có nàng dâu lừa đảo.

Cách đây hơn một năm, khi bước sang tuổi tứ tuần, Phạm Thị Vịnh (ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) phải vào trại giam Ngọc Lý để cải tạo với mức án chung thân.

Kể lại hoàn cảnh bị đẩy vào chốn lao tù, cựu giáo viên tiểu học tỏ ra ngậm ngùi. Vịnh chia sẻ, bản thân là công chức nhà nước, chồng là cán bộ chi nhánh điện lực của huyện. Năm 2006, sau khi vay mượn được một khoản tiền hai vợ chồng quyết định mua ôtô. Ban đầu là phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình, sau là kinh doanh. 

Sau 2 năm đi làm và chán với nghề, Vịnh bàn với chồng thành lập công ty TNHH kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi. Bị chồng gạt phăng ý định trên nhưng bản thân người phụ nữ đứng trên bục giảng vẫn ao ước được làm giàu.

Năm 2009, mặc dù còn đang nợ tiền nhưng Vịnh vẫn làm thủ tục xin thành lập công ty. Không am hiểu thị trường, công việc kinh doanh ngày càng khó khăn khiến nữ giáo viên phải vay tiền người này trả nợ người khác.

Khi khoản nợ gần 7,9 tỷ đồng cộng thêm 3 cây vàng không có khả năng trả, các bị hại đã phát đơn khởi kiện. Vịnh lĩnh án chung thân tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Cuộc sống của chúng tôi trong trại giam được quan tâm nhiều, nhưng trong tâm vẫn suy nghĩ, dằn vặt, day dứt không thoát ra được. Thấy mọi người vui cười cũng muốn lắm nhưng mình không thể", cựu giáo viên tiểu học nói. 

Phạm nhân Phạm Thị Vịnh ngậm ngùi bảo giờ mẹ chồng chị không chỉ mất tiền mà còn thêm trách nhiệm phải nuôi cháu. Ảnh: Đỗ Mến.

Nữ phạm nhân chia sẻ mỗi khi nghĩ đến trách nhiệm của bản thân không báo hiếu được cha mẹ, chăm sóc con cái đến nơi đến chốn khiến chị bật khóc. "Việc tôi làm sai thì phải sửa. Nhưng buồn nhất vẫn phải để người thân, đặc biệt là bố mẹ bận lòng về mình", Vịnh nói khi đôi mắt buồn nhìn xa xăm.

Nhắc đến lá thư được lọt vào vòng sơ kết cuộc thi Gửi lời xin lỗi của trại giam Ngọc Lý, nữ phạm nhân như được trải lòng thêm lần nữa. Chị kể thời điểm được cán bộ phổ biến, tuyên truyền viết thư gửi lời xin lỗi đến người thân hoặc bị hại chị đã đắn đo rất nhiều. Và cố gạt sự ái ngại, Vịnh đã chọn viết thư cho mẹ chồng mong bà bỏ qua mọi lỗi lầm để có thể yên tâm cải tạo.

Giọng ngậm ngùi, nữ phạm nhân nói, trong số 13 bị hại thì mẹ chồng chị là bị hại đặc biệt nhất. "Ngày bà thế chấp căn hộ một tỷ đồng cho tôi chi trả, bà đã coi như đánh canh bạc cuối cùng. Cả đời bố mẹ chồng tôi công tác chỉ giữ lại được căn nhà đó thôi", người mang án tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói.

Vịnh bảo ngày chị ta bị bắt, sổ đỏ căn hộ trên không lấy được, tiền trong ngân hàng chưa trả xong.

"Suốt mấy năm qua không lúc nào con vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, song con không biết phải nói với bố mẹ thế nào cho phải. Nếu nói, con đang rất thoải mái và vui vẻ thì không đúng với tâm trạng thực tại của con lúc này. Còn nếu nói ra những điều con đang suy nghĩ, e chỉ là những lời nói suông, sợ vô tình con lại làm bố mẹ phải thêm buồn. Con đành lòng yên lặng, nhưng sự yên lặng đó khiến con càng day dứt, càng dằn vặt mình hơn. Nó như có một khối đá khổng lồ đè nặng trong lòng con vậy.

Đã có nhiều đêm dài không ngủ, con thầm ước cho thời gian quay lại. Con được trở về như ngày xưa ấy. Ngày hai buổi đến trường rồi trở về chăm sóc gia đình với những bữa cơm đạm bạc nhưng sum vầy đầm ấm, được nghe những lời chỉ bảo của mẹ cha. Tiếc là điều đó đã không thể được nữa. 

Tỉnh mộng con chỉ còn biết nuốt những giọt nước mắt mặn đắng với nỗi ân hận đã quá muộn màng. Phải chi khi xưa con biết tự kiềm chế, kiểm soát được bản thân mình. Con biết đủ biết dừng thì con đâu có kết cục như ngày hôm nay. Con đã không chỉ đẩy cuộc đời mình vào vòng lao lý này mà còn làm cho bố mẹ phải lao đao, lận đận, làm cho gia đình, anh em phải khuynh gia bại sản, vợ chồng con cái phải chia xe.

Con khổ tâm lắm mẹ ạ. Chỉ vì con mà bố mẹ già cuối đời không được an lòng, con thơ phải ngẩn ngơ vì thiếu vắng mẹ, gia đình, người thân phải xấu hổ, phải thêm bận lòng. Mỗi lần được gặp các cháu, nghe tin ông bà đau yếu, lòng con vô cùng xót xa".

Trích đoạn trong lá thư gửi lời xin lỗi của phạm nhân Nguyễn Thị Vịnh.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm