Sáng 1/9 tại Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), anh Cao Việt Anh cởi bộ quần áo phạm nhân để khoác lên chiếc quần jean, áo phông trắng rồi tiến thẳng cổng trại giam - nơi có bố và người thân ngóng đợi.
Thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ
Tháng 8/2018, Cao Việt Anh bị cảnh sát bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố về tội cướp tài sản. Ở tuổi 21, đây là lần đầu tiên Cao Việt Anh phạm tội.
"Hôm đầu tiên bị bắt, em thật sự rất hoang mang, lo lắng và suốt thời gian dài sau đó em sống trong những ân hận", Việt Anh tâm sự về quá khứ lầm lỗi của bản thân. Tính đến ngày nhận được quyết định đặc xá, Cao Việt Anh đã chấp hành án tổng cộng 3 năm 8 tháng 25 ngày.
Cao Việt Anh trong ngày nhận quyết định đặc xá. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Chia sẻ về quãng thời gian cải tạo tại trại giam Vĩnh Quang, Cao Việt Anh cho biết anh gần như thay đổi hoàn toàn, sống có trách nhiệm và tự nhủ sẽ tu chí làm ăn sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian này, điều khiến anh tiếc nuối và đau khổ nhất là nhận tin mẹ anh mất vì bệnh nặng.
"Trước khi mẹ mất, tôi có một lần được mẹ vào thăm. Ngày đó mẹ khóc nhiều. Lúc đó, cảm xúc trong tôi rất khó tả, vì mẹ ốm nặng nên đó là lần cuối tôi được nhìn thấy mẹ", Việt Anh nghẹn ngào nói và cho biết việc đầu tiên khi về nhà là thắp nén hương lên bàn thờ mẹ anh.
Cao Việt Anh là một trong số 71 phạm nhân tại Trại giam Vĩnh Quang được Chủ tịch nước quyết định đặc xá năm 2022. Buổi lễ công bố quyết định được tổ chức sáng nay 1/9 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Đêm khó ngủ khi nghĩ về lần đầu được ôm con
Khó ngủ, trằn trọc là tâm trạng chung của đa số phạm nhân được đặc xá lần này. Để được đặc xá, các phạm nhân trải qua quá trình dài cố gắng cải tạo, học tập tại trại giam.
"Đêm qua trằn trọc, tỉnh giấc đến 3 lần, lần đầu là 1h15, lần hai là 2h19 và sau đó là 4h20", Ngô Đình Phong (33 tuổi, quê Hà Nội) kể về đêm trước ngày đặc xá.
Chấp hành án về tội tổ chức đánh bạc, anh Phong cho biết quá trình cải tạo tại Trại giam Vĩnh Quang anh đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực hơn. "Tôi biết, bản thân phải gạt đi cái tôi của mình, học cách sống đơn giản hơn và kiếm tiền chân chính dù cuộc sống còn nhiều khó khăn", anh Phong chia sẻ.
Rạng sáng nay, từ Lạng Sơn, vợ anh Phong bắt xe khách đến trại giam đón chồng. Đứng từ phía đối diện cổng trại giam, người vợ trẻ hồi hộp, rồi vỡ òa, ôm lấy chồng sau 3 năm, 2 tháng, 22 ngày xa cách.
Khoảnh khắc vui mừng đón người thân được đặc xá tại trại giam Vĩnh Quang. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Là cựu trung úy cảnh sát ma túy tại Hà Nội, năm 2018, anh Trịnh Đình Đạt (33 tuổi) bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản. Buổi sáng 1/9 với anh Đạt đặc biệt hơn sau 46 tháng cải tạo trại giam Vĩnh Quang.
"Cả đêm qua tôi mất ngủ, hồi hộp chờ giây phút nhận quyết định đặc xá. Bữa cơm sáng nay cũng rất khác lạ, tôi ăn trong sự hồi hộp, cảm giác trong lòng có gì đó nghẹn lại", anh Đạt tâm sự.
Chia sẻ về việc làm đầu tiên sau khi rời trại giam, anh Đạt cho biết sẽ chạy đến và ôm con gái vào lòng. "Con gái tôi chào đời lúc tôi đang chấp hành án, cháu là con đầu lòng nên tôi thật sự rất hồi hộp", anh Đạt tâm sự.
Tại buổi lễ công bố, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh gửi lời chúc mừng đến các cá nhân có quyết định đặc xá trong năm 2022 toàn quốc nói chung và 71 trường hợp tại Trại giam Vĩnh Quang.
Ông Phạm Bình Minh cho biết, với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã có hàng chục vạn phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Xét đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá và Chính phủ, ngày 30/8/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 978 đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và các phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Theo đó, đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2022.