Đâm vợ chết vì bị bạo hành
Đào Văn Phượng (48 tuổi, ngụ Đồng Nai) sinh ra đã không may mắn như người khác, bị chứng bệnh teo tay chân bẩm sinh. Cha mẹ Phượng đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng bệnh tình ngày càng nặng hơn, dẫn đến di chứng thần kinh không ổn định và 2 mắt bị mờ.
Nhà nghèo, lại bị tật nguyền nên không có cô gái nào dám yêu. Mãi đến năm 39 tuổi, Phượng quen biết và nảy sinh tình cảm với chị Nguyễn Thị Bé, người phụ nữ đã trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc và có 2 đứa con.
Ngay trong năm đó, Phượng và chị Bé kết hôn và chung sống tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai rồi sinh được 1 con chung. Do chồng bị tật nguyền, sức yếu nên mọi gánh nặng kinh tế, chăm lo con cái đổ dồn lên vai người vợ. Phượng cũng đỡ đần vợ phần nào bằng cách đi bán vé số nhưng không được bao nhiêu.
Thấy Phượng như vậy nên người vợ thường cư xử không đúng mực, mỗi khi phật ý hay tức giận điều gì, chị Bé lại chửi mắng, đánh đập chồng. Phượng rất tức giận nhưng vì sức yếu không thể phản kháng lại nên ông ta đành nín nhịn và lựa lời khuyên can vợ thay đổi tâm tính.
Phượng tại tòa phúc thẩm. |
Khoảng tháng 3/2014, vợ chồng Phượng mua chiếc xe đạp mới cho con đi học nên dư ra chiếc xe cũ. Thấy vậy, chị gái Bé là Nguyễn Thị Bế ngỏ ý xin lại xe cũ nhưng Phượng không chịu.
Thế nhưng chị Bé vẫn tự ý cho xe khiến 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc tức giận người vợ lớn tiếng chửi mắng và đánh đập chồng rồi dẫn 3 con ra thuê nhà trọ sống.
Rạng sáng 12/3, Phượng sang nhà trọ của Bé lấy sổ trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật mà chị này đang giữ và khuyên can, năn nỉ vợ quay về. Nhưng người vợ không đồng ý và tiếp tục đánh đập ông chồng tật nguyền.
Tức giận trước hành động thái quá của chị Bé, Phượng đi mua một con dao với ý định nếu tiếp tục bị vợ đánh sẽ chống trả.
Khoảng 6h45 cùng ngày, ông này gặp vợ đang ngồi trước tiệm điện thoại ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát nên đến ngồi kế bên nên bị chị Bé tát vào mặt. Người đàn ông này rút dao ra đâm nhiều nhát vào người vợ khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, hung thủ ra công an xã Suối Cát đầu thú.
Sau đó, Phượng bị TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt 12 năm tù về tội Giết người, ông ta làm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Nước mắt người chồng
Cuối năm 2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử. Trước vành móng ngựa, Phượng thừa nhận mọi tội ác như trong bản án và nói rằng thường xuyên bị vợ bạo hành nên mới nảy sinh ý định mua dao về đánh trả.
"Sáng hôm đó, thấy Bé ngồi bán vé số một mình, bị cáo lại làm lành nhưng tiếp tục bị đánh. Bị cáo có nói 'vợ chồng về nhà nói chuyện chứ đừng đánh ở đây, người ta thấy hết thì xấu chàng hổ ai'. Nhưng Bé không nghe mà còn xông đến nên bị cáo mới rút dao ra....", ông này khai.
"Chị Bé như vậy, sao bị cáo không ly hôn giải thoát cho nhau để rồi gây nên cơ sự như thế này", chủ tọa hỏi.
Giọng người đàn ông trung tuổi chợt nghẹn lại: "Thưa tòa, biết bị vợ đánh là nhục và bị mọi người chê cười. Nhưng xin tòa hiểu cho, bị cáo sinh ra đã ốm yếu, khiếm khuyết, khó khăn lắm mới lấy được vợ. Tuy Bé hay bắt nạt, nhưng bị cáo thường xuyên ốm đau, những lúc như thế chỉ có vợ ở bên ân cần chăm sóc...", nói đến đây Phượng òa khóc.
Phượng cho biết đã rất ân hận và khẩn thiết xin tòa giảm án để sớm được quay về chăm lo cho con nhỏ cùng 2 đứa con riêng của vợ. Hơn nữa Phượng thường xuyên đau ốm, ở trong tù lại khổ cực sợ chịu không nổi.
"Tòa hiểu nỗi lòng của bị cáo, nhưng mọi tình tiết giảm nhẹ tòa cấp sơ thẩm đã xem xét hết rồi, 12 năm tù là đã thấp nhất trong khung hình phạt. Tại tòa phúc thẩm bị cáo muốn giảm án thì phải có tình tiết giảm nhẹ mới thì HĐXX mới xem xét được, nhưng bị cáo không đưa ra được bất kì tình tiết nào. Bây giờ tòa khuyên bị cáo rút đơn đi, đỡ phải mất thời gian vì nếu có xét xử tòa cũng không thể giảm án được nữa.
Bị cáo cố gắng về cải tạo cho tốt thì sẽ được xem xét giảm dần hình phạt. Trong thời gian ở tù nếu bị cáo đau ốm có các bác sĩ chăm sóc, nếu quá nặng sẽ được cho về nhà điều trị", chủ tọa phiên tòa nói.
Sau một lúc suy nghĩ, Phượng xin được rút đơn kháng cáo, chấp nhận mức án như tòa sơ thẩm đã tuyên.