Vừa qua, phụ huynh ở Hà Nội nháo nhác vì không thể mua trọn bộ SGK cho con khi năm học mới cận kề.
Trước tình trạng này, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết do số lượng học sinh tăng đột biến ở một vài địa phương dẫn đến việc một số cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ thiếu sách tạm thời.
Thiếu SGK là tình trạng gần như không thể xảy ra ở nhiều nước. Ảnh: Tiền Phong. |
Dù vậy, đây vẫn là hiện tượng lạ ở nước ta và hầu như không thể xảy ra tại nhiều nước trên thế giới - nơi giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn SGK và Bộ Giáo dục không nắm thế độc quyền.
SGK đa dạng
Tại nhiều nước, hệ thống giáo dục không sử dụng cố định một bộ SGK có mà có nhiều lựa chọn.
Cụ thể, tại Mỹ, cả nước không dùng chung một bộ sách giáo khoa. Mỗi bang có những đầu sách xuất bản riêng, phù hợp với học sinh ở bang đó.
Ở từng môn, giáo viên lại chọn một cuốn phù hợp làm tài liệu giảng dạy chính đồng thời bổ sung kiến thức từ các sách khác để học sinh tham khảo.
Texas được đánh giá là bang có SGK tốt nhất ở Mỹ. Nhiều bang cũng mua sách từ bang này. Tại đây, trường trong một quận thống nhất về chương trình học vì có chung bài kiểm tra.
Dù vậy, giáo viên cũng không nhất thiết phải sử dụng SGK giống nhau mà được quyền chọn tài liệu dạy học thích hợp, miễn chúng đã thông qua kiểm duyệt.
Texas là bang có SGK được đánh giá tốt nhất ở Mỹ. Ảnh: Newsweek. |
Tương tự, Anh áp dụng một chương trình, nhiều bộ SGK. Giáo viên chọn bộ phù hợp để phục vụ công tác giảng dạy hoặc tự biên soạn chương trình.
Học sinh cũng có quyền chọn sách để học, miễn chúng phù hợp với chương trình chung. Ngoài ra, họ phải tự thu thập thông tin để góp ý trên lớp, sử dụng khi làm bài thi hay kiểm tra.
Trường học ở Pháp cũng không chỉ có một bộ SGK. Mỗi môn có nhiều loại SGK.
Giáo viên bộ môn quyết định học sinh nên chọn bộ sách nào. Điều này có nghĩa nếu thầy cô sử dụng hai bộ SGK, học sinh phải mua hai bộ tương ứng để theo kịp bài giảng.
Ấn Độ cũng áp dụng hình thức SGK riêng cho từng bang. Hàn Quốc cũng có SGK đa dạng và phong phú. Trừ cấp mầm non và tiểu học, các khối lớp đều có nhiều loại SGK để học sinh và giáo viên lựa chọn.
Cụ thể, cấp THCS có 32 bộ sách môn Toán, 9 bộ sách môn Khoa học và 10 bộ sách môn Xã hội.
THPT có 28 bộ sách môn Toán (trong đó có 16 bộ cho lớp 10 và 12 bộ cho lớp 11 và 12), 8 bộ sách môn Hóa học, 9 bộ sách môn Vật lý, 6 bộ sách môn Lịch sử Hàn Quốc hiện đại, 8 bộ sách môn Sinh học, 8 bộ sách môn Địa lý Hàn Quốc, 8 bộ sách môn Xã hội và 11 bộ sách môn Khoa học.
Nhật Bản cũng thực hiện một chương trình nhiều SGK. Giáo viên chọn SGK từ những cuốn đã thông qua kiểm định để làm tài liệu giảng dạy.
Không độc quyền SGK
Điểm chung lớn nhất tại những nước trên là Bộ GD&ĐT không độc quyền về biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Thay vào đó, bộ chỉ đóng vai trò kiểm duyệt hoặc cấp phép thẩm định.
Cụ thể, tại Mỹ, các bang quyết định chương trình học. Các đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó để biên soạn sách.
Theo lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể viết SGK. Các nhà xuất bản ký hợp đồng với những tác giả có chuyên môn tốt. Thông thường, họ thích sách do nhóm tác giả biên soạn hơn sách do một người viết.
Bộ Giáo dục nhiều nước không biên soạn SGK, chỉ đóng vai trò kiểm duyệt. Ảnh: AccessJ. |
Sau khi tự kiểm tra chất lượng, nhà xuất bản sẽ trình cuốn sách lên ủy ban đánh giá của bang để phê duyệt. Ủy ban này có thể gợi ý những cuốn sách đạt tiêu chuẩn cho hội đồng bang hoặc đề xuất thay đổi nếu phát hiện thiếu sót trong nội dung.
Sách thông qua kiểm duyệt mới được đưa về trường. Tuy nhiên, giáo viên không bắt buộc phải sử dụng chúng.
Ở Anh, SGK được biên soạn bởi nhiều tổ chức, học giả, giáo sư, chưa thấy bộ sách nào do Bộ GD&ĐT Anh viết.
Tại Pháp, Bộ Giáo dục cũng không độc quyền về SGK. Thay vào đó, họ quy định khung chung. Việc soạn hay xuất bản SGK thuộc về các nhà xuất bản, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Bélin, Bordas, Didier, Hachette.
Bộ đóng vai trò kiểm duyệt đồng thời ngăn chặn tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK. Các nhà xuất bản tự cạnh tranh nhau bằng chất lượng và giá cả.
Ở Hàn Quốc, trong thời gian cầm quyền, cựu Tổng thống Park Geun-hye, tuyên bố các trường THCS và THPT tại nước này sẽ không được sử dụng sách giáo khoa do các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và phát hành. Thay vào đó, các trường sẽ phải sử dụng sách giáo khoa lịch sử do chính phủ biên soạn.
Sau khi bà Park bị buộc tội tham nhũng, Bộ Giáo dục nước này cho biết sẽ không yêu cầu các trường học sử dụng SGK do nhà nước ban hành.
Theo đó, các trường học sẽ được tự do chọn lựa SGK do tư nhân hoặc chính phủ biên soạn và phát hành. Trên thực tế, hầu hết trường chọn sách của nhà xuất bản tư nhân.
Từ sau 1945, Nhật Bản thực hiện chế độ SGK kiểm định. Theo đó, SGK sẽ do các nhà xuất bản tư nhân biên soạn.
Bộ Giáo dục đóng vai trò kiểm định và công nhận những cuốn đủ tiêu chuẩn làm SGK.
Mặc dù SGK không đa dạng như các nước trên, Trung Quốc cũng khuyến khích và hỗ trợ các viện, tổ chức, cá nhân chuyên môn tốt tham gia vào quá trình biên soạn, đa dạng hóa SGK.
Sau khi viết sách, họ nộp lên Bộ Giáo dục để được phê duyệt thành SGK.
Nếu muốn sử dụng trên toàn quốc, sách phải thông qua kiểm định của Ủy ban Kiểm duyệt SGK Tiểu học và THCS quốc gia.
Nếu chỉ áp dụng cho địa phương, sách được thẩm định bởi ủy ban thẩm định của tỉnh. Cơ quan kiểm định phải độc lập với nhà xuất bản.