Gần đây nhiều người truyền tai nhau phương pháp chữa bệnh táo bón, ung thư, tiểu đường, tim mạch, mắt mờ... bằng cách rất đơn giản: nuốt chửng 49 hạt đậu đen lòng xanh mỗi sáng trước khi ăn. Cho rằng đậu đen có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng BS.Lương y Võ Hà (Hội đông y Việt Nam) không tán thành việc nuốt sống cùng lúc loại hạt này.
Nên nấu chè đậu đen
Trong số các loại đậu làm thực phẩm thông dụng, đậu đen được các nhà dinh dưỡng đặc biệt quan tâm. Tuy hàm lượng đạm thấp hơn đậu nành nhưng đậu đen lại có tỷ lệ cân đối nhiều loại acid amin thiết yếu. Đậu đen còn dồi dào hơn về một số khoáng chất như calcium, sắt, mangnesium, manganese, đặc biệt là hàm lượng cao chất molypdenum và những sắc tố chống oxy hoá anthocyanins.
Theo đông y, đậu đen có vị hơi ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng lợi thủy, giải độc, dưỡng âm bổ thận, khu phong hoạt huyết. Trên thực tế, đậu đen là nguồn cung cấp chất xơ, chất đạm và nhiều vi chất quan trọng có giá trị bổ dưỡng rất cao có thể giúp phòng chống nhiều loại bệnh tật. Tuy nhiên, lương y Võ Hà khuyên: không cần và không nên nuốt sống hạt đậu đen.
"Đậu đen khô là loại hạt cứng nên thưòng được ngâm nước cho mềm trước khi nấu. Nuốt sống nguyên nhiều hạt đậu cùng lúc có thể nguy hiểm cho một số trường hợp tiêu hoá kém, viêm loét dạ dày, chưa kể đến việc hạt đậu có thể lạc vào đường thở gây ngạt", BS Hà nói.
Sử dụng đậu đen theo cách truyền thống như: nấu chè, nấu xôi, làm tương... sẽ phát huy được tác dụng của loại ngũ cốc này. Ảnh minh họa |
Theo đó, cách sử dụng đậu đen truyền thống như nấu chè, độn cơm, làm tương, làm bánh... truyền thống đều tận dụng được những hoạt chất trong đậu nếu dùng hạt toàn phần và cả lớp vỏ đen bên ngoài. Ngoài ra, theo những nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota, quá trình nẩy mầm làm gia tăng tỷ lệ dinh dưỡng trong tất cả các loại hạt. Do đó, nếu ngâm đậu vào trong nước thường khoảng 32oC trong khoảng 22h trước khi nấu sẽ tạo ra nhiều chất bổ dưỡng hơn do hạt đậu ở trạng thái đang nảy mầm.
"Việc ngâm đậu trước khi nấu không chỉ để rút ngắn thời gian đun nấu, đậu mềm dễ tiêu hoá mà còn có thể sinh ra nhiều dưỡng chất hơn nếu ngâm với thời gian vừa đủ để hạt nhú mầm", lương y Võ Hà khuyên.
Trị cơn "bốc hỏa" ở phụ nữ mãn kinh
Nói về tác dụng của hạt đậu đen, lương y Võ Hà cho biết, trong đông y, màu đen thuộc hành thuỷ, liên quan đến tạng thận, có tác dụng dẫn thuốc về thận. Một số loại thuốc, nhất là hà thủ ô-vị thuốc bổ thận, làm đen râu tóc, thường được sao tẩm nhiều lần với đậu đen. Do đó, theo y học cổ truyền, đậu đen có tác dụng bổ thận.
Đậu đen có đủ các loại đạm thiết yếu, arginine và 3 loại acid amin đặc biệt quan trọng trong nhóm 8 loại acid amin thiết yếu. Thành phần đạm trong đậu đen thường dùng để phục hồi hoặc sửa chữa những tổn thương từ những stress thể lực của vận động viên và một số trường hợp bị thương tích nặng hoặc sau phẫu thuật. Đặc biệt, đậu đen còn có thể cải thiện khả năng nhận thức ghi nhớ sau những tổn thương ở não do bệnh tật hay do thương tích. Ngoài ra, khoa học còn cho biết một số trường hợp thiếu chất khoáng molypdenum, loại khoáng chất vi lượng có nhiều trong đậu đen, có thể dẫn đến bất lực ở nam giới.
Hơn nữa, BS Hà cho biết, chế độ ăn nhiều đậu đen là một biện pháp tự nhiên giúp phòng chống các loại bệnh thuộc hội chứng chuyển hoá như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường. Ngoài hợp chất polyphenols như các loại hạt khác, đậu đen còn có những sắc tố anthocyanins. Do đó, lượng chất chống oxy hoá trong đậu đen cao hơn nhiều so với các loại đậu khác và gấp 10 lần so với quả cam.
Giống như các loại hạt thô khác, đậu đen có hàm lượng chất xơ cao. Một chén đậu đen đủ cung cấp hơn một nửa nhu cầu chất xơ của 1 người/ngày. Chất xơ có khả năng làm chậm và giảm sự hấp thu mỡ qua màng ruột đồng thời kết dính một phần muối mật để đào thải ra ngoài qua đó đã góp phần làm hạ độ cholesterol trong máu.
Những chất chống oxy hóa trong đậu đen còn có tác dụng kháng viêm và ngăn chặn sự oxy hóa, loại chất béo có tính ổn định thấp dễ bị oxy hóa và bám vào thành mạch để tạo nên các mảng xơ vữa, có tác động ổn định hoạt động tim mạch.
Với tỷ lệ 24,2% chất đạm và 53,3% chất bột đường và nhiều chất xơ, đậu đen là loại thực phẩm rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Ăn nhiều đậu đen giúp ngăn chặn hiện tượng tăng vọt đường huyết sau bữa ăn và tiến đến ổn định đường huyết. Tác dụng giảm độ mỡ và kháng viêm của những hoạt chất khác trong đậu đen cũng góp phần quan trọng trong điều trị đái tháo đường hoặc làm giảm những hệ quả xấu do căn bệnh này gây ra.
Bên cạnh hàm lượng đạm tốt và dễ tiêu hoá, đậu đen còn có thành phần sắt và folate, 2 loại vi chất cần thiết cho phụ nữ. Thiếu folate có thể dẫn đến sự phát triển bất bình thường của thai nhi. Tập hợp nhóm sinh tố B và những khoáng chất Ca, Mg trong hạt đậu thô còn được xem là những vi chất chống stress, giúp làm nhẹ những cơn "bốc hoả" ở những phụ nữ tuổi mãn kinh.
Lương y Võ Hà (Hội Đông y Việt Nam)
Trước đó, báo Tiền Phong đã từng đưa thông tin, nhiều người phải nhập viện do uống hạt đậu đen sống để chữa bệnh.
Theo đó, bà H.T.Q. (72 tuổi, ở TP.HCM) nghe theo lời đồn thổi “nuốt 49 hạt đậu đen mỗi buổi sáng sẽ trường sinh bất lão” nên đã mua 2kg đậu đen để dùng dần. Được ít ngày, bà Q. thấy đau ở ngực, khó thở nên được đưa vào Viện tim Tâm Đức (quận 7, TP.HCM) cấp cứu. Sau 2 ngày theo dõi, xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, tim mạch bình thường, không có biểu hiện của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi siêu âm bụng và nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện bà Q. bị xuất huyết dạ dày nghi do nuốt hạt đậu đen.
Anh Hoàng (49 tuổi, ở Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được tờ rơi viết về công dụng của đậu đen: bổ thận, bổ gan, phòng bệnh tim mạch,tiểu đường và làm chậm lão hóa. Thấy vậy, anh Hoàng đã dùng đậu đen gần một tháng đều đặn. Tuy nhiên, anh Hoàng bị tiêu chảy liên tục. Bác sĩ cho biết, anh bị hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày. Anh Hoàng cho biết, rất nhiều người ở cùng tổ dân phố ngày nào cũng nuốt 49 hạt đậu đen.
Trả lời trên tờ báo này, bác sĩ Nguyễn Đại Biên-Trưởng Khoa khám bệnh, bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: “Từ ngày rộ lên nạn nuốt sống đậu đen cũng là lúc mà khoa khám bệnh và nội tiêu hóa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày”. Theo bác sĩ Biên, đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng, có trường hợp nôn ra máu. Các kết quả nội soi đều cho thấy, nuốt đậu sống gây khó tiêu khiến dạ dày bị loét.