Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nuốt dị vật: sơ ý nhỏ có thể dẫn đến cửa tử

Dù đã được cảnh báo nhiều về các ca dị vật đường thở ở trẻ nhỏ và cả người lớn, song trung bình mỗi tháng tại BV Tai Mũi Họng Trung ương vẫn tiếp nhận 3-4 ca, thậm chí 5-6 ca.

Trong lúc đang ngồi vừa nói chuyện với các bạn trong lớp học vừa cắn đầu bút bi, bé N. (8 tuổi, ở Hà Nội) bỗng lên cơn ho sặc sụa rồi tím tái, ngất ở trường. Được thầy cô và các bạn cùng lớp vội vàng đưa vào cấp cứu tại BV Bạch Mai, tuy nhiên vì không được sơ cứu kịp thời, người bệnh đã bị ngừng thở khoảng 25-30 phút trước khi đến BV nên tiên lượng bệnh rất xấu.

Theo các bác sĩ tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngừng thở, đồng tử giãn, ngừng tuần hoàn, đi ngoài không tự chủ. Nhận định bệnh nhân có khả năng bị cơn ngừng thở đã kéo dài 25-30 phút trước khi đến bệnh viện gây tổn thương tế bào não. Sau khi tiến hành hồi sức bằng bóp bóng, thở oxy, đặt nội khí quản để bệnh nhân có tim phổi trở lại, các bác sĩ phát hiện dị vật kẹt ở thanh môn. Bệnh nhân được chuyển sang BV Tai Mũi Họng TƯ để soi gắp dị vật rồi tiếp tục điều trị tích cực tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Tuy nhiên khả năng bệnh nhân có thể hồi phục là rất khó bởi thời gian ngừng thở kéo dài khiến tế bào não bị tổn thương, tiên lượng rất xấu.

BS. Nguyễn Trần Lâm, Khoa Nội soi, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, dị vật đường thở là một cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Khi gặp dị vật đường thở, nhất là đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần bình tĩnh, tránh kích thích trẻ, và đưa trẻ đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xử trí.

BS. Lâm khuyến cáo, khi trẻ hóc dị vật, tím tái, ho sặc sụa, sau đó có thể trở lại bình thường thì khi đó, chúng ta tuyệt đối không nên kích thích như vỗ lưng trẻ hoặc làm trẻ hoảng sợ, những yếu tố có thể khiến cho dị vật di động và kẹt ở thanh môn – vị trí hẹp nhất của đường thở, gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Theo BS. Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị vật ở đường thở như vừa cười đùa vừa nói chuyện trong khi ăn, thói quen ngậm đồ vật trong khi làm việc, hoặc ở trẻ nhỏ có trường hợp bắt ép trẻ ăn hoặc uống thuốc (bịt mũi trẻ, ném thuốc vào trong miệng trẻ…).

Khi bị dị vật đường thở, đối với trẻ nhỏ, người nhà cần hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không kích thích trẻ (vỗ lưng), làm cho trẻ hoảng sợ, mà cần bình tĩnh động viên trẻ và đưa trẻ đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và xử trí.

Dị vật đường thở rất đa dạng. Thường gặp nhất là các dị vật vô cơ, các loại hạt (hạt na, hạt nhãn, hạt hồng xiêm…); các mảnh đồ chơi (mảnh nhựa, khuy áo…), các dị vật hữu cơ (các mảnh xương nhỏ…).

Để phòng tránh, người trông trẻ nên chú ý không cho trẻ ngậm đồ chơi hoặc các mảnh đồ chơi trong miệng. Nếu phát hiện trẻ đang ngậm đồ chơi trong miệng thì cần bình tĩnh gỡ ra, không được quát mắng làm trẻ giật mình dễ khiến cho dị vật rơi vào đường thở. Hoặc khi cho trẻ ăn thì không dỗ trẻ ăn bằng cách nô đùa làm trẻ cười cũng rất dễ khiến trẻ bị ho sặc thức ăn, cũng không nên ép trẻ ăn bằng cách cố đút miếng cơm vào miệng hoặc cho trẻ uống thuốc trong khi trẻ khóc.

Với các cơ sở y tế chưa có chuyên khoa tai mũi họng thì khi có bệnh nhân bị dị vật đường thở cần sơ cứu mở khí quản, đặt nội khí quản để đảm bảo đường thở sau đó đưa đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để xử trí gắp dị vật.

Trong trường hợp tối khẩn cấp, trẻ có nguy cơ ngừng thở (cơn ngừng thở tối cấp, ngừng thở lâu, trẻ tím tái lâu ảnh hưởng đến tính mạng) thì áp dụng biện pháp Heimlich. Đối với trẻ sơ sinh (từ 6 tháng đến 1 tuổi) đặt trẻ lên gối, đập mạnh vào lưng, người lớn bắt chéo 2 tay, ép vào vùng bụng và xương ức kéo giật từ trước ra sau để kích thích phản xạ ho nhằm bật dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên biện pháp này không áp dụng trong trường hợp người bệnh bình thường, sau khi hóc dị vật mà không khó thở hoặc khó thở nhẹ, tím tái 5 giây rồi trở lại bình thường, không có nguy cơ khó thở, trong trường hợp này nếu làm biện pháp Heimlich có thể gây ra kẹt thanh môn.

Khi có cơn ngừng thở 5-10 giây (trợn mắt, người tím tái, không thở được) thì mới sử dụng biện pháp Heimlich, đảm bảo không để người bệnh thiếu oxy quá 2 phút.

http://suckhoedoisong.vn/nuot-di-vat-cho-de-so-y-roi-vao-cua-tu-n113251.html

Theo Hạ Hiền/Báo Sức Khỏe Đời Sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm