PGS.TS Bùi Quốc Tính nói về câu chuyện đi hay ở đối với các nhà khoa học Việt Nam rằng không quan trọng làm việc trong nước hay nước ngoài. Quan trọng là đóng góp được gì cho giáo dục và khoa học quê nhà.
Họ ở đâu, làm gì thì trong tim họ vẫn có một phần hình ảnh của quê hương. Họ chính là cầu nối Việt Nam với thế giới.
Yêu nghề, nghề không phụ
Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ học, khoa Toán - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, chàng sinh viên Bùi Quốc Tính được giữ lại trường làm giảng viên. Đam mê nghiên cứu, sau hai năm, anh học cao học theo chương trình Việt- Bỉ, và là một trong hai sinh viên được chọn đi Bỉ làm luận văn tốt nghiệp.
Tốt nghiệp, anh may mắn được nhận vào làm cho một dự án nghiên cứu công nghiệp hợp tác giữa hai công ty BWM, ANDATA, và ĐH Công nghệ Vienna, Áo, liên quan độ bền và kết cấu cho khung xe hơi sử dụng mạng trí tuệ nhân tạo và cơ học tính toán, đồng thời làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Vienna.
Nhận bằng tiến sĩ, anh làm việc một thời gian dài ở châu Âu, sau đó nhận được học bổng của chính phủ Nhật, anh về Nhật làm sau tiến sĩ 2 năm tại ĐH Công nghệ Tokyo, được khoa giữ lại và bổ nhiệm Phó giáo sư.
PGS.TS Bùi Quốc Tính. |
Con đường anh chọn ngay từ đầu là làm nghiên cứu, không giống các bạn trẻ bây giờ, thất nghiệp hoặc lý do khác mới đi học thạc sĩ, tiến sĩ.
Thời của anh, nếu đã chọn ở lại trường làm giảng viên hầu như đều là những người đam mê nghiên cứu. Anh đi học, làm nghiên cứu suốt nên đến bây giờ vẫn tâm niệm làm nghiên cứu chứ không có ý nghĩ làm gì khác. Chính vì vậy, gia tài của anh là hơn 130 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI.
Nhưng làm khoa học có giàu được không? PGS. Bùi Quốc Tính cười rất tươi cho biết chắc chắn không giàu như các doanh nhân nhưng đủ sống.
Công việc nghiên cứu, giảng dạy đã cho anh một cuộc sống đầy đủ và anh không có đòi hỏi gì hơn. Anh bằng lòng với điều đó và yên tâm nghiên cứu. Anh rất hạnh phúc khi được theo đuổi đam mê của mình là làm khoa học mà không phải nghĩ đến bất kỳ một điều gì khác.
Chia sẻ thêm về những ngày đầu học xong tiến sĩ, anh thấy rất căng thẳng. Sau tiến sĩ, một là phát triển lên, hai là bằng luôn hoặc đi xuống. Có thời gian anh ước giá như mình đừng làm tiến sĩ. Phát triển sau tiến sĩ cần rất nhiều yếu tố. Và không nên làm sau tiến sĩ quá lâu. Vì người ta sẽ mặc định nghĩ mình không tiến bộ.
PGS. Bùi Quốc Tính nhận giải thưởng của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản 2018. |
Theo PGS. Tính, các tiến sĩ không nên làm sau tiến sĩ quá 5 năm, phải nhanh chóng vượt lên vị trí khoa học tốt hơn càng sớm càng tốt.
So với thời của anh, hiện nay, cơ hội học bổng nhiều, các bạn trẻ đi làm một thời gian xin được học bổng đi học. Nhưng học xong, mục đích có thể là may mắn làm khoa học tiếp hoặc không thì ra làm công ty.
Là người trực tiếp tuyển các ứng viên để cấp học bổng của khoa, anh biết rằng có nhiều bạn trẻ Việt Nam rất giỏi.
Nhưng có những em học xong 1 năm, 2 năm thấy phân vân, chưa chọn được hướng đi chính xác cho mình. Nhưng có những bạn đang học tập tại Việt Nam thôi vẫn làm nghiên cứu với anh và họ có đam mê nghiên cứu thực sự.
Tuy nhiên, theo PGS. Bùi Quốc Tính, các tiến sĩ bây giờ phải cạnh tranh rất khốc liệt để kiếm được chỗ làm việc theo ý muốn. Vì số lượng tiến sĩ tốt nghiệp ở các trường ĐH trên thế giới lớn nhưng số lượng vị trí cần bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư rất ít.
Chính vì thế nên ở Việt Nam đang tồn tại một “tầng lớp tiến sĩ lang thang”. Họ có bằng tiến sĩ ở các trường ĐH nước ngoài, nhưng không tìm được vị trí tốt hay thích hợp để làm việc tại các viện nghiên cứu lớn. Họ trở về nước và chưa tìm được một công việc nghiên cứu phù hợp và ổn định. Vì ở nước ngoài, việc bổ nhiệm phụ thuộc vào nhu cầu công việc, họ không bổ nhiệm hàng năm như ở Việt Nam.
Ví dụ như khoa anh hai, ba năm nay không tuyển nên cạnh tranh rất khốc liệt. Muốn có vị trí phải có sự khác biệt, làm những công trình rất chất lượng, số lượng chỉ là một điều kiện. Ở những nước tiên tiến, thì chất lượng mới là điều gần như họ muốn tìm ở các ứng viên
Không làm nghiên cứu đừng học tiến sĩ
Đam mê làm nghiên cứu khoa học, nên PGS. Bùi Quốc Tính cho rằng làm tiến sĩ chỉ thực sự hữu ích với những người tiếp tục con đường nghiên cứu. Tất nhiên, trừ những trường hợp đặc biệt.
Anh cho biết trong quá trình xét chọn ứng viên để trao học bổng của khoa, anh đều hỏi ứng viên xem mục đích làm tiến sĩ. Nếu nhu cầu học tiến sĩ để làm công ty anh không nhận. Vì thực tế, học tiến sĩ không giúp ích nhiều cho việc đi làm kinh doanh ngoài xã hội. Học tiến sĩ để phục vụ mục đích nghiên cứu.
Anh cung cấp thêm các công ty của Nhật tuyển nhân sự bây giờ không tuyển tiến sĩ. Trừ những công ty chuyên làm nghiên cứu thì khác. Hiện nay, sinh viên Nhật Bản không muốn học tiến sĩ vì không xin được việc.
PGS. Bùi Quốc Tính cũng cho biết anh đã có 16, 17 năm công tác tại nước ngoài, “ăn mòn bát thiên hạ”. Tại sao anh không về nước? Có chứ, năm 2009 anh đã về Việt Nam để làm việc. Nhưng sau đó, anh lại ra đi. Đến giờ, trong tâm anh, anh không muốn “buộc mình” cố định vào bất cứ nơi nào. Anh vẫn muốn về Việt Nam làm việc.
Theo anh, khoa học cũng cần một dòng máu lưu thông để các nhà nghiên cứu làm việc. Việt Nam đang thiếu một số yếu tố để dòng máu đó lưu thông đều, đó chính là việc đầu tư về tài chính cho nghiên cứu khoa học.
Trước tiên là môi trường làm việc. Tiền có quan trọng nhưng với các nhà khoa học, môi trường làm việc quan trọng hơn rất nhiều. Họ muốn được ghi nhận, được làm việc mà không phải nghĩ, phải đắn đo bất cứ điều gì khác.
Ở môi trường Việt Nam, anh đã từng phát hiện những sinh viên giỏi, nhưng rất khó để giữ họ làm việc khoa học lâu dài. Nếu thời gian tới, môi trường làm việc tại Việt Nam có thay đổi, anh sẽ quay về. Tuy nhiên, không vì thế mà anh không có đóng góp cho Việt Nam. Thậm chí, theo anh, anh còn đóng góp nhiều hơn.
Anh đã hướng dẫn cho 20 thạc sĩ tại ĐH Bách khoa TP.HCM, hướng dẫn xong 1 tiến sĩ và bây giờ đang hướng dẫn 3 tiến sĩ. Ngoài ĐH Bách khoa TP.HCM, anh cũng hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Công nghệ Hà Nội.
Không những thế, những nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại các trường ĐH nước ngoài anh cũng hướng dẫn. Với anh, làm việc ở đâu không quan trọng mà quan trọng là đóng góp được gì cho đất nước, trực tiếp hay gián tiếp.
PGS.TS Bùi Quốc Tính hiện công tác tại khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, ĐH Công nghệ Tokyo, Nhật Bản. Trước đó, anh từng học và làm việc ở Bỉ, Áo, Pháp, Đức.
Năm 2018, anh nhận giải thưởng cho những nhà khoa học trẻ về Tính toán Cơ học do Hiệp hội Cơ học Tính toán Nhật Bản trao tặng.
Hiện anh là biên tập viên của hai tạp chí nổi tiếng Applied Mathematical Modelling và Thin-Walled Structures, thuộc nhà xuất bản nổi tiếng Elsevier.
Cuối năm 2018, anh được mời giảng bài ở Hội đồng khoa học Nhật Bản. Đây là một vinh dự mà không phải nhà khoa học nào cũng được, nhất là nhà khoa học Việt Nam.