Môi trường làm việc của Hàn Quốc gần như không cho phép những người lao động được quyền ốm đau. Các chuyên gia cho rằng thực trạng này đang tạo ra mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng trong thời kỳ đại dịch, theo Korea Herald.
Công sở là một trong những ổ dịch phổ biến nhất ở xứ sở kim chi. Theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, 18% tổng số ca lây nhiễm được chẩn đoán trong tháng 1 tại quốc gia này có liên quan đến nơi làm việc, tăng 7% so với tháng trước.
Lao động Hàn Quốc cảm thấy khó có thể nghỉ làm khi bị ốm. Ảnh: Yonhap. |
"Câu thần chú sáo rỗng"
Đã một năm kể từ khi chiến dịch “ở nhà khi bị bệnh” của Bộ Y tế Hàn Quốc bắt đầu, với mục đích ngăn chặn sự lây lan virus tại nơi làm việc. Tuy nhiên, chiến dịch này dường như không đạt được hiệu quả mong muốn khi ngay chính người lao động cũng e dè với nó.
Vào tháng 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang-lip nói với các phóng viên rằng đối với ông, tránh xa nơi làm việc khi cần là một trong những lời khuyên khó đưa ra nhất trong mùa Covid-19.
“Cá nhân tôi cảm thấy rất khó để làm quen với khái niệm này bởi vì cả đời tôi đã được dạy rằng không ốm đau, bệnh tật là biểu hiện của một tinh thần làm việc mạnh mẽ”, ông Kim nói vào thời điểm đó.
Một quan chức khác của Bộ Y tế muốn giấu tên cho biết nhiều lúc bản thân cũng bị buộc phải xuất hiện tại nơi làm việc mặc dù bị ốm, có lần các triệu chứng giống người nhiễm Covid-19.
“Tôi biết đó không thể là Covid-19 vì tôi hoàn toàn xa cách xã hội, và dù sao thì tôi vẫn phải đến nơi làm việc”, cô nói. Xét cho cùng, việc nghỉ làm ở nhà khi bị ốm chỉ là “rất nên làm” và không có tính ràng buộc.
“Hiện tại chúng tôi thiếu nhân sự. Mỗi người đã làm việc ngoài giờ, từ 70 đến 100 giờ/tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Thiếu một người sẽ tạo ra nhiều gánh nặng cho những người còn lại. Vì vậy, thật khó để ngừng làm việc khi bị ốm”, cô nói.
Cô ấy cũng cảm thấy bản thân “có lỗi vì không giữ gìn sức khỏe tốt” sau khi một thông báo chính thức cho tất cả công chức vào tháng 11/2020 nói rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu "không chú ý đến các biện pháp phòng ngừa và bị nhiễm Covid-19”.
Nhiều đồng nghiệp của người này nói rằng lời cảnh báo đó khiến họ mất tinh thần. “Rất khó để ai đó chủ động báo cáo việc họ bị bệnh”.
Chiến dịch “ở nhà khi bị bệnh” của Bộ Y tế Hàn Quốc với mục đích ngăn chặn sự lây lan virus tại nơi làm việc không phát huy tác dụng. Ảnh: Getty. |
Một quan chức khác của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết “không để bị ốm” được coi là một đức tính tốt khi có quá nhiều việc phải làm mỗi ngày. “Thành thật mà nói, chiến dịch 'ở nhà khi bị ốm' giống như một câu thần chú sáo rỗng”, anh nói.
Còn đối với Shin Hae-young, giáo viên dạy văn tại một trường trung học ở Nowon, phía bắc Seoul, đi làm ngay cả khi không khỏe dường như là một điều hiển nhiên.
Shin cho biết suốt 11 năm làm giáo viên, cô chưa một lần nghỉ ốm. “Đối với nhiều giáo viên, làm việc khi bị bệnh cho đến nay vẫn là điều bình thường”.
Nhưng khi đại dịch xuất hiện, cách làm việc này phải được thay đổi trong bối cảnh lo ngại rằng các trường học có thể dễ trở thành ổ dịch.
Shin nói ít nhất một vài giáo viên đã bị buộc phải ở nhà khi họ lên cơn sốt, trong khi những người khác luôn lo sợ nguy cơ lây nhiễm từ đồng nghiệp.
“Chúng tôi cực kỳ thận trọng về việc mình đi đâu, gặp ai và làm mọi cách để không bị bệnh, bởi vì chúng tôi không muốn lây bệnh cho các học sinh”, cô nói.
Tuy nhiên, việc nghỉ dạy một ngày cũng khiến Shin khó chịu. “Nếu tôi xin nghỉ phép dù chỉ một ngày, sẽ phải có đồng nghiệp dạy thay tôi và làm thêm những việc khác”, cô nói.
Khó thay đổi
Các chuyên gia cho rằng để xoay chuyển tình thế, cần nhiều hơn một chiến dịch. Nhà nghiên cứu về chính sách xã hội và y tế Chung Haejoo cho biết nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là thiếu nhân sự.
“Nhân sự đủ có nghĩa là thuê đủ người để một số nhân công có thể tạm nghỉ trong khi số còn lại không bị quá tải. Nhưng đôi khi khả năng một số người có thể phải nghỉ vì bệnh tật hoặc mang thai lại không được tính đến tại nơi làm việc”.
Bà Chung cho biết việc thiếu nhân sự khiến nhân công dễ hiềm khích. Một người nào đó nghỉ việc có thể bị ghét bỏ vì sự vắng mặt của họ đồng nghĩa với khối lượng công việc nặng nề hơn cho những người khác.
Hàn Quốc là một trong 7 quốc gia trên thế giới không có trợ cấp tai nạn lao động và ốm đau. “Chúng tôi có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhưng điều đó sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với một công nhân không thể nghỉ ốm”.
Theo giáo sư xã hội học Shin Jin-wook của Đại học Chung-Ang, đi làm khi bị ốm phổ biến hơn ở những người có công việc kém an toàn.
Trích dẫn dữ liệu tháng 10/2020, ông Shin cho biết khoảng 15% những người có công việc cố định cho biết họ đã đi làm khi bị ốm, trong khi có đến 25% những người làm công việc bán thời gian đưa ra câu trả lời tương tự.
“Phần lớn trong số họ cho biết lý do chính khiến họ phải làm việc ngày cả khi bị ốm là do mất thu nhập. Những công nhân này được trả lương theo giờ, vì vậy việc nghỉ làm chắc chắn dẫn đến việc bị giảm lương. Ngoài ra, vị trí của họ có thể dễ dàng bị thay thế”, ông nói.
Khoảng 15% những người có công việc cố định cho biết họ đi làm cả khi bị ốm. Ảnh: Getty. |
Ngại đau ốm cũng là lý do mà một số người có thể lo sợ về việc xét nghiệm Covid-19.
“Các quốc gia kiểm soát đại dịch kém hiệu quả đều vượt trội so với Hàn Quốc khi cung cấp chế độ nghỉ ốm có lương cho người lao động”, ông Shin nói. Dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố hồi tháng 5 cho thấy rằng Hàn Quốc xếp hạng cuối cùng về khả năng nghỉ ốm được trả lương.
Mặc dù chính phủ đã công bố kế hoạch đảm bảo trả lương cho người bệnh, nhưng nó sẽ không thể được thực hiện trong ít nhất hai năm nữa. “Vào thời điểm đó đại dịch đã tàn phá lực lượng lao động dễ bị tổn thương của đất nước. Những thay đổi đã quá muộn”, giáo sư nhận định.
Giáo sư luật lao động của Đại học Hàn Quốc Park Ji-soon cho biết: “Rốt cuộc thì chính phủ phải bảo vệ quyền nghỉ ốm trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như Covid-19, thay vì phó mặc cho người lao động và người sử dụng lao động”.
Ông Park chỉ ra rằng hiện tại, luật pháp Hàn Quốc không đảm bảo quyền nghỉ ốm của người lao động và nghỉ ốm được trả lương ít hơn nhiều trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
“Trợ cấp ốm đau nên được thể chế hóa theo luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm như các quốc gia khác đang làm”.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ dịch bệnh, việc áp dụng hình thức nghỉ ốm linh hoạt được cho sẽ tiết kiệm chi phí hơn. “Chi phí sẽ lớn hơn nhiều nếu một số nhân viên phải cách ly sau khi ai đó bị ốm nhưng không thể nghỉ một ngày và đi kiểm tra”, ông Park nói.