Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Ở nhà thuê, tôi dùng 900 triệu đồng để mua đất, đầu tư chứng khoán

Tôi và vợ từng mất 150 triệu đồng vì không có kiến thức đầu tư chứng khoán, phải đóng cửa shop vì dịch Covid-19.

cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 1

Tôi và vợ từng mất 150 triệu đồng vì không có kiến thức đầu tư chứng khoán, phải đóng cửa shop vì dịch Covid-19.

cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 2cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 3

Tôi tên là N.M.T, sinh năm 1992, là nhân viên IT. Hiện tại, thu nhập của tôi là 30 triệu đồng/tháng. Tôi đã kết hôn vào năm 2020. Vợ tôi sinh năm 1994, là nhân viên văn phòng với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Vợ tôi đã nghỉ việc từ đầu năm 2021 để kinh doanh thời trang. Do dịch Covid-19, việc kinh doanh chỉ ở mức duy trì chứ chưa mang lại thu nhập.

Sau nhiều năm đi làm, tôi và vợ tiết kiệm được 900 triệu đồng. Số tiền này không lớn vì sau khi ra trường, tôi phải trả nợ tiền học, giúp bố mẹ sửa nhà và hỗ trợ em gái học đại học.

Sau khi kết hôn, với thu nhập và số tiền tiết kiệm trên, tôi nghĩ mình cần phải tính toán, cân nhắc để đầu tư và tích luỹ cho tương lai.


Mua nhà hay ở thuê

Tôi và vợ hiện sống trong một căn hộ chung cư ở Linh Đông, thành phố Thủ Đức. Nó cách trung tâm khoảng 12 km nhưng bù lại, giá thuê nhà chỉ là 7 triệu đồng cho căn 2 phòng ngủ, rộng 76 m2.

cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 4cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 5

Vợ chồng tôi ở chung với em gái. Do vậy, hai vợ chồng chỉ tốn 5 triệu đồng tiền nhà. Các khoản phí sinh hoạt như tiền điện nước, phí chung cư, tiền ăn uống, đi lại hết khoảng 10 triệu đồng. Còn lại 15 triệu đồng, chúng tôi để tiết kiệm và đầu tư.

Khi kết hôn, chúng tôi rất mong có thể mua nhà để ổn định cuộc sống và sinh con.

Tôi đã suy nghĩ đến việc vay ngân hàng và mua một căn chung cư ở ngoại ô có giá khoảng 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau khi cân nhắc, tôi quyết định không mua nhà vì các lý do sau:

  • Với số vốn ban đầu nhỏ, tôi không muốn chịu áp lực trả nợ quá lớn trong một thời gian dài.
  • Để dành tiền đầu tư, kinh doanh, học tập phát triển bản thân.
  • Để một khoản tiết kiệm phòng trừ rủi ro, bệnh tật
  • Để một khoản chăm sóc con cái

Hiện tại, tôi vẫn thấy việc ở thuê khá ổn. Nếu thu nhập tăng lên, tôi sẽ cân nhắc chuyển đến một căn nhà gần trung tâm hơn. Nếu sinh con, tôi sẽ hỏi chủ nhà ký hợp đồng cho thuê dài hạn hơn để tránh phải chuyển nhà gấp rút, ảnh hưởng đến con cái.


Mua đất ở quê, học đầu tư chứng khoán, tập kinh doanh

Với khoản tiền tiết kiệm 900 triệu đồng, tôi và vợ quyết định sẽ mua một mảnh đất ở quê với giá 500 triệu đồng.

Còn lại 400 triệu đồng, tôi dùng 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán và 200 triệu đồng góp vốn với bạn đầu tư kinh doanh. 100 triệu còn lại là số vàng bố mẹ cho ngày cưới, chúng tôi để phòng ngừa rủi ro ốm đau.

cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 6cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 7

Đơn vị: triệu đồng

Mua đất

Tôi nghĩ, đầu tư vào bất động sản sẽ lãi hơn gửi ngân hàng. Hiện nay, tôi thấy lãi suất ngân hàng rất thấp, chỉ khoảng 5-7%/năm. Tuy nhiên, mua đất với 500 triệu là không dễ. Giá đất ở TP.HCM và vùng lân cận còn cao hơn cả chung cư. Do đó, vợ chồng tôi quyết định mua đất ở thị trấn quê tôi vì ở đó gần nhà, giá cả hợp túi tiền và dễ dàng nhờ bố mẹ trông coi.

Miếng đất tôi mua với giá 500 triệu đồng hiện tại đã tăng 200 triệu đồng (khoảng 40%) sau 1 năm. Ban đầu, tôi chỉ kỳ vọng nó tăng khoảng 20%/năm.

Tôi chỉ mua đất để chờ giá tăng. Để an toàn, tôi tìm hiểu kỹ để tránh các rủi ro về giấy tờ, tranh chấp. Đất ở quê tôi cũng có thanh khoản thấp nên tôi không trông đợi việc mua đi bán lại liên tục; coi như đó là một khoản để dành, không đụng tới.

Đầu tư chứng khoán

Đầu tư vào chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức, tư duy nhạy bén cộng với một chút may mắn. Lĩnh vực này cũng có rủi ro cao và tôi cũng phải cần có thời gian rèn luyện.

Mới tham gia thị trường này được 3 năm, tôi vẫn giữ tiêu chí thận trọng, chỉ dành khoảng 100 triệu để làm quen và học hỏi.

Tính trung bình, 3 năm qua tôi đạt được mức lãi trung bình trên vốn vào 20%/năm. Con số này ổn hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Nếu có thể duy trì trong thời gian dài, 20%/năm cũng là một điều khá thành công.

Thực tế, sự thận trọng của tôi đến từ những thất bại cay đắng lúc mới tham gia thị trường.

Tôi tham gia thị trường vào năm 2018. Tuần đầu tiên, tôi đã lãi 20% từ 100 triệu đồng vốn ban đầu. Giờ nghĩ lại, đó phần lớn là may mắn. Tuy nhiên, con số lãi "khủng" khi đó lại thúc đẩy lòng tham. Tôi đã bỏ hết vốn vào với hi vọng có thể kiếm 1 khoản tiền lớn trong thời gian ngắn.

Chắc hẳn ai cũng nhớ cú suy giảm của thị trường năm 2018, cổ phiếu của tôi cũng liên tục rớt giá. Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã mất 150 triệu đồng. Muốn gỡ vốn, tôi lại nghe lời một số môi giới để tham gia chứng khoán phái sinh với lời hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Tôi "thua" ngay thêm 10 triệu đồng và quyết định ngừng. Sau này, tôi mới nhận ra tham gia chứng khoán phái sinh khi không có kiến thức là một lựa chọn sai lầm của mình.

Việc này đã cho tôi một bài học quý giá về kiểm soát lòng tham, từ đó tránh cho tôi được những cạm bẫy liên quan đến tiền bạc. Sau này, tôi gần như không quan tâm đến các lời khuyên mua bán của môi giới. Tôi tự mình nghiên cứu, rút ra chiến lược cho cá nhân và chỉ tìm đến người môi giới khi cần các thông tin về doanh nghiệp.

Tiết kiệm và kinh doanh

Vàng cũng là một kênh đầu tư tốt, nhưng phải mua ở giá hợp lý và nắm giữ dài lâu. Lúc tôi cưới, giá vàng đang ở đỉnh. Do đó, tôi chưa có lãi trong một năm qua.

cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 8cong viec,  chung khoan,  bat dong san anh 9

Về việc kinh doanh, vợ tôi có góp vốn chung với người bạn thân bán quần áo online từ giữa năm 2019. Sau một thời gian đầu khá suôn sẻ, vợ tôi và bạn cô ấy đã quyết định thuê mặt bằng để kinh doanh. Đến đầu năm 2021, vợ tôi cũng nghỉ việc hẳn để tập trung cho việc buôn bán.

Đến tháng 6/2021 do tình hình dịch căng thẳng vợ tôi sang lại shop. Quyết định này nhằm bớt gánh nặng về chi phí mặt bằng đến 30 triệu đồng/tháng.

Thất bại trong việc bán hàng offline đã lấy hết đi thành quả của 1 năm bán hàng online trước đó. Tuy vậy, vợ tôi vẫn còn may mắn khi rút lui sớm, không phải chịu áp lực tài chính khi thành phố phong tỏa từ tháng 7 đến tháng 10/2021.

Vợ chồng tôi lại có thêm một bài học mới về những rủi ro có thể gặp phải trong kinh doanh.


Tích luỹ tài sản cần sự kiên nhẫn và tìm hiểu kỹ

Tích lũy tài sản là điều nên làm. Nó giúp khoản tiền chúng ta kiếm được sinh sôi nảy nở thêm và giảm bớt áp lực lạm phát. Tiền để không sẽ dần mất đi giá trị.

Những khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 là bài học dạy tôi cần tích lũy tài sản, phòng ngừa rủi ro. Nó cũng là động lực cho tôi làm việc để có nhiều của cải. Tôi cũng học cách không để tiền trong tài khoản ngân hàng mà không làm gì. Khi tiền nhàn rỗi quá nhiều, tôi có xu hướng chi tiêu dễ dãi và mua sắm những thứ không thực sự cần thiết.

Những bài học tôi đã rút ra:

  • Trên đời này không có cái gì là “dễ ăn”. Đầu tư là việc cả đời nên phải tìm hiểu cẩn thận trước khi xuống tiền.
  • Không nghe lời bất cứ ai, mọi thứ nhìn thấy, nghe thấy cần được kiểm nghiệm và tìm hiểu rõ ràng.
  • Phải lường trước được những rủi ro có thể xảy ra và thử xem khả năng chịu đựng rủi ro của mình tới đâu.

Những gì chúng tôi làm vẫn đang là quá trình ném đá dò đường. Bắt đầu đầu tư ở tuổi này cũng không còn sớm, nhưng muộn còn hơn không làm gì cả. Ít nhất là tôi cũng cảm thấy bản thân đã có những thay đổi tích cực và bước ra khỏi vùng an toàn mà trước giờ 2 vợ chồng còn e dè khi nghĩ tới.

Mai Đăng

Minh họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm