Thời gian trẻ được chăm sóc tại các trung tâm không liên quan đến hành vi tiêu cực. Ảnh: Wordpress. |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development với dữ liệu từ hơn 10.000 trẻ mẫu giáo, 7 nghiên cứu từ 5 quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Phát hiện
Các nhà nghiên cứu phát hiện việc trẻ mới biết đi hoặc trẻ mầm non có nhiều thời gian chăm sóc tại các trung tâm không liên quan đến hành vi tiêu cực như bắt nạt, đánh nhau, cắn, đá, giật tóc hay bồn chồn.
Điều này giúp phụ huynh yên tâm làm việc khi sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng không tìm thấy bằng chứng cho thấy tình trạng xã hội như thu nhập hộ gia đình, trình độ học vấn của người mẹ ảnh hưởng đến thời gian trẻ được chăm sóc tại trung tâm.
Khác xa với lo ngại hành vi của trẻ xấu đi, các trung tâm chăm sóc có thể cung cấp các điều kiện giúp trẻ phát triển thông qua việc học tập lâu dài.
“Dựa trên những bằng chứng có lợi của việc chăm sóc và giáo dục trẻ từ nhỏ, phát hiện mới chỉ ra những tác động tích cực trực tiếp mà việc chăm sóc trẻ tại trung tâm mang lại. Bên cạnh đó, không ít các tác động tích cực gián tiếp, như cha mẹ có thể yên tâm lao động mà không cần lo lắng đến những tác động có hại đến với con”, bà Catalina Rey-Guerra - nghiên cứu sinh tại ĐH Boston (Mỹ), đại diện nhóm nghiên cứu - nói.
Bà Rey-Guerra cũng cho rằng các chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng nên được ưu tiên.
Tranh cãi
Trong gần 40 năm, các nhà nghiên cứu đã tranh luận liệu thời gian chăm sóc trẻ tại trung tâm có phải là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ phát triển các vấn đề về hành vi hay không.
“Bất đồng giữa các nghiên cứu rất khó giải quyết bởi phần lớn các nghiên cứu khi được thực hiện đều mang tính tương quan, để ngỏ nhiều câu hỏi khác về lý do trẻ em có thể gặp vấn đề khi ở quá lâu tại các trung tâm”, bà Rey-Guerra nói.
Theo đó, nghiên cứu mới đây được cải thiện khi cung cấp các bài kiểm tra nghiêm ngặt trong việc liệu tăng thời gian chăm sóc tại trung tâm có dẫn đến gia tăng các hành vi có vấn đề hay không. Đồng thời nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu từ 7 nghiên cứu đến từ 5 quốc gia.
Các kết quả nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa thống nhất và chưa có kết luận. Mối lo ngại vẫn còn kéo dài sau khi một số tác hại được chỉ ra.
Ví dụ, một phân tích năm 2001 cho thấy 17% trẻ em dành trên 30 giờ/tuần ở nhà trẻ xuất hiện hành vi hung hăng. Trong khi đó, những hành vi này chỉ xuất hiện ở 8% trẻ em ít ở trung tâm.
Ngược lại, một nghiên cứu từ Na Uy (năm 2015) phát hiện lượng thời gian dành cho các trung tâm chăm sóc không có tác động đáng kể đến hành vi.
Nghiên cứu từ Canada lại phát hiện những hành vi hung hăng thường được thể hiện ở những đứa trẻ được chăm sóc hoàn toàn bởi bố mẹ, hơn là những đứa trẻ được chăm sóc ban ngày theo nhóm.
Một số lời giải thích cho những hành vi xấu được chỉ ra như việc gián đoạn gắn bó giữa cha mẹ và con cái, hay trẻ nhỏ bắt dễ trước những hành vi xấu của người chăm sóc hoặc bạn học.
Tuy nhiên, hầu hết giả thuyết trên không được chứng minh là đúng. Một số bằng chứng cho thấy rủi ro sẽ tăng lên nếu trẻ em dành thời gian liên tục trong các lớp học có quá nhiều nhóm trẻ nhỏ, nhưng số lượng giáo viên không đáp ứng được (tỷ lệ 1:4 đối với trẻ sơ sinh, 1:7 đối với trẻ mới biết đi và 1:8 đối với trẻ mẫu giáo).
Rủi ro có thể tăng lên nếu trẻ em dành thời gian liên tục trong các lớp học có quá nhiều nhóm trẻ nhỏ. Ảnh: Herder. |
Lý do
Bác sĩ nhi khoa Carol Weitzman - khoa Y học phát triển, Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) - cảnh báo có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia về chính sách nghỉ phép của cha mẹ và gia đình. Do đó, không phải môi trường nào cũng giống nhau.
Bất kể môi trường chăm sóc nào - dù tại trung tâm hay sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ - chất lượng là yếu tố then chốt. Những phản ứng chống đối có nhiều khả năng xảy ra ở những trẻ không được đáp ứng nhu cầu. Từ đó, trẻ dễ xuất hiện các hành vi không thích nghi và căng thẳng như hung hăng, hành động bộc phát và rối loạn tâm trạng.
Bác sĩ Carol Weitzman lưu ý trẻ mẫu giáo đã sẵn sàng phát triển để thương lượng các tình huống giữa các cá nhân, như chia sẻ, thay phiên nhau với đồ chơi và chờ đợi để được đáp ứng nhu cầu.
“Dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng giúp trẻ học cách xác định và mô tả cảm xúc, cũng như thương lượng các tình huống xã hội ngày càng phức tạp. Nó cũng có thể giúp trẻ phát triển tình bạn và học hỏi từ người khác”, vị bác sĩ cho biết.
Tuy nhiên, câu hỏi tại sao việc chăm sóc trẻ em tại trung tâm xuất hiện các tác động xấu vẫn được đặt ra.
Bác sĩ Carol Weitzman nhận định đó là thành kiến. Nhiều người cho rằng những đứa trẻ không được cha mẹ chăm sóc sẽ có xu hướng tồi tệ hơn, xuất hiện nhiều mối đe dọa đối với sự gắn bó.
“Khi phụ nữ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động ở Mỹ, vấn đề chúng tôi cần giải quyết là làm cách nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các trung tâm, đồng thời đảm bảo chính sách nghỉ phép của cha mẹ có lợi cho trẻ em", bác sĩ Weitzman nói.
Vị bác sĩ nói thêm rằng 4 quốc gia khác trong nghiên cứu đều được xếp hạng cao hơn Mỹ về thời gian nghỉ thai sản và sinh con được trả lương. Thực tế, Mỹ đứng cuối cùng khi so sánh với 40 quốc gia phát triển khác.
Theo quan điểm của bác sĩ, tất cả các loại cơ sở chăm sóc trẻ em nên có mục đích và tiêu chuẩn giống nhau, đó là thúc đẩy sự phát triển tối ưu ở trẻ nhỏ.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.