Đây là lần đầu tôi đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Những thông tin tự tìm hiểu trước chuyến đi khiến tôi không khỏi hoang mang. Người dân ở thành phố 20 triệu dân này không sử dụng tiếng Anh một cách phổ biến và các dịch vụ mạng xã hội vốn nổi tiếng khắp thế giới thì lại hoàn toàn vắng bóng ở đây.
Điều ám ảnh hơn cả là những hình ảnh về một thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới. Khói bụi công nghiệp được ví như con quái vật nuốt chửng những tòa nhà chọc trời. Mặt trời không đến mặt người, ngày cũng lờ mờ như đêm. Người dân phải đeo mặt nạ chống độc mò mẫm trong những làn sương bụi.
Từ trên cao, Bắc Kinh hiện ra mờ ảo trong những ánh đèn. Chiếc taxi nhỏ rẽ màn sương mờ đưa tôi về một khách sạn ở trung tâm. Sáng hôm sau trời mưa lất phất, tôi đứng lặng im trước một khu vườn nhỏ, hoài nghi những gì đang mắt thấy tai nghe.
Một Bắc Kinh xa lạ
K
hác hẳn những hình ảnh trong tưởng tượng, Bắc Kinh trước mắt tôi là một thành phố trong lành, cây xanh phủ khắp những con đường. Bầu trời mùa thu xanh ngắt và cao vợi.
Không khẩu trang, mặt nạ chống độc, người dân Bắc Kinh thong dong đi lại trên những chiếc xe đạp. Cây xanh được phủ khắp thành phố, đa số là cây mới trồng nhưng đã bắt đầu rũ tán.
Người đi xe đạp có một làn đường nhỏ dành riêng. Những bãi đậu xe công cộng mọc lên khắp thành phố. Ngoài các phương tiện phổ biến như ôtô, tàu điện ngầm, người dân được khuyến khích sử dụng xe đạp để di chuyển.
Sansa, một phóng viên từng đến Bắc Kinh để đưa tin về tình trạng ô nhiễm không khí hồi đầu năm nói: "Thành phố có sức sống hơn rất nhiều, đây như một bộ mặt khác hẳn của Bắc Kinh".
Khó có thể nói trước điều gì, có thể do mưa nhiều, thành phố được gột rửa nên trông sạch sẽ hơn. "Trời xanh, nắng vàng nhưng nó không có nghĩa là Bắc Kinh đã hết ô nhiễm", nữ phóng viên hoài nghi.
Dù sao đi nữa diện mạo của thành phố này đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm báo động về ô nhiễm không khí. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng.
"Vương quốc xe đạp"
Bắc Kinh từng được ví như "Vương quốc xe đạp". Loại phương tiện 2 bánh này len lỏi trong mọi ngóc ngách của thành phố và trở thành hình ảnh biểu tượng của Bắc Kinh.
Đến những năm 1990, tăng trưởng kinh tế với làn sóng xe hơi đổ bộ đã đẩy xe đạp vào dĩ vãng. Nhưng cũng chính xe hơi đã góp phần biến Bắc Kinh thành một trong những thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới. Xe đạp một lần nữa trở thành cứu cánh của thành phố.
Lịch sử xoay vòng, Bắc Kinh có khả năng trở về với những giá trị cội nguồn. Trên những chiếc xe đạp màu sắc, người dân lại rong ruổi khắp phố phường.
Không còn là tài sản cá nhân, phương tiện 2 bánh này quay lại với tên gọi "Xe đạp chia sẻ". Bạn có thể sử dụng bất kỳ chiếc xe đạp nào chỉ bằng một ứng dụng trên điện thoại. Chi phí thuê xe rất rẻ, chỉ vài nghìn đồng cho một km.
Xuân Yến, một học sinh trung học cho rằng nguyên nhân khiến người dân sử dụng xe đạp nhiều là do chúng được chính phủ ưu tiên.
"Nếu đi xe đạp, bạn có hẳn một làn đường riêng, không lo kẹt xe. Bạn cũng không phải trông coi, sửa chữa mỗi khi xe hỏng". Bây giờ Yến có thể lấy một chiếc xe đạp ngay trước nhà, chạy đến trường học và "trả xe" ngay trước cổng trường.
Có hàng trăm nghìn chiếc xe đạp như vậy khắp Bắc Kinh. Các công ty sẽ có nhân viên chuyên đi sắp xếp lại các "bãi đậu xe", gom những chiếc hư hỏng về sửa chữa.
Người dùng chỉ việc mở ứng dụng trên điện thoại, quét mã QR để mở khoá. Kết thúc hành trình thì khoá xe lại, tiền thuê xe sẽ trừ thẳng vào tài khoản đã đăng ký trong ứng dụng.
Ở bất kỳ đâu, hình ảnh người dân thong dong khắp trên những chiếc xe đạp cũng ít nhiều gieo vào đầu du khách một viễn cảnh về cuộc sống bình yên.
Tuy nhiên, người Bắc Kinh không quá lãng mạn như vậy. Vũ Quốc Thiên, tài xế taxi chở tôi ra sân bay nói: "Sự xuất hiện của xe đạp vẫn là nỗi ám ảnh với chúng tôi". Xe đạp ngổn ngang khắp thành phố, người dân không đi taxi, xe buýt nữa. Xe đạp đe doạ trực tiếp đến miếng cơm manh áo của những người như Quốc Thiên.
Tương lai của thành phố
M
ặc dù là một trong những mô hình thành công bậc nhất Trung Quốc nhưng "Xe đạp chia sẻ" vẫn không phải tương lai của Bắc Kinh.
Hi vọng của thành phố 20 triệu dân đặt cược vào một biểu tượng cách đó nửa vòng trái đất.
Những chiếc ôtô điện như Tesla được xem là tương lai của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm về những nguồn năng lượng sạch. Họ hạn chế xe máy truyền thống, khuyến khích xe đạp điện, ôtô điện và tuyên bố cấm xe chạy xăng, diesel trong tương lai.
Những chiếc xe điện Tesla đã lăn bánh khắp Trung Quốc từ vài năm trước.
Chính phủ Trung Quốc từng tham vọng đưa đất nước này trở thành trung tâm của xe điện. Họ không nói chơi mà có những kế hoạch dài hạn để thu hút đầu tư.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Công nghiệp và Kỹ thuật Thông tin, doanh số bán xe điện và xe hybrid dự kiến đạt hơn một triệu chiếc cho tới năm 2020 và đạt 3 triệu chiếc cho tới năm 2025, bao gồm kim ngạch xuất khẩu xe điện sẽ chiếm khoảng 10%.
Các nhà sản xuất ôtô nhìn thấy rõ tương lai sáng của xe điện, mà tiềm năng lớn nhất ở Trung Quốc. Họ đang chuyển các trung tâm nghiên cứu và thiết kế quan trọng tới đất nước đông dân nhất thế giới.
New York Times trích lại báo cáo của Gao Feng Advisory, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, ước tính Trung Quốc sẽ chi khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020 để lắp đặt các trạm sạc cho xe điện. Đến nay, quốc gia này đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Việc các công ty ôtô hàng đầu thế giới như Volkswagen, Tesla, Renault-Nissan và Ford đầu tư mạnh vào thị trường xe điện ở Trung Quốc đang mở ra một tương lai mới cho Bắc Kinh.
Những bộ mặt khác của Bắc Kinh
C
ây xanh, xe đạp, ôtô điện nghe có vẻ như một viễn cảnh tươi đẹp về Bắc Kinh. Nhưng với người dân ở đây, những điều kể trên chỉ như vài chấm màu nhỏ trên bức tranh ảm đạm.
Một số ít người tin rằng không khí ở Bắc Kinh đang được cải thiện và đã ở mức an toàn với con người. Nhưng một số khác sẵn sàng rời bỏ thành phố để tránh ô nhiễm.
Beijing Evening News dẫn thông tin từ Ctrip, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch của Trung Quốc, cho biết khoảng 150.000 người Trung Quốc du lịch nước ngoài trong tháng 12 với lý do tránh khói bụi. Trong cả năm 2016, con số này dự kiến là 1.000.000 người.
Người dọn phòng khách sạn nói tôi rất may mắn khi đến Bắc Kinh vào những ngày đẹp trời. Chỉ ít ngày trước đó, bụi vẫn phủ khắp thành phố. Diện mạo ở Bắc Kinh thay đổi từng ngày theo điều kiện thời tiết.
Những người lớn tuổi rất ít ra đường, kinh nghiệm sống mách bảo họ về những thứ độc hại có trong không khí.
Những doanh nhân, nhân viên văn phòng chủ yếu di chuyển bằng xe hơi, tàu điện ngầm.
Chỉ một số nhỏ những người trẻ tuổi tranh thủ ra ngoài vào những ngày đẹp trời, tận hưởng chút thời tiết trong lành khi có thể.
Với khách du lịch, Bắc Kinh không hoa lệ như trong tưởng tượng. Thành phố 20 triệu dân này luôn hấp dẫn và nguy hiểm theo cách riêng của nó.