Theo báo cáo được đưa ra ngày 30/1 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), dựa trên số liệu trạm đo tại Láng Hạ (Hà Nội) của Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, năm 2017, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô có 103 ngày ở ngưỡng trung bình, 14 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, 257 ngày vượt quá tiêu chuẩn WHO.
Trong khi đó, TP.HCM chỉ có 87 ngày chỉ số chất lượng không khí trung bình, 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia, 222 ngày vượt quá tiêu chuẩn WHO.
Hà Nội có 103 ngày, TP.HCM có 87 ngày không khí "chấp nhận được"
GreenID cho biết tổ chức này đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí trong nhà tại 4 địa điểm ở Hà Nội gồm: phố Trần Thái Tông, Hà Đông, Khương Đình và Cầu Diễn.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID, phân tích thực trạng chất lượng không khí của Hà Nội nhìn chung đang nghiêm trọng hơn TP.HCM. Song, nếu so sánh giữa năm 2016 và 2017 thì chất lượng không khí tại Hà Nội dần cải thiện, còn TP.HCM đáng báo động hơn.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Trà My. |
Ô nhiễm như Bắc Kinh?
GreenID cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội dần nghiêm trọng ngang với Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại cho rằng ô nhiễm của Bắc Kinh kinh khủng hơn nhiều.
"Chất lượng không khí phụ thuộc vào từng thời điểm. Tôi nghĩ kết quả đó có thể chỉ là lời cảnh báo thôi", ông Tùng nhận xét.
Ông Hoàng Dương Tùng cho biết ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn phát thải như nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, phương tiện giao thông; bụi từ công trình xây dựng và ảnh hưởng các đợt không khí lạnh.
Hiện trạng chất lượng không khí ở Hà Nội vào năm 2016 và 2017. Nguồn: GreenID. Ảnh: Trà My. |
Về phía GreenID, nghiên cứu viên Nguyễn Thị Anh Thư thừa nhận chỉ số của một trạm đo của ĐSQ Mỹ ở Láng Hạ "không thể chắc chắn" phản ánh tình trạng ô nhiễm của cả thành phố Hà Nôi song mang tính cảnh báo vì không khí có tính phát tán.
"So sánh này đơn thuần là giữa trạm đo tại Láng Hạ (Hà Nội) với các thành phố trên thế giới", bà Thư nói.
Để đánh giá toàn diện và chính xác, bà Thư cho rằng cần thêm nhiều nghiên cứu, số liệu của các tổ chức khác.
Chất lượng không khí tại TP.HCM. Nguồn: GreenID. Ảnh: Trà My. |
Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng thiết bị mà GreenID sử dụng có thể không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, quy chuẩn của Việt Nam. Những máy này chỉ phù hợp để đo nhanh trong nhà, đưa ra xu hướng chứ chưa đảm chính xác hoàn toàn.
"Không thể dùng những chỉ số đó trong hoạt động nghiên cứu khoa học, mà nên dùng để tham khảo, cảnh báo người dân nâng cao nhận thức", ông Hoàng Dương Tùng nói.
Hà Nội sẽ dần "xóa sổ" bếp than tổ ong
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường, khẳng định thành phố Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí. Năm 2017, khoảng 430.000 cây xanh đã được trồng trên khắp thành phố.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là kết quả khảo sát gần đây cho thấy toàn thành phố Hà Nội có tới 55.000 bếp than tổ ong. Mỗi ngày, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn CO2.
Bên cạnh đó, điều khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên là số lượng bếp than tổ ong tập trung chủ yếu ở các quận nội thành với tỷ lệ 63%.
“Năm 2018, chúng tôi sẽ thực hiện các chiến dịch xử lý đốt rơm rạ, xóa bỏ 80% số bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội”, bà Thủy khẳng định.