Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

O Sen đọ giọng Babyface và điểm tiếc nuối của lễ hội âm nhạc Hò Dô

Vượt qua 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 để xuất hiện trở lại, Hozo 2022 vẫn chưa thể chiến thắng được thói quen nghe nhạc của khán giả Việt dù được đầu tư lớn.

Ngoc Mai va Babyface,  Hoang Dung,  Uyen Linh anh 1

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô (Hozo) lần thứ hai năm 2022 diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 và Công viên Hầm Thủ Thiêm 2, Thủ Đức từ ngày 8-11/12. Đây là sự kiện văn hóa lớn nhất năm 2022 của TP.HCM, được tổ chức hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch cho thành phố.

Sau khi Covid-19 lắng xuống, không có nhiều sân chơi âm nhạc mang tầm vóc quốc tế được tổ chức trong nước. Khác với mùa đầu tiên năm 2019, Hozo 2022 được tổ chức tại 2 khu vực riêng biệt nhằm phục vụ cho nhu cầu của từng đối tượng tham dự.

Cách làm này giúp Hozo thực sự trở thành lễ hội âm nhạc đúng nghĩa, với không gian âm nhạc cộng hưởng với những hoạt động xung quanh. Không gian kết nối bị giới hạn từng là điểm hạn chế xảy ra với Hozo 2019 khi chỉ được tổ chức tại một địa điểm là phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Với không gian ghế lười có wifi miễn phí, hàng chục gian hàng ẩm thực, quầy bar, gian sạc pin điện thoại… người tham dự lễ hội có thể thoải mái đứng, ngồi, nằm trong lúc thưởng thức âm nhạc.

Ngoài ra, sự kiện còn có nhiều hoạt động khác như hội trại, khu trưng bày nghệ thuật sắp đặt, ngày hội khinh khí cầu… Nhiều yếu tố công nghệ được ban tổ chức lồng ghép như sự xuất hiện lần đầu tiên của hai ca sĩ ảo Michau và Damsan, không gian metaverse giúp Hozo 2022 bắt kịp hơi thở hiện đại như các lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới từng làm.

Âm nhạc đầu tư

Phần âm nhạc của chương trình được đảm bảo chất lượng với sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ trong nước và quốc tế như Baby Face, Ricky Kej, Johnny Stimson, O Sen Ngọc Mai, Bùi Lan Hương, Đông Nhi… Dựa trên thông điệp “Shining The World”, nhiều ca khúc dân ca Việt Nam như Xe chỉ luồn kim, Trống cơm, Còn duyên, Đi cấy, Lý ngựa ô, Hò dô, Múa xạp xòe hoa… được trình diễn với cách làm mới, kết hợp giữa truyền thống và đương đại.

Các khách mời quốc tế mang đến nhiều màu sắc thú vị. Ban nhạc quen thuộc của nhiều lễ hội âm nhạc đương đại tại châu Âu La Sra Tomasa thể hiện chất nhạc Latin qua các ca khúc Distinto son, Arrimate, Muevelo. Khán thính giả còn được tận hưởng không khí rock sôi động từ các phần trình bày của Unlimited, Ani Rock… Ngoài ra, Johnny Stimson, Alastair Moock, Ricky Kej cũng góp phần cống hiến nên một lễ hội âm nhạc đa quốc gia, đa chủng tộc.

Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của chủ nhân 12 tượng vàng Grammy Babyface. Nếu từng là fan của dòng nhạc R&B những năm 90, người nghe hẳn không xa lạ với cái tên này. Tại Hozo 2022, một Babyface tuổi 64 gây ấn tượng khi trình diễn hơn 20 ca khúc trong thời gian khoảng một tiếng rưỡi - gần như là một show solo. Những bản ballad sâu lắng đậm chất soul như Change The World, Everytime I Close My Eyes đến End Of The Road, How Could An Angel Break My Heart… được hòa âm mới mẻ, kết hợp cùng dàn bè nam khuấy động không khí đêm nhạc diễn ra đến tối muộn.

Tiết mục được chờ đợi nhất Hozo 2022 là màn song ca của Babyface và ca sĩ Ngọc Mai. Màn kết hợp trong ca khúc How Could An Angel Break My Heart - bản hit của Toni Braxton - được xem như điểm nhấn giao thoa đặc biệt giữa đại diện nghệ sĩ trong nước với quốc tế. Nguyên do bởi các nghệ sĩ quốc tế ít khi làm điều này do chương trình thường được chốt việc sắp xếp từ rất lâu.

Ngọc Mai có chất giọng tốt và không tỏ ra lép vế trước huyền thoại âm nhạc. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh của chương trình chưa hoàn hảo. Với hệ thống âm thanh tốt hơn nữa, màn song ca sẽ còn thuyết phục hơn.

Nhiều điểm đáng tiếc

Theo ban tổ chức, sau 4 ngày, lễ hội thu hút hơn 150.000 lượt khách tham dự 7 show xuyên suốt, hơn 50 phần trình diễn từ hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Trước đó, lễ hội dự kiến đón khoảng 500.000 khán giả. Tuy nhiên, khâu truyền thông và quảng bá được đánh giá là chưa hiệu quả. So với lượng khán giả kỳ vọng, khó có thể nói Hozo 2022 đạt được thành công trọn vẹn. So với quy mô và không gian diễn ra, lượng khán giả thực tế đã đến cũng được cho là khá khiêm tốn.

Ngoc Mai va Babyface,  Hoang Dung,  Uyen Linh anh 5

Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hozo 2022 hội tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ảnh: Hozo - HCMC International Music Festival.

Trong đó, điều đáng tiếc nhất nằm ở việc thiếu vắng các khán giả bỏ tiền mua vé. Tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, người xem được miễn phí thoải mái tham dự chương trình, trong khi ở Công viên cầu Thủ Thiêm 2, giá vé sẽ từ 550.000-20 triệu đồng.

Sự phân chia này tạo nên khung cảnh khác biệt rõ ràng giữa hai khu vực. Suất diễn tối ngày 10/12 với sự xuất hiện của Ngọc Mai và Babyface ở Thủ Thiêm cũng chỉ có sự góp mặt của lượng khán giả vừa phải, để lại không ít khoảng trống, cho thấy khán giả Việt vẫn chưa có thói quen móc hầu bao cho âm nhạc.

Ngoài ra, các phần trình diễn được sắp xếp dàn trải chiếm nhiều thời gian khiến không ít khán giả bỏ về sớm. Do vậy, những tiết mục đặc sắc nằm ở cuối chương trình cũng bị bỏ lỡ. Bên cạnh đó, việc Hozo diễn ra gần như cùng lúc với World Cup 2022 cũng là một trong những rào cản không nhỏ cho khả năng tiếp cận khán giả của chương trình.

Có thể nhìn thấy ở Hozo 2022 dáng dấp của một lễ hội văn hóa và âm nhạc tầm vóc quốc tế. Nhưng những màn trình diễn sẽ thăng hoa hơn khi bên dưới được phủ kín người yêu âm nhạc và dám bỏ tiền vì âm nhạc.

Mục Âm nhạc giới thiệu cuốn sách về Hector Berlioz - một hiện tượng trong lịch sử âm nhạc, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại. Từ nhỏ, ông đã thông thạo nhiều nhạc cụ nhưng lại không biết chơi đàn piano. Hồi ký của Hector Berlioz (xuất bản năm 1870) được biết đến là cuốn sách được đón đọc và chuyển ngữ nhiều nhất. Cuốn sách là bản miêu tả vị trí quan trọng của nhà soạn nhạc này vào thuở bình minh trào lưu lãng mạn.

Huỳnh Lộc

Bạn có thể quan tâm