Nguồn tin tại khoa Ngoại hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, bé Dương Minh Phát (4 tháng tuổi, ở Vĩnh Long) vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa. Trước đó, chiều 14/12 các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) phẫu thuật làm sạch khối áp xe trong não, lắp lại hộp sọ cho bé. Ca mổ không có bất trắc tuy nhiên bệnh nhi này phải được theo dõi chặt chẽ ở thời gian hậu phẫu.
Đây là lần thứ 2 bé được đại phẫu thuật để làm sạch ổ vi trùng trong não. Lần thứ nhất, cách đây một tháng, bé Dương Minh Phát được đưa trở lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 do viêm màng não mủ không rõ nguyên nhân.
Suốt 4 tuần điều trị, lượng vi trùng gây bệnh có giảm nhưng không dứt hẳn, bé sốt đi sốt lại. Các chẩn đoán mới nhất cho thấy nguyên nhân một khối áp xe nằm trong não tại vị trí lưỡi dao đi qua. Biến chứng trên không nằm ngoài lo ngại khi bé xuất viện, bởi theo các bác sĩ, con dao bẩn dù được rút ra thành công vẫn để lại nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, không loại trừ nguy cơ não của bé có nhiễm trùng trong 2 năm đầu.
Trả lời Zing.vn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho hay, áp xe não có nhiều mức độ khác nhau, tùy theo nguyên nhân.
Trong đó, có 3 nguyên nhân gây áp xe não chính bao gồm áp xe não do chấn thương như trường hợp bé Phát; do nhiễm khuẩn từ cơ quan lân cận như: viêm xương chũm, viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa; do vi khuẩn theo đường máu: gặp trong các bệnh như giãn phế quản (bronchoectasia), áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, áp xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt.
Bác sĩ Khanh nhận định, nếu do nguyên nhân bình thường thì có thể dễ dàng điều trị để tiêu, song trong trường hợp do dị vật, chấn thương thì sẽ khó hết.
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp xe, tụt kẹt não. Viêm màng não trị không hết sẽ liệt tay, liệt chân…
Theo bác sĩ Khanh, khi bị áp xe, viêm màng não, trẻ nhỏ dưới 3 tháng gặp nhiều biến chứng hơn. Đặc biệt, áp xe không thể chích để tiêu, các bác sĩ buộc phải chích kèm vi khuẩn lại, sau đó rửa mủ ra.
Tuy nhiên, kể cả sau đã được làm sạch ổ nhiễm trùng, thì khả năng bé có tiếp tục có bị biến chứng hay không vẫn phải chờ theo dõi.
Trước đó, vào 3h ngày 8/8, bé Phát điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Khi đang ngủ thì mẹ bé là Võ Thị Hồng Duyên (32 tuổi, ở Vĩnh Long) phát hiện một người lạ ở trong phòng nên hốt hoảng la to.
Lúc này, bất ngờ bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, quê ở Bến Tre) cầm con dao dài 28 cm đâm xuyên sọ bé. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ đã rút con dao thành công nhưng nguy cơ biến chứng vẫn tiềm ẩn. Nghi can bị bắt giữ ngay sau đó và nhà chức trách xác định bà này bị bệnh tâm thần.