Trước tình hình dịch bệnh khó lường, ngoài triển khai áp dụng các biện pháp khống chế, sự tự giác chấp hành quy định của người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Sau thời gian tạm kiểm soát tình hình, Việt Nam đang phải đối mặt làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 có diễn biến phức tạp.
Nước ta hiện ghi nhận tổng cộng 20.859 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong nước và 1.882 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 19.289.
Trước những mối nguy chưa có dấu hiệu dừng lại, sự chung tay, đồng lòng và ý thức chống dịch của người dân cả nước đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Tình hình hiện nay
Hiện, dịch Covid-19 ở một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam... đã phần nào được khống chế. Tuy nhiên, dịch ở một số tỉnh phía Nam lại đang bùng phát mạnh.
TP.HCM là địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất cả nước, tình hình diễn biến phức tạp do đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm. Dịch cũng đã lan rộng sang Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng nhiều tỉnh, thành phố miền Trung và khu vực Tây Nam bộ.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng nguyên nhân thứ nhất là do biến chủng Delta từ Ấn Độ đang lây lan rất nhanh, khó kiểm soát.
Thứ hai, công tác phòng dịch, giãn cách xã hội ở TP.HCM thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là tại các khu vực tập trung đông người như chợ.
Người dân cần làm gì
Tại các địa phương, đặc biệt là điểm nóng TP.HCM, "đang ở đâu, ở yên đó" vẫn là điều cần thiết, quan trọng nhất mà người dân cần tuân thủ lúc này.
Ngoài ra, mọi người cần hạn chế tụ tập theo nhóm, chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết và luôn nhớ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên.
Người dân sống tại điểm nóng bùng dịch không nên hoảng loạn, vì tâm lý tích trữ lương thực hay khẩu trang mà tập trung đến siêu thị quá đông, bởi sẽ ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Tại TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm. Ngoài một số chợ truyền thống vẫn được hoạt động, thành phố còn hàng nghìn siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu người dân.
Ở các địa phương khác, dù tình hình dịch đã được kiểm soát hay chưa, người dân vẫn không được lơ là, chủ quan, luôn tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Ngoài ra, người dân cần theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách của địa phương qua các nguồn tin chính thống, không chia sẻ các thông tin xuyên tạc, gây kích động hoặc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi người có thể đóng góp vào công tác phòng chống dịch bằng cách ủng hộ quỹ vaccine phòng Covid-19 hay các hoạt động tình nguyện tại địa phương.