Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Oan sai có bóng dáng của tội phạm tham nhũng

"Tham nhũng trong hoạt động tư pháp là ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô mới dẫn đến thay đổi hồ sơ vụ án, mới dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật", ĐBQH Đỗ Văn Đương nêu.

Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi. Đây là một trong những nội dung tuy không mới nhưng được nhiều đại biểu nêu ý kiến khi đóng góp vào dự thảo luật.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), từ 1989 đến nay, cơ quan điều tra của VKSND tối cao được giao nhiệm vụ điều tra các hoạt động xâm phạm tư pháp. Chính vì vậy, dự thảo luật này kế thừa luật cũ và xuất phát từ chức năng công tố của VKSND trong tố tụng hình sự. VKS có trách nhiệm tham gia vào tất cả các giai đoạn của tố tụng tư pháp để kiểm soát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng. Do đó VKS có đầy đủ điều kiện để phát hiện nắm bắt kịp thời các hành vi phạm tội và xâm phạm hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, theo ông Thuyền thực trạng ngành tư pháp nước ta vẫn còn một số hạn chế như chất lượng hoạt động tư pháp chưa cao, vẫn còn hiện tượng bắt giam người trái pháp luật để xảy ra oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ tư pháp xuống cấp về đạo đức. "Việc duy trì cơ quan điều tra của VKS như một cơ quan chuyên trách, độc lập để phát hiện, điều tra, xử lý một cách khách quan và phòng ngừa hiệu quả đối với loại tội phạm này là cần thiết", đại biểu Thuyền nêu quan điểm.

Cũng có ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng: Cơ quan điều tra của VKS chỉ điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp nhưng thẩm quyền điều tra của cơ quan này cũng cao."Nếu như VKS chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì không loại trừ được hành vi tội phạm ẩn nấp đằng sau vi phạm. Thực tiễn cho thấy trong hoạt động tư pháp, oan sai có bóng dáng của tội phạm tham nhũng. Tham nhũng trong hoạt động tư pháp là ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô mới dẫn đến thay đổi hồ sơ vụ án, mới dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật", đại biểu Đương nêu ý kiến.

Cũng nói về thẩm quyền điều tra, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng luật cần bổ sung quy định để trường hợp trong vụ án VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cơ quan công an không điều tra thì VKS trực tiếp điều tra.

Nói về nâng cao chất lượng cho đội ngũ KSV, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng phải cải cách cái đầu, lương tâm, trách nhiệm của người KSV. Kinh phí phải tập trung vào vấn đề này, làm sao cho người KSV phải độc lập chỉ có tuân theo pháp luật. "Chỉ độc lập khi có cơ chế pháp lý chặt chẽ để không có sơ hở, phải có cơ chế lương thỏa đáng khi không phải nghĩ đến tiền họ mới trong sáng được", đại biểu Đương nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, hiện nay các cơ quan tư pháp đang bị chi phối bởi 3 vấn đề: chính trị, tiền bạc, tình cảm. "Tôi cho rằng yếu nhất hiện nay do đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. Một số cán bộ hiện nay bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì mới xảy ra oan và sai chứ không phải do tổ chức bộ máy", đại biểu Thuyền nói.

http://danviet.vn/thoi-su/oan-sai-co-bong-dang-cua-toi-pham-tham-nhung/2014060512075574p1c24.htm

Theo Lương Kết/ Dân Việt

Bạn có thể quan tâm