Thể loại: Tâm lý, Kinh dị
Đạo diễn: Khoa Nguyễn
Diễn viên: Quang Sự, Oanh Kiều, Phạm Quỳnh Anh, Quốc Cường
Đánh giá: 5.5/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Chuyện phim bắt đầu khi Phương Vy (Phạm Quỳnh Anh) đến nhà tiểu thuyết gia An Nhiên (Oanh Kiều) trong một đêm mưa. Cô bất ngờ phát hiện người em có nhiều dấu hiệu về thần kinh, đang tự nhốt mình trong nhà vệ sinh với vẻ mặt sợ hãi.
Không còn cách nào khác, Vy thuyết phục An Nhiên đến bệnh viện của Tuấn Khang (Quốc Cường) - chồng Vy - để điều trị. Tại đây, An Nhiên gặp được bác sĩ Tường Minh (Quang Sự) và trở thành bệnh nhân của anh.
Điểm sáng về diễn xuất
Tác phẩm gây chú ý bởi dàn diễn viên thực lực. Quang Sự, Oanh Kiều và Quốc Cường đều là những diễn viên lâu năm, đạt thành tựu nhất định trong nghề. Dù là ca sĩ, Phạm Quỳnh Anh từng có kinh nghiệm đóng phim điện ảnh, nhận được nhiều lời khen qua Thần tượng (2013) và Chàng trai năm ấy (2014).
Khoảng nửa tiếng đầu, phim tập trung vào những đoạn hội thoại và tâm lý hai nhân vật chính. Để tìm hiểu và giúp đỡ An Nhiên, bác sĩ Tường Minh vạch ra liệu trình gồm tám buổi gặp gỡ và nói chuyện trong vòng hai tháng.
Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên thực lực. |
Hóa thân An Nhiên, Oanh Kiều thể hiện lối diễn đa dạng ở hai trạng thái khác biệt: lúc bình thường và khi phát bệnh. Trái ngược với một tiểu thuyết gia hiền lành, ít nói là một bệnh nhân tâm thần có biểu cảm đáng sợ và suy nghĩ khó đoán.
Trong khoảng ba tháng, An Nhiên thường xuyên có những triệu chứng hoang tưởng. Nữ văn sĩ luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh Lê Vân (Lý Hồng Ân) – nhân vật trong cuốn tiểu thuyết do cô chấp bút. Có khi An Nhiên nằm mơ thấy Lê Vân, có khi lại bị hồn ma đeo bám ngay giữa ban ngày.
Một cảnh quay đáng nhớ là khi An Nhiên dùng bút chì tự đâm vào tay khi đang vẽ. Bằng ánh mắt sắc lạnh, Oanh Kiều trở thành người phụ nữ điên cuồng, không thể kiểm soát hành vi. Nữ diễn viên thực sự sống trong nhân vật, khiến người xem giật mình vì thái độ thay đổi bất ngờ.
Ngược lại, Quang Sự lôi cuốn khán giả bằng lối diễn điềm đạm trong vai bác sĩ tâm lý. Khi ngồi cạnh bệnh nhân, Tường Minh thực sự là “người lắng nghe”. Anh quan sát người đối diện bằng ánh mắt ân cần, sẵn sàng tiếp thu mọi thông tin để tìm hướng giải quyết.
Nếu Oanh Kiều là lửa, Quang Sự sẽ là nước. Cả hai diễn viên đều có ngoại hình đẹp, đài từ tốt, chọn lối xử lý nặng về nội tâm. Khi đứng cùng khung hình, bộ đôi phối hợp ăn ý, giúp phim thu hút hơn.
Dàn diễn viên phụ ở mức tròn vai. Trong đó, Phạm Quỳnh Anh là vẫn là cái tên hút khách so với các đồng nghiệp. Tuy không có nhiều đất diễn, cô vẫn lột tả tốt cảm xúc nhân vật trong phân cảnh bi. Nữ ca sĩ thể hiện cảnh khóc mượt mà, cho thấy cô có thể đảm nhận được những dạng vai nặng ký hơn trong tương lai.
Kịch bản lê thê
Tác phẩm là phim đầu tay của Khoa Nguyễn. Trong lần chào sân ở mảng điện ảnh, anh mạnh dạn đảm nhận cùng lúc vị trí đạo diễn và biên kịch. Tuy nhiên, nhà làm phim cho thấy sự non nớt trong cả hai vai trò.
Với thời lượng 119 phút, phim tập trung nhiều vào thoại. Thông qua những mẩu trò chuyện của các nhân vật, khán giả hiểu rõ hơn về suy nghĩ, diễn biến tâm lý và số phận từng người. Song, việc các đoạn hội thoại dàn trải xuyên suốt có thể khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa, lời thoại trong phim đôi chỗ còn hơi kịch, chưa thực sự tự nhiên.
Tạo hình của Quang Sự trong phim. |
Bên cạnh hai nhân vật chính, biên kịch lồng ghép nhiều nhân vật phụ khiến đường dây câu chuyện bị rối. Một số nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua, sau đó biến mất mà không để lại cảm xúc.
Điển hình là cha và mẹ kế của An Nhiên đang sống ở Đà Lạt hay bác sĩ cấp trên của Tường Minh (Hữu Châu đóng). Ngoài An Nhiên, Tường Minh còn đang hỗ trợ một bệnh nhân nam khác. Thi thoảng, câu chuyện về nhân vật được chèn vào khiến mạch phim bị đứt quãng.
Trong khoảng một tiếng đầu, kịch bản cài cắm những tình tiết mang tính báo trước (foreshadowing), làm bàn đạp cho cú twist xuất hiện giữa phim. Song, các yếu tố còn dễ đoán, khiến nội dung phần sau không bất ngờ. Tâm lý nhân vật chưa thuyết phục khi thay đổi 180 độ.
Một số chi tiết bị làm quá để đẩy mạnh kịch tính nhưng chưa tới. Chẳng hạn, Phương Vy và Tuấn Khang được giới thiệu từ đầu phim như cặp vợ chồng thành đạt, hạnh phúc. Đến giữa phim, bộ đôi bắt đầu chuyển sang cãi vã.
Lý do mâu thuẫn khá quen thuộc: cô tập trung vào công việc hơn chuyện con cái, còn anh trở thành người chồng không quan tâm vợ. Mâu thuẫn được tạo ra chủ yếu để tăng đất diễn cho Phạm Quỳnh Anh chứ không ảnh hưởng đến số phận của hai nhân vật chính.
Dù kịch bản dài dòng, biên kịch vẫn chưa giải quyết một số chi tiết cài cắm từ đầu. Từ nỗi ám ảnh của An Nhiên với Lê Vân, mối liên hệ giữa cô và Tường Minh, đến những bí ẩn trong quá khứ của các nhân vật đều được xử lý chưa hiệu quả.
Lối kể chuyện đơn điệu
Để kể lại câu chuyện, Khoa Nguyễn pha trộn thể loại chính kịch, tâm lý với một chút kinh dị. Các yếu tố kinh dị trong phim không đóng vai trò hù dọa hay gây sợ. Chúng chỉ có nhiệm vụ giúp cho khán giả hiểu rõ hơn về tâm lý nhân vật.
Nhà làm phim cho người xem tận mắt chứng kiến những gì đang ngày đêm ám ảnh An Nhiên. Qua đó, anh muốn nhấn mạnh cảm giác rối loạn của các bệnh nhân tâm thần, mắc bệnh trầm cảm. Họ luôn rơi vào tình trạng sợ hãi, bí bách nhưng không thể sẻ chia.
Một vài cảnh mang màu sắc kinh dị trong phim. |
Hạn chế của Khoa Nguyễn là thiếu sự sáng tạo. Ngôn ngữ điện ảnh trong phim không nhiều, đôi chỗ còn có hơi hướm phim truyền hình. Anh gây ấn tượng trong khoảng 15 phút đầu bằng những góc máy lạ, ánh sáng đẹp và sự đầu tư về mặt thiết kế sản xuất. Song, càng về cuối đạo diễn càng đuối sức, tác phẩm trở nên một màu.
Tạo hình ma quỷ trong phim còn đơn điệu, quen thuộc. Hồn ma Lê Vân luôn xuất hiện như xác chết đuối với mái tóc dài buông xõa che kín mặt. Trong một phân đoạn, đạo diễn sao chép cảnh kinh điển trong tác phẩm kinh dị Ringu (1998) của Nhật Bản khi để Lê Vân bước ra từ trong gương.
Khi chuyển sang các cảnh tâm lý, đạo diễn lại học hỏi khá nhiều từ dòng melodrama của Hàn Quốc. Các nhân vật luôn rơi vào bi kịch trầm trọng, đau đớn và khóc lóc. Sau đó, nút thắt lại được giải quyết dễ dàng.
Ngoài ra, nhà làm phim sử dụng các hình ảnh lặp lại như hồ nước, hoàng hôn đỏ. Thủ pháp không đẩy mạnh cảm xúc mà chỉ tạo cảm giác nhàm chán, thiếu đa dạng. Phần âm nhạc - Nguyễn Công Phương Nam phụ trách - phần lớn là các bản giao hưởng không lời, với piano chủ đạo càng làm mạch phim chậm rãi, kém thu hút.
Trong khoảng 25 phút cuối, tác phẩm như đưa người xem bước vào một câu chuyện hoàn toàn khác. Thậm chí, sau khi phần danh đề (closing credits) hiện lên, phim vẫn chưa kết thúc. Đạo diễn cố tình chèn thêm cảnh hậu danh đề (post-credits scene) để hù dọa khán giả, khiến giá trị tác phẩm càng giảm sút.
Nhìn chung, Người lắng nghe có nửa đầu khá tốt nhưng càng đuối sức ở cuối. Đạo diễn chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu sự tiết chế, khiến tác phẩm trở nên dài dòng và bất hợp lý. Điều ám ảnh nhất phim không phải là hồn ma Lê Vân hay căn bệnh của An Nhiên, mà là nửa tiếng cuối cùng.