Dự kiến sẽ có khoảng 15 triệu lượt du khách đến Paris trong thời gian diễn ra Thế vận hội (26/7-11/8). Ảnh: @adelinerbr. |
UMIH Prestige, đơn vị đại diện cho các khách sạn có giá phòng tối thiểu 800 euro/đêm, cho biết nhu cầu lưu trú tại các phòng cao cấp tại Paris sụt giảm mạnh bất chấp trước thềm Thế vận hội, theo The Star.
Đơn vị này cho hay lượng đặt phòng trong tuần cuối tháng 6 và hầu hết tháng 7 giảm 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Christophe Laure, giám đốc UMIH Prestige, cho biết: "Paris đang chứng kiến nhu cầu phòng khách sạn sang trọng giảm mạnh trước Olympic".
Ế ẩm
Bà Laurence Bloch, phó tổng giám đốc Plaza Athenee, nơi khách phải trả ít nhất 2.500 euro/đêm cho những căn phòng sang trọng chỉ cách các cửa hàng Chanel và Christian Dior một quãng ngắn, cũng khẳng định điều tương tự.
"Trong suốt 24 năm làm việc trong ngành du lịch khách sạn, tôi chưa từng thấy điều này", bà nói.
Bà cho rằng chính tình trạng giao thông hỗn loạn tại Paris do xây dựng các cơ sở phục vụ Olympic đã đẩy tỷ lệ lấp phòng xuống rất thấp, chỉ 15% trong những ngày đầu tháng 7.
Nhiều khách sạn hạng sang tại Paris ngán ngẩm vì lượng khách ế ẩm trước thêm Olympics. Ảnh: @itssoparis, @lamour.olya. |
Tình hình kinh doanh khách sạn tại Paris được cho là có khởi sắc từ ngày 25/7 trở đi, trước khai mạc Olympic một ngày.
Plaza Athenee, đại diện khách sạn hạng sang Dorchester Collection, tiết lộ tỉ lệ lấp phòng đã đạt 85% sau ngày 25/7. Phần lớn du khách đi theo đoàn, là doanh nghiệp đến xem Thế vận hội. Tuy nhiên, điều này được cho là vẫn chưa đạt đúng như kỳ vọng mà các doanh nghiệp lưu trú đề ra.
Không chỉ các khách sạn, nhiều nhà hàng ở Paris cũng cùng chung cảnh ngộ "ế ẩm" dù Olympic đã chính thức khởi tranh.
Thierry Gardinier, chủ hai nhà hàng 2 sao Le Taillevent ở quận 8, gần Nhà Hát Opéra, tiết lộ: "Chúng tôi đang chứng kiến tình hình kinh doanh ảm đạm. Tháng 7, lượng khách ít, giảm 10-20% so với năm 2023. Thậm chí, cơ sở khác của nhà hàng còn giảm 25-30%. Đây là một bước lùi lớn. Tôi nghĩ rằng Thế vận hội là một sự kiện tuyệt vời, nhưng việc kinh doanh lại khiến chúng tôi lo lắng".
"Vỡ mộng" Paris
Tình trạng giao thông hỗn loạn dường như chỉ là một trong những nguyên do cơ bản lý giải cho việc du khách kém mặn mà với Paris kể cả có Olympic.
Theo tờ Le Monde, "kinh đô ánh sáng" luôn chứa nhiều vấn đề bất cập và không phải lúc nào cũng có uy tín tốt đối với khách du lịch nước ngoài.
Kelly, một người Canada có chuyến du lịch ở Paris, liệt kê những trải nghiệm không mấy dễ chịu mà cô đã gặp trong 3 ngày ở đây. Cụ thể, một ly Coca Cola được bán với giá 7 euro.
"Với mức giá đó ở Canada, tôi có thể mua cả 1 thùng", Kelly nói.
Nhiều du khách quốc tế phản ánh về giá cả leo cao và giao thông bất tiện ở Paris. Ảnh: @carolina.ldno. |
Cô cho biết thêm đã dùng tiếng Anh để hỏi đường một viên cảnh sát, nhưng sĩ quan này lại nói lớn "Circulez!" (Tiếp tục đi đi). Điều này làm cô sợ hãi.
Kelly cũng phàn nàn về một tài xế taxi không chịu bật đồng hồ tính tiền mà thẳng tay thu của cô phí 50 euro cho chuyến đi từ Pigalle đến Concorde kéo dài 2,6 km.
Nhưng Kelly cho rằng điều tồi tệ nhất chính là người dân Paris dường như không thích du khách quốc tế không nói được tiếng Pháp. Gặp rất nhiều người Pháp tốt bụng, nhưng nữ du khách Canada vẫn cảm thấy buồn vì lối văn hóa kỳ lạ này.
Ngoài ra, thêm điều đáng lo ngại khi du lịch Paris là vấn đề an ninh khi tội phạm thường nhắm vào khách quốc tế. Trong một báo cáo của quốc hội được công bố vào năm 2019, khách du lịch nước ngoài chiếm 23% nạn nhân liên quan đến các vụ trộm cắp trên đường phố Paris, theo Le Monde.
Có nên lo lắng?
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trải nghiệm của du khách tại Paris đang được cải thiện.
"Khi tôi đến Paris vào đầu những năm 2000, khách du lịch thường cảm thấy khó chịu với văn hóa ở đây. Nhưng điều đó đã thay đổi, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các cửa hàng kinh doanh đã nhận ra rằng khách du lịch không phải lúc nào cũng đến. Hơn nữa, thời buổi hiện đại không điều gì giấu nổi phương tiện truyền thông. Điều này khiến họ phải cẩn thận hơn", Lindsey Tramuta, một nhà báo người Mỹ sống tại Thủ đô Paris, cho biết.
Nhiều cơ sở kinh doanh, khách sạn chú trọng hơn vào nâng cao dịch vụ phục vụ nhóm đối tượng du khách nước ngoài. Ảnh: @sakuta_kirsch. |
Các tổ chức cũng đưa ra một số thay đổi nhằm cải thiện nền du lịch thủ đô. Chẳng hạn, chính quyền bắt tay vào kế hoạch giảm số lượng khách tham quan tháp Eiffel và phân bổ đều hơn nhờ vào dịch vụ đặt vé trực tuyến.
Thêm vào đó, biển báo được cải thiện tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle, giá cố định cho taxi sân bay...
"Đối với các khách sạn, nhà hàng, họ ngày càng cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ. Điều này làm thay đổi bầu không khí và mang lại cảm giác chân thực hơn, giúp cải thiện sự hài lòng của du khách", Frédéric Hocquard, phó giám đốc du lịch của Thành phố Paris, cho biết.
Nhận thức được những bất cập hạn chế du lịch thành phố, trước khi Olympic diễn ra, nhiều tổ chức đã triển khai các khóa đào tạo về dịch vụ khách sạn.
Trước thềm Thế vận hội, Atout France, cơ quan chính phủ Pháp chịu trách nhiệm quảng bá du lịch, chia sẻ khoảng 50 video tổng hợp từ các chuyên gia du lịch nêu chi tiết cách ứng xử đối với du khách nước ngoài.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.