Trưa 23/7, các thành viên đội tuyển Việt Nam về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, sau kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 60 diễn ra ở thành phố Bath, Vương quốc Anh.
TS Lê Bá Khánh Trình - Phó trưởng đoàn Việt Nam - trao đổi với báo chí về thành tích 6 học sinh đều giành huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc.
Toán học Việt Nam cần có mục đích vươn xa
- Ông nhận định như thế nào về kết quả xếp hạng bảy của đoàn Việt Nam năm nay? Việc Thái Lan có thứ hạng cao (thứ 5) chứng tỏ phong trào bồi dưỡng Toán học của các nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có những bước phát triển mạnh mẽ?
- Tôi dẫn đoàn tham dự Olympic Toán quốc tế từ năm 2012. Nhiều năm, học sinh Việt Nam giành thành tích cao. Đây không phải năm đạt kết quả cao nhất, nhưng tinh thần của các em rất tốt.
Các nước Đông Nam Á đều cạnh tranh để vươn lên giành thứ hạng cao trong cuộc thi, trở thành nước đứng đầu khu vực. Họ phát triển phong trào học sinh giỏi rất mạnh, để không bị thua kém bất cứ quốc gia nào.
TS Lê Bá Khánh Trình - Phó trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2019. Ảnh: Q.Q. |
- Phần lớn thí sinh dự Olympic Toán quốc tế của Việt Nam đều du học, một số em ở lại nước ngoài. Ông có trăn trở về điều này?
- Tôi và các thế hệ Olympic Toán quốc tế vẫn kết nối với nhau. Tôi nhận thấy sự nghiệp và tương lai của các em không chỉ theo Toán học, mà các môn khác đều rất toàn diện.
Năm 2012, lần đầu tôi đưa học sinh dự thi Toán Olympic quốc tế. Bây giờ, các em vừa tốt nghiệp, đang làm tiến sĩ. Thật khó nói các em ở lại hay trở về Việt Nam.
Chúng ta không nên quá lo ngại về việc các em ở lại nước ngoài hay "chảy máu chất xám". Nếu 10 năm đi học, các em chưa trở về thì 15 năm sau sẽ về, bởi điều kiện làm việc trong nước cũng tốt. Các em cũng có thể đóng góp với nhiều cách thức khác nhau khi xã hội ngày càng "phẳng".
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có chính sách đãi ngộ sao cho công bằng, và không khí làm việc tốt ở trong nước.
Kỷ niệm về cuộc hội ngộ bất ngờ
- TS Trần Nam Dũng đi cùng đoàn, đã viết lại câu chuyện cảm động ngày 18/7 tại Vương quốc Anh, TS Lê Bá Khánh Trình có cuộc hội ngộ với GS Tony Gardiner - vị giám khảo trong kỳ thi năm 1979. Cách đây 40 năm tại thủ đô nước Anh, ông đoạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời giành giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi đó. Ông có thể chia sẻ thêm về cuộc gặp gỡ bất ngờ này không?
- Tôi gặp lại GS Tony Gardiner, năm nay, ông 82 tuổi. Ông là giáo sư của một trường đại học lớn. Hai người mái đầu đã đều bạc và rất xúc động. Có lẽ GS Tony Gardiner nghĩ đoàn Việt Nam sẽ đi qua nên ông đứng chờ, thấy tôi là người lớn tuổi nhất đoàn nên tìm gặp.
Chúng tôi chào nhau rất thân tình. GS Tony Gardiner nhắc lại kỷ niệm 40 năm trước, khi bài giải của tôi khiến mọi người đều bất ngờ vì ngắn gọn. Chính bài giải này đã tạo tiền đề để ban giám khảo đề nghị trao giải đặc biệt.
GS Tony Gardiner - thành viên trong nhóm chấm hình học - kể trước đó, ban giám khảo đã tính hết nước cho các bài giải hình. Vì vậy, thấy lời giải quá ngắn, họ đều cười nhưng sau khi xem đều bất ngờ vì lời giải của tôi.
Trưa 23/7, Bộ GD&ĐT tổ chức đón đoàn học sinh thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2019 tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Năm nay, 2 học sinh đoạt huy chương vàng, 4 em giành huy chương bạc.
Hai huy chương vàng thuộc về em Nguyễn Nguyễn (trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) và Nguyễn Thuận Hưng (trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Bốn huy chương bạc gồm: Vương Tùng Dương (trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Khả Nhật Long (trường chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Vũ Đức Ninh (trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Phan Minh Đức (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam).
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, năm 2018, Việt Nam có 38 học sinh tham dự kỳ thi Olympic quốc tế, tất cả đều giành huy chương (13 vàng, 14 bạc, còn lại là huy chương đồng). Năm nay, đội tuyển Việt Nam tiếp tục giành thành tích tốt ở các môn Toán, Vật lý, Sinh học.