Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ôm Tết Việt sang đất khách ngay trước Tết

Sát Tết Nguyên đán, trong khi cả Tiến Quốc và Ánh Tuyết đều phải xa gia đình cho kịp lịch học ở trường, Nguyên Phương đã bắt đầu tự chuẩn bị cho cái Tết thứ 3 ở đất khách.

“Tết là dịp để đoàn viên, ‘đi xa để trở về’, nhưng mình thì ngược lại. Sau Tết Dương lịch, ngày 4/1 vừa qua, mình phải bay qua Pháp cho kịp lịch học năm nay. Đây cũng là năm đầu tiên mình phải ăn Tết xa gia đình”, Tiến Quốc (19 tuổi, du học sinh tại Pháp) chia sẻ với Zing và cho hay cậu không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà mỗi khi bố mẹ, bạn bè gọi điện, nhắn tin hỏi thăm.

Cũng giống Quốc, Ánh Tuyết (21 tuổi, sinh viên năm 2 ĐH Minerva) vừa rời Việt Nam vào ngày 12/1 để sang Ấn Độ học tiếp học kỳ mới. Cô bạn cho hay chỉ kịp ăn Tết Dương lịch tại Việt Nam rồi bay đi học tiếp.

Tết đặc biệt

Năm nay, Tuyết về Việt Nam từ ngày 18/12/2022. Theo đúng lịch, cô phải bay sang Ấn Độ từ ngày 5/1, nhưng vì muốn dành thêm thời gian cho gia đình, cô xin nhà trường sang muộn hơn một tuần.

Năm nay, tranh thủ con gái được về nhà sát Tết, gia đình Tuyết quyết định đón Tết Quý Mão sớm hơn thường lệ, trùng với dịp nghỉ 1/1. Đây cũng là cái Tết đầu tiên Tuyết được sum vầy cùng gia đình sau 2 năm xa nhà.

Tet Viet cua DHS anh 1

Ánh Tuyết bên cây nguyện ước tự làm trong cái Tết đầu tiên sau 2 năm xa nhà. Ảnh: NVCC.

“Chương trình học của mình là mỗi học kỳ một nước. Năm ngoái, mình ăn Tết Dương lịch ở Mỹ, ăn Tết Âm lịch ở Hàn Quốc. Năm sau, kỳ 1 mình học ở Argentina, kỳ 2 mình ở Anh nên đây là có thể là cái Tết duy nhất mình được ở Việt Nam”, Tuyết chia sẻ.

Để chuẩn bị cho cái Tết đặc biệt này, ông bà ngoại Tuyết đã bay từ Nam Định vào Đắk Nông để ăn Tết cùng gia đình cô. Năm năm rồi, Tuyết mới được ăn Tết cùng ông bà hai bên. Vì vậy, cô trân trọng mọi khoảnh khắc được ở cùng gia đình.

“Cả gia đình mình cùng nhau làm cây nguyện ước. Bố lên rừng chặt cây, ông ngoại đẽo đục, mẹ và bà cùng dọn nhà, mình và chị mua đồ trang trí. Đã rất lâu rồi mình mới được ăn Tết với ông bà 2 bên, như quay về tuổi thơ vậy”, Tuyết hồi tưởng.

Khóc vì nhớ nhà

Trong khi đó, Tiến Quốc đang phải xoay xở cho cuộc sống mới ở thủ đô Paris.

“Mọi năm giờ này, mình đang dọn dẹp nhà cửa, đi lựa đồ Tết cùng bố mẹ. Còn bây giờ phải tự lo mọi thứ từ sắp xếp chỗ ở, làm quen với trường lớp, học hành, nhiều lúc, mình lại thấy cô đơn", Quốc chia sẻ.

May mắn, ở Pháp, Quốc sống cùng nhà với 3 anh chị du học sinh người Việt, nam sinh nhận được hỗ trợ khá nhiều từ họ. Nhờ vậy, cuộc sống mới bớt bỡ ngỡ phần nào. Mấy ngày nay, cứ đến bữa tối đông đủ cả nhà, Quốc cùng các anh chị sôi nổi bàn bạc, lên kế hoạch cho dịp Tết này.

“Năm nay, giao thừa và mùng 1 Tết trùng với ngày cuối tuần. Vì vậy, mình cùng anh chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Mọi người dự tính làm mâm cơm giao thừa, mừng năm mới đúng chất Việt nhất", Quốc nói và chia sẻ thêm mâm cơm sẽ bao gồm bánh chưng, giò thủ, giò lụa, nem rán, thịt kho, xôi, dưa món… cùng mâm ngũ quả.

Tet Viet cua DHS anh 2

Tiến Quốc dự định cùng bạn bè nấu cỗ tất niên tại Pháp. Ảnh: NVCC.

Mới sang Pháp, do chưa quen với chi tiêu tại đây, Quốc cảm thấy cái gì cũng đắt đỏ. Nam sinh cho biết một chiếc bánh chưng mua tại Pháp có giá 400.000 đồng, giò lụa là hơn 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để mâm cơm mang nét Việt nhất, mọi người trong nhà đặt tới 2 chiếc bánh chưng để ăn Tết.

Ngoài ra, để nấu mâm cơm Việt Nam, Quốc cùng mọi người cũng phải tận dụng mọi gia vị sẵn có cùng sự sáng tạo sao cho các món có vị giống “mẹ làm" nhất. Ở Pháp, các loại gia vị Việt có nhưng chắc chắn không đầy đủ như ở Việt Nam.

“May mắn, mình có đồng hương ở nước bạn, Tết năm nay dù xa nhà cũng phần nào ấm cúng, có không khí gia đình", Quốc chia sẻ.

Ở Mỹ, Nguyên Phương cũng gặp khó khăn tương tự Quốc trong việc bày biện mâm cỗ Tết. Chỉ có một bạn người Việt ăn Tết cùng nhưng do thích bày vẽ, Phương chuẩn bị Tết từ sớm. Vì là năm thứ 3 ăn Tết tại Mỹ, Phương cho hay mình đã dần quen với cảm giác đón Tết xa nhà. Mặt khác, cô cũng dần quen với việc bày biện nấu mâm cơm Tết Việt.

“Mình mua hoa cắm, cuốn nem, nấu thịt đông từ trước. Giao thừa chỉ luộc gà với nấu miến nữa thôi”, cô hào hứng chia sẻ.

Phương cho biết không phải chợ châu Á ở Mỹ nào cũng có bán đủ đồ Việt Nam. Vì không có bánh đa, Phương phải cuốn nem bằng bánh tráng. Tại Mỹ cũng không có thịt chân giò nên cô bạn phải nấu thịt đông bằng thịt ba chỉ.

“Không chỉ thế, mua đồ trang trí cũng khó nữa. Người Việt gọi năm nay là năm mèo. Tuy nhiên, người Trung Quốc lại gọi là năm thỏ. Đồ trang trí toàn hình thỏ nên mình không mua được gì trang trí”, Phương bổ sung cô vẫn chưa tìm được bánh chưng tại bất kỳ ngôi chợ nào gần nhà.

Chính vì vậy, cảm giác thiếu thốn, nhớ nhà luôn thường trực với Phương, dù cô đã quen với việc ăn Tết ở Mỹ mấy năm qua.

“Hôm rồi, mình đứng chuẩn bị cà rốt, nhớ bà ngoại thường mắng mình tỉa hoa dặt dẹo, mình không kìm được nước mắt vì nhớ ông bà. Bà thường bảo Tết thì phải có hoa mới là Tết. Nhà mình cũng hay chưng hoa lay ơn, mình ở Mỹ cũng gắng mua hoa lay ơn về chưng cho được”, Phương kể.

Mang áo dài, lì xì ra nước bạn

Các năm trước, Phương cũng thường diện áo dài để chụp hình vào mỗi mùng 1 Tết dù trời ở Mỹ rất lạnh. Năm Quý Mão 2023, nữ sinh đã chuẩn bị sẵn một chiếc áo dài đỏ có in hình chú mèo để diện Tết.

Tương tự, Quốc cho hay năm nay, chương trình Tết do Hội sinh viên Việt Nam tổ chức sẽ có phần thi áo dài. Chính vì vậy, các anh chị trong nhà đã là lượt, chuẩn bị các bộ áo dài truyền thống, sẵn sàng tham gia chương trình.

Trong khi đó, Ánh Tuyết lại mang bao lì xì sang Ấn Độ để mừng năm mới cùng các bạn. Bao lì xì của Tuyết không có tiền, thay vào đó là lời chúc cô gửi gắm đến từng người. Ngoài, trong bao lì xì còn có mã QR, khi quét sẽ ra ảnh 3D. Tuyết hy vọng đây là dịp cô có thể mang nét Tết Việt ra nước ngoài.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Giáo dục năm Quý Mão

Trong năm Quý Mão, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi nhiều. Học phí tại các trường đại học có thể tiếp tục tăng.

Linh Thùy - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm