Cấu trúc căn bản của Ơn giời, cậu đây rồi! là đưa các thí sinh (nghệ sĩ nổi tiếng) vào các tình huống mà bản thân họ không biết trước nội dung để trổ tài ứng biến và diễn xuất. Tình huống có thể là tàu vũ trụ, ngục tối thời La Mã, địa ngục, bệnh viện, nhà cổ, khu rừng... Sau câu chào “Ơn giời, cậu đây rồi!”, “cậu ấy” phải lập tức sống với thân phận mới trong căn phòng, mà thử thách của các trưởng phòng không hề dễ dàng.
Gặp gió… tấu hài
Dù sản xuất theo định dạng chương trình Thank God You're Here của Australia, nhưng có thể nói Ơn giời, cậu đây rồi! đến Việt Nam giống như diều gặp gió… tấu hài. Bởi Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Nam có khá đông nghệ sĩ đã và đang diễn tấu hài, dễ hợp chất với chương trình vui nhộn, phi kịch bản này.
Về mặt kịch và thông điệp, các tiểu phẩm tấu hài có thể mỏng, nhảm, nhưng về sự tương tác và ứng biến, diễn tấu hài rất khó, luôn cần bản lĩnh đặc biệt của các diễn viên. Không chỉ vì độ thu hút mà BTC mời Xuân Bắc làm MC, giám khảo là Hoài Linh, còn các trưởng phòng do Việt Hương, Chí Tài, Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Trấn Thành, Trường Giang, Tự Long, Công Lý… đảm trách. Lý do chính vẫn là các nghệ sĩ này dày dạn kinh nghiệm sân khấu, giỏi nghề, đa phần đều có gắn bó với tấu hài.
Trước giám khảo và các trưởng phòng quái chiêu này, chỉ những nghệ sĩ quen với việc diễn cương, giỏi ứng biến với kịch bản từ… trên trời rơi xuống thì mới có thể trụ được cùng thử thách. Anh Đức, Ốc Thanh Vân, Phan Anh, Miu Lê, Quỳnh Trang, Trang Nhung, Lan Phương, Phi Thanh Vân, Sỹ Luân… đều là những nghệ sĩ có bản lĩnh, nhưng chỉ vì chưa quen với lối ứng biến của tấu hài nên đã bị “đơ” trước các tình huống quá bất ngờ.
Cũng chính vì nhấn vào khía cạnh giỏi ứng biến mà khán giả phần nào biết được chuyện bếp núc của nghề diễn xuất, nơi mà mồ hôi và nước mắt chưa hẳn đã đem đến thành tựu. Chương trình cũng “lật áo cho người xem” bản lĩnh của nhiều nghệ sĩ, dù nổi tiếng nhưng chưa chắc đã giỏi nghề, diễn có duyên. Nhiều nghệ sĩ diễn hay là do tập dượt cẩn thận trước đó, chứ không phải do khả năng tương tác với hoàn cảnh.
Chính điều này cũng giúp khán giả, đặc biệt các diễn viên mới vào nghề, phần nào hiểu được những khó khăn thật sự của nghề diễn xuất, nơi nhiều người vẫn ảo tưởng rằng toàn màu hồng.
Cần bản lĩnh để làm chủ sân khấu
Trước bối cảnh tấu hài đang bị thu hẹp đất sống tại các tụ điểm thì việc xuất hiện chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! cũng phần nào “an ủi” nghệ sĩ hài và gợi hứng cho người xem. Đành rằng đa phần kịch bản tấu hài là phải được duyệt trước, thế nhưng sức mạnh của tấu hài vẫn là ứng biến cho thật vui nhộn, sức mạnh của Ơn giời, cậu đây rồi! cũng là ứng biến vui nhộn như vậy. Chính vì vậy kịch bản chỉ còn là đường dây mờ nhạt, ứng biến diễn xuất mới là quan trọng nhất.
Những phản ứng trái chiều của khán giả và những điểm chưa hấp dẫn của Ơn giời, cậu đây rồi! cũng đến từ khía cạnh này. Bởi sự ứng biến luôn có 2 mặt. Nếu nghệ sĩ “đẳng cấp” cùng với những ứng biến thông minh và lịch lãm sẽ chinh phục được người xem, ngược lại nếu quá đà và nông cạn sẽ trở thành phản cảm. Trong live show đã diễn ra, những ứng biến của Phi Thanh Vân như ôm hôn MC Xuân Bắc; hoặc đùa hơi nhảm khi ứng biến ở tình huống tiêm thuốc cho chú gấu tạo nên những phản cảm làm công luận “nổi đóa”.
Thế nhưng, dường như BTC vẫn không muốn điều chỉnh định dạng của chương trình, vì nếu làm vậy sẽ đánh mất tính thực tế của một chương trình truyền hình. Cho nên ngoài dàn nghệ sĩ hài cứng cựa làm MC, giám khảo và các trưởng phòng, các thí sinh cũng cần có bản lĩnh và “đẳng cấp” xử lý tình huống mới có thể làm nên sự thành công của chương trình.