Wall Street Journal nhận định Tổng thống Joe Biden không có lựa chọn tốt vẹn cả đôi đường trong cuộc đàm phán trần nợ. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Joe Biden dường như không có lựa chọn nào tốt trong cuộc chiến nâng trần nợ ở Washington, theo Wall Street Journal.
Bộ Tài chính Mỹ có thể mất khả năng trang trải các nghĩa vụ thanh toán sau ngày 1/6 nếu ông Biden và các nghị sĩ Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, trong khi mọi con đường phía trước đều mang lại rủi ro chính trị cho vị tổng thống.
Việc chính phủ vỡ nợ có thể khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái và gây hỗn loạn tài chính toàn cầu trong lúc ông Biden đang tìm cơ hội tái đắc cử. Các biện pháp trả nợ không cần thông qua Quốc hội cũng có thể gây thiệt hại kinh tế, buộc ông Biden đưa ra những lựa chọn chính trị đau đớn về việc ai sẽ được thanh toán trước.
Ngay cả việc tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ với đảng viên Cộng hòa cũng đang vấp phải phản ứng dữ dội từ nhóm các nhà lập pháp cấp tiến, những người cho rằng ông Biden đang quay lưng lại với cam kết ban đầu.
Chọc giận đảng Dân chủ nếu thỏa hiệp
Từ đầu năm nay, Nhà Trắng khẳng định sẽ không đàm phán tăng trần nợ vì các đảng viên Cộng hòa đã tuyên bố việc tăng trần nợ cần đi kèm cắt giảm chi tiêu liên bang.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nhà Trắng đã đề xuất rút lại yêu cầu tăng chi tiêu để đổi lấy việc tăng trần nợ.
Song đảng Cộng hòa cho rằng điều đó là không đủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đang tìm cách thay đổi các yêu cầu về việc làm đối với những người nhận trợ cấp liên bang, đồng thời cải cách quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, đảng viên Cộng hòa. Ảnh: Reuters. |
Quyết định đàm phán với đảng Cộng hòa của ông Biden đã vấp phải phản ứng dữ dội từ một số đảng viên Dân chủ. Tuần trước, một nhóm gồm 66 hạ nghị sĩ Dân chủ đã viết thư cho tổng thống, kêu gọi ông từ bỏ các cuộc đàm phán với đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
“Chúng tôi tin rằng việc nhượng bộ với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và đàm phán về cắt giảm mạnh ngân sách trái với các giá trị chung của đảng Dân chủ”, các nhà lập pháp viết.
Nếu tổng thống Mỹ chấp nhận giới hạn chi tiêu, điều đó có thể hạn chế các lựa chọn chính sách của ông trước cuộc bầu cử năm 2024. Việc thắt chặt yêu cầu đối với các chương trình như phiếu thực phẩm sẽ không được lòng nhiều đảng viên Dân chủ.
Trong khi đó, một số quan chức chính quyền Biden nói rằng thỏa thuận chi tiêu với đảng Cộng hòa vốn không thể tránh khỏi, sau khi đảng này giành được quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11/2022.
Nhà Trắng có thể đưa ra một thỏa thuận lưỡng đảng như dẫn chứng về cách quản lý có trách nhiệm. Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa đã loại trừ phần lớn ưu tiên chính sách của ông Biden, bao gồm cả kế hoạch tăng thuế với nhóm người giàu để giảm thâm hụt.
Khó khăn đủ đường nếu không đạt thỏa thuận
Nếu không thể vay thêm, chính phủ Mỹ vẫn có doanh thu thuế và có khả năng tiếp tục thực hiện một số khoản thanh toán. Song nó không đủ để chi trả cho mọi nghĩa vụ.
“Sẽ có những lựa chọn khó khăn nếu không thể nâng trần nợ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trên Meet the Press hôm 21/5.
Theo các tài liệu công khai từ năm 2011 và 2013, khi chính phủ Mỹ cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nhân viên của Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang đã thảo luận về việc ưu tiên thanh toán lãi nợ chính phủ, nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên, một số đảng viên Dân chủ nói rằng Washington không nên thanh toán cho Phố Wall hay các chính phủ nước ngoài mà bỏ qua những khoản như an sinh xã hội cho người Mỹ cao tuổi.
Đầu năm nay, ông Ron Klain, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Biden, cũng chỉ trích ý tưởng này là bảo vệ lợi ích của người nước ngoài giàu có hơn người Mỹ.
Biện pháp này cũng sẽ không ngăn chặn được tất cả hậu quả kinh tế do vi phạm giới hạn nợ.
Chẳng hạn, trì hoãn các khoản thanh toán cho Medicare có thể gây tổn hại đến các bệnh viện, trong khi hoãn chi cho an sinh xã hội có thể khiến các hộ gia đình rơi vào khủng hoảng tài chính. Bất kỳ quyết định ưu tiên nào cũng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tổng thống Joe Biden tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ với các quan chức Quốc hội tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 9/5. Ảnh: New York Times. |
Tương lai vô định nếu kích hoạt Tu chính án thứ 14
Ông Biden nhiều lần tiết lộ đang cân nhắc viện dẫn Tu chính án thứ 14 để bỏ qua giới hạn nợ nếu Quốc hội Mỹ không quyết định kịp thời.
Được thông qua sau khi nội chiến Mỹ chấm dứt, điều 14 của Hiến pháp Mỹ thường được biết đến với nội dung về quyền công dân và sự đối xử công bằng trước pháp luật. Tòa án Tối cao Mỹ từng dùng điều khoản này để xóa bỏ tình trạng trường học chỉ phục vụ một chủng tộc hay để công nhận hôn nhân đồng giới.
Nhưng Tu chính án 14 Mỹ còn một câu khác đang được các chuyên gia pháp lý săm soi từng chữ: “Tính hợp lệ của những khoản nợ công của Mỹ, vốn được luật pháp đảm bảo, [...], sẽ không thể bị nghi ngờ”, theo AP.
Những người ủng hộ, bao gồm một số chính trị gia cấp tiến, cho rằng ông Biden có thể viện dẫn điều khoản này và lập luận giới hạn nợ là vi hiến, sau đó tiếp tục vay tiền để tài trợ cho chính phủ.
Song ông Biden thừa nhận quyết định này có thể dẫn đến các vụ kiện. Bà Yellen cũng cho biết biện pháp này "có vấn đề về mặt pháp lý" và cảnh báo nguy cơ gây khủng hoảng hiến pháp.
Không những vậy, canh bạc này cũng có thể không giải quyết được vấn đề vì nếu các nhà đầu tư không chắc liệu nợ chính phủ mới phát hành có hợp pháp hay không, họ sẽ từ chối mua.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.