Bố mang đại dương về nhà
Xúc động trước món quà chồng tặng con gái, chị Thúy Hằng (28 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) quyết định chia sẻ câu chuyện gia đình lên mạng xã hội. Câu chuyện thu hút hàng ngàn lượt yêu thích của cộng đồng mạng.
Chị Thúy Hằng cũng rất bất ngờ khi chuyện nhà chạm đến cảm xúc của nhiều người. Chị chu đáo đọc hết bình luận, trả lời từng thắc mắc hoặc chia sẻ của cộng đồng mạng.
Nữ giáo viên ở Quảng Ngãi tâm sự: “Chồng tôi làm thủy thủ, suốt ngày lênh đênh trên sóng nước. Chúng tôi cưới nhau hơn 6 năm nhưng thời gian bên nhau ít lắm, chỉ vỏn vẹn vài đợt nghỉ phép của anh.
Món quà người thủy thủ chuẩn bị cho con gái. |
Suốt 9 tháng bầu bí, tôi nghén chẳng ăn được gì, hay mất ngủ, đêm nào vào đến bờ anh đều tranh thủ gọi về kể đủ thứ chuyện trên biển cho tôi nghe. Anh kể nhiều về đại dương, về các loài cá, tôm, cua, ốc sặc sỡ. Em bé lớn lên trong bụng mẹ nhờ những chuyện ba kể như thế”.
Theo chị Thúy Hằng, hôm nào được nghe ba kể chuyện, em bé ngoan ngoãn ngủ yên trong bụng mẹ. Chị Hằng nhờ vậy cũng ăn được ngủ được.
Lúc đó, chị Hằng nói với chồng: “Chắc bé thích biển như anh”. Từ đây, vợ chồng chị quyết định đặt tên con gái là Hoàng Sa, theo tên một quần đảo của nước ta.
“Hoàng Sa lớn lên yêu ba, mê biển, mê cả những câu chuyện về thế giới đại dương xanh mà ba thường kể. Hai ba con thường xuyên rôm rả trò chuyện.
- Ba ơi, ba kể chuyện cá heo cứu người đi.
Thế là hai cha con trò chuyện đến tận khuya, đến khi bé ngủ gật mới thôi. Lần nào gọi điện, Sa cũng đòi ba mang mình ra biển cùng”, chị Hằng kể.
Hoàng Sa thích thú, với tay chạm vào hình các con vật ở đại dương. |
Mỗi lần Sa đòi theo ba đi biển, chồng chị Hằng chỉ biết im lặng, không dám hứa với con. Sa phụng phịu, có khi còn khóc thút thít.
Mấy ngày trước khi về phép, chồng chị Hằng gọi khoe sẽ mang cả đại dương về cho con. Chị Hằng sợ anh không thực hiện được lời hứa.
Thế nhưng, anh cương quyết: “Mẹ không tin ba kìa Sa. Lần này, ba sẽ mang cả đại dương về cho con".
Khoảng đầu tuần trước, anh về nhà nghỉ phép 5 ngày. Hôm đó, 9h sáng, thấy ba về đến cửa, Sa lao vào ôm, đòi ba cho xem đại dương có hình dạng như thế nào.
“Anh kêu mẹ con tôi vào phòng, đóng cửa tắt đèn và nhắm mắt lại. Lúc anh gọi mở mắt ra, cả phòng ngập hình chiếu cá heo, sao biển, rùa…
Đó là đèn chiếu tạo nên hình động vật dưới biển, vũ trụ, hươu, sao…
Sa ngây người, nhảy cẫng lên sung sướng. Bé ôm cổ ba hôn chùn chụt. Hai ba con chơi cùng đại dương cả tiếng đồng hồ. Bé khen ba là số 1 nữa”, chị Hằng kể trong hạnh phúc.
Chồng chị Hằng còn bảo: “Từ nay nhà mình sẽ không còn xa nhau nữa, anh ở biển, mẹ con em cũng được ở biển rồi”.
Mong gia đình mãi hạnh phúc
Ngày 29/5, sau 5 ngày nghỉ phép, chồng chị Hằng lại lên đường công tác. Anh làm công việc sửa chữa máy móc trên tàu hàng.
Mỗi chuyến, anh thường xa nhà từ 1 tuần đến cả tháng. Những chuyến đi nước ngoài thì vài tháng anh mới về nhà.
"Mỗi dịp về nhà, anh thường tranh thủ chơi cùng con gái. Anh còn mang về cá tôm ngon cho vợ con.
Ông bố thủ thủy mong chiếc đèn sẽ kết nối được gia đình. |
Anh mang cả vỏ ốc về cho Sa chơi trò vỏ ốc úp tai. Sa rất thích chơi trò đó, bé thường reo lên bảo con nghe thấy tiếng sóng vỗ.
Sa rất thích nghe chuyện biển đảo, cá tôm. Thế nên, Sa có thể ngồi yên cả ngày nghe ba kể chuyện”, chị Hằng nói.
Ba của Sa còn nấu những món ăn mà con gái thích. Anh đưa con gái đi công viên, cùng chơi cầu trượt, xích đu. Nếu ở nhà, anh dạy bé gấp giấy hình con hạc, chiếc thuyền.
Từ hôm có chiếc đèn đại dương, ba con rủ nhau bật đèn lên, cùng câu cá, nằm bơi cạn, đủ các trò vui.
Mỗi lần về nhà, anh đều chú ý xem nhà hết vật dụng gì thì đi mua cho vợ con. Anh mua thuốc bổ cho bé, kem dưỡng da cho vợ. Anh cẩn thận ghi chú cách dùng trên từng hộp thuốc, kem bôi.
“Lần này anh về chơi với bé trước ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6, rồi đi công tác cũng khá lâu. Thế nên, mẹ con tôi cũng có buồn đôi chút. Thêm nữa, trên biển không có sóng nên chúng tôi liên lạc không thường xuyên.
Những lúc vào trạm tiếp dầu, anh mới tranh thủ gọi về hỏi thăm vợ con. Anh chủ yếu gọi điện, còn thi thoảng mới gọi video. Nghe tiếng ba, Sa thường tranh máy, tỉ tê đủ chuyện.
Tôi chỉ mong gia đình mãi hạnh phúc như thế để mai mốt còn có thêm em bé Trường Sa”, chị Hằng tâm sự.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.