Sau buổi sáng rong ruổi bán vé số, anh Minh Đạt (47 tuổi, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) chở vợ về nhà ăn cơm trưa.
Nghỉ ngơi một chút, anh lại chở vợ hoặc một mình đi bán tiếp buổi chiều. Hôm nào, anh cũng cố gắng bán từ 150 - 200 tờ vé số để đảm bảo đủ số tiền chi tiêu hàng ngày.
Tìm được một nửa yêu thương
Khoảng 3 năm trước, anh Đạt rời quê Phú Yên vào Đồng Nai, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh không ngờ cuộc ly hương này lại mang đến hạnh phúc.
Anh Minh Đạt chỉ cao 1 m ở tuổi 47. |
Gặp bất thường về hormone tuyến yên, ở tuổi 47, anh Đạt vẫn chỉ cao 1m. Khiếm khuyết của bản thân khiến anh không dám nghĩ đến chuyện cưới vợ, sinh con. Anh đã tính đến việc sống độc thân khi về già.
Thế nhưng, năm ngoái, anh Đạt tham gia vào Câu lạc bộ Ước mơ, nơi giao lưu và kết bạn của người khuyết tật trên địa bàn huyện Long Thành.
Tại đây, anh có cảm tình với cô gái trẻ Trần Hồng Phấn (21 tuổi, huyện Long Thành). Phấn bị sốt bại liệt nửa người nhưng khuôn mặt xinh xắn.
Trúng "tiếng sét ái tình", anh Đạt mạnh dạn làm quen và xin số điện thoại của Phấn. Ban đầu, Phấn ngại ngùng gọi chú xưng cháu với anh Đạt.
Tuy nhiên, sau khoảng 5 ngày nhắn tin trò chuyện, anh Đạt nói với Phấn: "Đừng gọi anh là chú nữa. Em làm người yêu anh nha".
Lời tỏ tình quá bất ngờ khiến Phấn bối rối. Thế nhưng, cô nghĩ bản thân không may mắn, có được người đàn ông yêu thương phải biết trân trọng.
Từ đó, hai người bắt đầu hẹn hò. Dù khoảng cách tuổi tác khá lớn nhưng anh Đạt rất yêu thương, chiều chuộng bạn gái. Anh thường lấy xe ba bánh chở Phấn đi dạo, ăn chè…
Anh Đạt chăm lo cho Phấn rất chu đáo từ lúc mới quen nhau. |
"Tính anh Đạt hài hước, hiền lành, không nhậu nhẹt và lo làm ăn. Thế nên, anh rất được lòng gia đình tôi", Phấn chia sẻ.
Hơn 5 tháng hẹn hò, anh Đạt ngỏ lời với người yêu: "Anh và em cùng chung cảnh tật nguyền. Bây giờ, mình cưới nhau đi, rồi cùng tính chuyện làm ăn".
Lời cầu hôn chân thành của ông chú tí hon làm Phấn xúc động, gật đầu lia lịa. Được sự hỗ trợ của hai bên gia đình, anh Đạt và Phấn chuẩn bị 10 mâm cỗ, mời bà con đến dự lễ cưới.
Vợ chồng anh Đạt chụp ảnh cưới. |
Phấn tâm sự: “Tôi thấy quyết định lấy anh làm chồng rất đúng đắn. Dù tôi không được như những cô gái khác nhưng anh trân trọng, tổ chức cưới hỏi, chụp ảnh cưới… đàng hoàng”.
Hạnh phúc nhân đôi
Ngày cưới, khách mời đều trầm trồ, khen anh Đạt may mắn cưới được cô vợ trẻ đẹp kém 26 tuổi. Anh cũng tự nhận, bản thân có phước, tuổi trung niên lại có được tổ ấm cho riêng mình.
"Tôi biết ơn nhà vợ đã tin tưởng, cho người đàn ông tí hon như tôi một cơ hội hạnh phúc. Hiện tại, tôi còn được gia đình Phấn cưu mang, sống chung dưới một mái nhà", anh Đạt xúc động nói.
Mọi người ngưỡng mộ anh Đạt cưới được vợ trẻ kém 26 tuổi. |
Vợ chồng anh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nên, mẹ vợ thường giúp hai người nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Anh Đạt làm lụng được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho vợ. Phấn sẽ gửi tiền ấy cho mẹ để chi tiêu hàng ngày.
Phấn cho biết: “Anh Đạt thật thà, bán vé số được bao nhiêu là đưa cho vợ hết. Lâu lâu, anh mới xin 5 – 10 nghìn đồng mua thuốc lá”.
Ngày biết tin Phấn mang thai, anh Đạt vừa sung sướng vừa lo lắng. Anh lo con gái sinh ra không lành lặn như ba mẹ, rồi sẽ lại khổ cả đời.
Mỗi lần chở vợ khám thai định kỳ, anh đều chăm chú nghe bác sĩ đọc kết quả siêu âm, dặn dò chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của thai phụ. Lúc bác sĩ chẩn đoán thai nhi ổn định, chiều cao phát triển bình thường, vợ chồng anh vỡ òa hạnh phúc.
Tuy nhiên, anh vẫn mong ngày con chào đời để chắc chắn niềm vui ấy được trọn vẹn.
Thời điểm mang thai, Phấn di chuyển khó khăn, không thể ra ngoài nhiều. Thế nên, anh Đạt đi bán vé số, tranh thủ mua đồ ăn ngon cho vợ bồi bổ.
Phấn kể: “Lâu lâu, anh bán xong sớm thì gọi điện hỏi tôi thích ăn gì để anh mua. Thật ra, không cần hỏi, anh cũng biết tôi thích nhất nước cam và gà quay. Lần nào có tiền anh cũng mua hai thứ đó cho tôi”.
Vợ mệt và than nhức mỏi, anh Đạt vội vàng xoa lưng, bóp tay chân. Những lúc bất đồng quan điểm, anh chủ động nhường nhịn vợ. Anh nghĩ, mình lớn tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm sống thì phải bỏ qua hết.
Nhắc lại kỷ niệm ngày đi sinh, Phấn vui vẻ kể: “Ngày tôi chuyển dạ, anh còn đi bán vé số chưa về. Tôi nhờ mẹ chở vào bệnh viện và gọi điện báo cho anh hay tin.
Biết vợ sắp sinh, anh bỏ hết vé số chưa bán, chạy thật nhanh vào bệnh viện. Thấy con lành lặn, anh mừng lắm”.
Hiện tại, anh Đạt sống cùng nhà vợ, được quan tâm và hỗ trợ tận tình. |
Thế nhưng, con gái của anh Đạt tròn 1 tháng tuổi thì bác sĩ phát hiện bé bị hẹp đường ruột, phải nhập viện phẫu thuật.
Chi phí phẫu thuật quá lớn so với thu nhập của vợ chồng anh Đạt. Để có tiền chạy chữa cho con, anh phải vay mượn và nhờ một số nhà hảo tâm giúp đỡ.
Hiện tại, con gái anh Đạt đã được phẫu thuật, tiếp tục nằm viện theo dõi. Anh hy vọng thử thách này chóng qua để tổ ấm của anh rộn rã tiếng cười con trẻ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.