Ngày 5/4, ông Võ Thanh Sơn, chủ hộ nuôi ong mật ở xã Long Sơn (huyện Minh Long) gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng Quảng Ngãi về việc trại nuôi ong mật của ông bị nhóm người lạ đập phá.
"Từ ngày 31/3 đến nay, trại ong mật liên tục bị một số người đến vào giữa đêm đập phá tan hoang. Nhóm có 4 đến 6 người. Họ ném đá, phun thuốc xịt kiến phá hoại hơn 100 thùng ong và dùng cây gỗ rượt đuổi đánh tôi", ông Sơn thuật lại.
Ông Sơn bên những thùng ong mật bị phá hỏng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo ông Sơn, nhóm người lạ mặt đe dọa nếu ông không sớm chuyển đàn ong ra khỏi thôn thì lán trại sẽ bị đốt, ong sẽ bị xịt thuốc chết.
Các công nhân làm việc ở trại ong mật của ông Sơn nói nhóm người lạ la hét, ném đá rào rào vào lều khiến xoong, nồi nấu ăn, thùng nước bị thủng, móp méo. Nghe một số thanh niên quá khích dọa giết, đốt trại, mọi người ai cũng run sợ.
Sau khi vụ việc xảy ra, cả trăm thùng gỗ nuôi ong đổ ngổn ngang và hàng nghìn con ong bị phun thuốc chết giữa rừng keo thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long.
Hơn 100 thùng nuôi ong mật của ông Sơn bị đập phá nằm ngổn ngang giữa rừng keo. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chủ hộ nuôi ong mật chia sẻ tháng 3 hàng năm, ông cùng bạn bè di cư đàn ong từ Bình Phước về Quảng Ngãi để quay mật. Chính quyền địa phương cho phép họ đưa đàn ong về đây kiếm ăn. Tuy nhiên một số người dân lo sợ ong phá hại lúa, hoa màu và lây dịch bệnh nên tìm cách phá hại, xua đuổi.
Nói về vụ việc, ông Võ Văn Gấm, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho hay địa phương đã nắm được. Công an xã Long Sơn đã đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản xác minh.
"Bước đầu, một số thanh niên thừa nhận lo sợ đàn ong di cư có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid- 19 nên đã đập phá, đánh đuổi chủ trại nuôi ong đi nơi khác. Họ đập phá trại ong là sai, vi phạm pháp luật. Trước tình hình này, chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân cần bình tĩnh, không gây thiệt hại cho các chủ trại nuôi ong", ông Gấm nói.
Những năm gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi từng cử nhiều đoàn cán bộ về các địa phương kiểm tra về thực trạng di cư đàn ong. Chi cục cũng đã kết luận ong mật chỉ ăn hạt phấn thừa trên bông lúa, hút dịch mật tiết ra từ nách lá non cây keo, chưa ghi nhận chúng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cũng gửi văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành tăng cường bảo vệ đàn ong tại các điểm đặt nuôi.
Lãnh đạo Cục này khẳng định ong mật không chỉ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp từ sản phẩm của ong (mật, phấn hoa, sáp ong...) mà còn có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng như ngô, đậu, bầu bí... Ong mật hoàn toàn không lây lan dịch bệnh hay gây ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và phát triển của hạt lúa, cây keo.
Huyện Minh Long (Quảng Ngãi), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Google Maps. |