Lúc 14h40 ngày 11/1, ông Đào Thịnh Cường - Phó viện trưởng VKSND Hà Nội thay mặt cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 21 bị cáo khác.
Theo đó, VKS đề nghị án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị 13-14 năm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng mức hình phạt với bị cáo Thanh bị đề nghị là chung thân...
Ông Cường nêu rõ: Việc VKSND Tối cao truy tố các bị cáo tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Theo vị đại diện VKS, thực hiện Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ nghị quyết 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng BLHS 2015 theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì hành vi Tham ô tài sản của các bị cáo trong vụ án được áp dụng theo Điểm a, Khoản 4, Điều 333 BLHS 2017 sửa đổi sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018.
Xét tính chất vụ án nhận thấy, vụ án Cố ý làm trái và Tham ô xảy ra ở PVN và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Đối với hành vi Cố ý làm trái: Các bị cáo trong vụ án hầu hết đều giữ các vị trí chủ chốt trong tập đoàn có tầm quan trọng hàng đầu của đất nước, được Nhà nước tin tưởng giao khai thác dầu khí, nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia và thực hiện dự án công trình trọng điểm trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện dự án nêu trên, lợi dụng cơ chế đặc thù và nhiều ưu đãi khác của Nhà nước với PVN, vì các động cơ khác nhau, trên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Các bị cáo trong đó đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn.
Các bị cáo liên quan vụ án tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.D. |
Với hành vi Tham ô tài sản: Các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh -người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC, đã cấu kết với nhau và các doanh nghiệp bên ngoài, lập hồ sơ, quyết toán khống để chiếm đoạt số tiền rất lớn. Hậu quả của vụ án là rất nghiêm trọng, số tiền thiệt hại 119 tỷ và 13 tỷ tham ô chưa nói hết tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Ngoài các thiệt hại ban đầu đã được xác định, việc làm sai trái của bị cáo đã tăng kế hoạch gấp đôi thời gian, hụt vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng… gây thất thoát vốn lớn của Nhà nước. Đây là những sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua, thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao của tập đoàn.
Thực tế cho thấy, bằng việc đầu tư, góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm, đã dẫn tới việc thất thoát vốn của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng ở nhiều sự án khác, đó chính là tiền đề cho tham nhũng, lãng phí, thất thoát xảy ra tại tập đoàn PVN. Không những bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên của PVN. Đau xót hơn, trong đó nhiều người có chức sắc, nhiều người từng là các nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người từ đây đã tha hóa biến chất như Trịnh Xuân Thanh là điển hình.
Hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên là biểu hiện một phần tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu tới chính trị - xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Vì vậy việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào, khi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải xử lý, tài sản phải được thu hồi, công lý phải được thực thi. Qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.
Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.
Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: D.P. |
Tại phiên tòa, bị cáo Thăng khẳng định suốt quá trình điều tra và tại phiên xử, ông luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Người từng đứng đầu PVN mong HĐXX xem xét bối cảnh trong tổng thể 10 năm trước, đặc biệt PVN là tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất cả nước triển khai nhiều dự án trọng điểm trong điều kiện hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.
"Giữa cái đồng hành quyết liệt, sáng tạo với vi phạm quy định là hết sức mong manh, khó tránh khỏi", ông Thăng phân trần về sức ép tiến độ thời điểm triển khai dự án.
Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng nếu ông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có thể phát hiện sai sót.
Trong 4 ngày diễn ra phiên xử, các bị cáo bị cáo buộc tội Tham ô cũng lên tiếng, trong đó có Trịnh Xuân Thanh. Cựu Chủ tịch HĐQT PVC phủ nhận việc nhận 4 tỷ đồng để tiêu Tết và đề nghị tòa làm rõ lời khai của nhân chứng.
Theo ghi nhận của Zing.vn, một trong những vấn đề được nhiều luật sư quan tâm và đặt ra câu hỏi với giám định viên cách tính nào để xác định các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Giám định viên cho biết việc thực hiện giám định trên cơ sở giám định của cơ quan điều tra, theo đúng luật liên quan. Phương pháp, thời gian giám định đã có trong báo cáo.
Giám định viên khẳng định việc giám định được thực hiện đúng pháp luật, có tình có lý.
Ba kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên xử Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó có Phó viện trưởng VKSND Hà Nội Đào Thịnh Cường . Ảnh: Việt Hùng. |