Ngày 27/12, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV PVN) và các đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Theo cáo trạng, ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng. Trong số 8 đồng phạm với cựu Chủ tịch HĐTV, có 7 người bị truy tố về Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Góp vốn vào Oceanbank sai quy định
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank không thông qua HĐQT.
Việc góp vốn được ông Thăng quyết định khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank. Các lần cựu Chủ tịch HĐQT PVN ký nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp chưa được sự đồng ý của Thủ tướng.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cơ quan tố tụng cho rằng ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank, nắm rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Đến 1/1/2011, Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
Số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và bị Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng.
Trường hợp Ninh Văn Quỳnh, trong thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, bị can này đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN, để chiếm đoạt 20 tỷ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ Nguyễn Xuân Sơn. Do đó, ông Quỳnh bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị truy tố 2 lần trong 3 ngày
Ba ngày trước (25/12), VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là vụ án mà ông Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu.
Theo cáo trạng, để giúp PVC (đơn vị do Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận điều hành) khắc phục khó khăn về tài chính, ông Thăng đã chỉ định công ty này thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa thẩm định kinh nghiệm, năng lực.
Sau đó, ông Thăng còn chỉ đạo nhà thầu PV Power ký hợp đồng EPC trái quy định, qua đó để PVC tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng khi chưa phải nhà thầu chính thức.
Nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã sử dụng sai mục đích như trả nợ, đầu tư dự án khác hơn 1.100 tỷ đồng.
Ngày 8/1/2018, TAND Hà Nội sẽ đưa ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án này ra xét xử. Trong số này, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản.
Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước bị xử lý thế nào?
Theo Điều 165 Bộ luật hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt hay gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.